Nhiều trường đại học (ĐH) công bố các phương thức xét tuyển sớm để thí sinh có thêm lựa chọn vào ngành học yêu thích.
Có nhiều con đường vào đại học
Trường ĐH Luật TPHCM công bố phương thức xét tuyển sớm với học sinh tại các trường THPT chuyên, năng khiếu và một số trường THPT khác có điều kiện về học bạ. Đó là thí sinh phải học đủ 3 năm tại các trường có tên trong danh sách trên, có kết quả học tập của từng năm lớp 10, 11 và 12 được xếp loại giỏi; và có tổng điểm trung bình năm học của 3 năm THPT đạt tổng điểm từ 24,5 trở lên. Có điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT (gồm năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 24,5 trở lên.
Nhiều trường khác như Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH), Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn… cũng áp dụng tuyển sinh bằng học bạ độc lập hoặc kết hợp với các điều kiện khác kèm theo như điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm trung bình tổ hợp xét tuyển theo ngành học… Nhìn chung, cơ hội cho các thí sinh xét tuyển bằng học bạ vẫn rộng mở ở mùa tuyển sinh năm nay.
Ngoài việc nỗ lực để có một kết quả học bạ đẹp, tăng khả năng vào ĐH ngành yêu thích, mỗi thí sinh cũng có thể thử sức ở các kỳ thi đánh giá năng lực do các trường tổ chức để giành suất vào ĐH sớm. Đơn cử, học sinh lớp 11 có thể tham gia kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm 2024 và kết quả sẽ được bảo lưu để xét tuyển trong vòng 2 năm. Kỳ thi được tổ chức trên máy tính với các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh.
Tương tự, kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội dành cho học sinh đã hoặc đang học THPT đăng ký. Không chỉ lớp 12, học sinh lớp 10 và 11 cũng có thể dự thi nếu có nhu cầu. PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội lý giải quy định này được đưa ra dựa trên việc Bộ GDĐT cho phép học sinh lớp 10, 11 dự thi quốc gia, quốc tế cùng lớp 12. Thực tế cũng cho thấy, nhiều học sinh lớp dưới có năng lực tốt và đạt giải cao. Tuy nhiên, các trường đều khuyến cáo học sinh lớp 10 chưa nên dự thi, còn lớp 11 cũng không nên vội vàng. Bởi đề thi có những phần kiến thức của lớp 12 nên nếu các em chưa được học sẽ gặp khó khi làm bài. Kết quả thi sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn trong khi lại gây tốn kém cho gia đình.
Đối với những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm nay, thông tin trường quy đổi điểm và gộp chung các loại chứng chỉ vào một nhóm xét tuyển khác với năm 2023 là một điểm mới. Cụ thể, theo công thức quy đổi điểm hiện tại, ở cùng mức điểm sàn đầu vào, thí sinh có điểm SAT 1.200 được quy đổi thành 22/30 điểm, thí sinh có điểm HSA 85 được quy đổi thành 17/30. Tương tự ở các mức khác. Nhiều thí sinh cho rằng cách quy đổi điểm này mang lại lợi thế cho thí sinh có chứng chỉ SAT và thiệt thòi cho các thí sinh chỉ ôn thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng việc quy đổi điểm các chứng chỉ về thang điểm 30 được thực hiện theo quy định của Bộ GDĐT. Việc gộp chung các chứng chỉ vào một nhóm xét tuyển thực chất thuận lợi cho thí sinh vì thí sinh có quyền lựa chọn điều kiện phù hợp nhất cho mình.
Thông tin thêm, ông Triệu cho biết hằng năm số hồ sơ dự tuyển bằng chứng chỉ SAT trường nhận được không nhiều, chỉ 100 - 200 hồ sơ và chỉ khoảng 20 - 30 thí sinh trúng tuyển nhập học. Do đó, việc gộp chung này theo tính toán của trường là ảnh hưởng không đáng kể đến kết quả tuyển sinh.
Không chủ quan với thi tốt nghiệp THPT
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), quan trọng nhất với các em học sinh chính là chọn trường, chọn ngành nghề đào tạo phù hợp. Đừng chỉ chọn những ngành nghề "hot", nhìn có vẻ như thị trường ưu chuộng, thu nhập tốt, dễ tìm việc mà bỏ qua cơ hội ở những ngành học khác mà các doanh nghiệp đang phải xếp hàng chờ để tuyển dụng nhưng không có người học, không có sinh viên tốt nghiệp để tuyển.
"Như lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp hiện rất cần đội ngũ khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp xanh, công nghệ cao nhưng ít được các em lựa chọn do không nắm bắt được thông tin” - bà Thủy cho hay.
Đặc biệt, bà Thủy lưu ý, học sinh cần phải tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì việc được công nhận xét tốt nghiệp chính là điều kiện tiên quyết trước khi vào bậc học cao hơn. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp cũng là cơ hội để xét tuyển vào nhiều trường trong toàn quốc. Ngoài kỳ thi chung, nếu muốn học sinh nên lựa chọn thêm 1 đến 2 kỳ thi riêng của các trường nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm với sự lựa chọn rõ ràng.
Tương tự như mùa tuyển sinh 2023, năm nay thí sinh xét tuyển bằng phương thức nào vẫn cần đăng ký trên hệ thống chung của Bộ GDĐT. Khi có đầy đủ dữ liệu xét tuyển của thí sinh, hệ thống này sẽ tự lọc và sắp xếp các nguyện vọng trúng tuyển của thí sinh theo thứ tự ưu tiên.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), quan trọng nhất với các em học sinh chính là chọn trường, chọn ngành nghề đào tạo phù hợp. Đừng chỉ chọn những ngành nghề "hot", nhìn có vẻ như thị trường ưu chuộng, thu nhập tốt, dễ tìm việc mà bỏ qua cơ hội ở những ngành học khác mà các doanh nghiệp đang phải xếp hàng chờ để tuyển dụng nhưng không có người học, không có sinh viên tốt nghiệp để tuyển. "Như lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp hiện rất cần đội ngũ khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp xanh, công nghệ cao nhưng ít được các em lựa chọn do không nắm bắt được thông tin” - bà Thủy cho hay.