Chiều 2/12, tại Lạng Sơn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và 7 tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Cụm thi đua MTTQ các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc năm 2022. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội nghị.
Báo cáo của Cụm thi đua các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc cho biết, trong năm 2022, Ủy ban MTTQ các tỉnh trong Cụm thi đua đã bám sát hướng dẫn của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp với các tổ chức thành viên, các cấp, các ngành để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm.
Cùng với việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, MTTQ các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình hành động của MTTQ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Đoàn kết, sáng tạo”; quan tâm chăm lo cho người nghèo và các chính sách an sinh xã hội.
Đặc biệt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Hiện, các tỉnh trong Cụm đều đẩy mạnh triển khai thực hiện tuyên truyền thông qua Trang thông tin điện tử, tích cực tham gia xây dựng “Trang cộng đồng” (fanpage Facebook) của MTTQ Việt Nam. Đây là một hình thức tuyên truyền rất mới, hiệu quả trong thời kỳ phát triển công nghệ như hiện nay.
Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng rõ hơn về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã có nhiều đổi mới, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường giám sát chuyên đề, lựa chọn nội dung phản biện. Trong năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong toàn cụm đã chủ trì tổ chức 2.146 cuộc giám sát; tổ chức 257 hội nghị phản biện xã hội vào các dự thảo Đề án của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tại hội nghị, Mặt trận 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc đã đánh giá những kết quả đã đạt được, nhất là những điểm sáng, nổi bật, cách làm hay, sáng tạo của Mặt trận các cấp trong năm 2022; trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích nổi bật của Cụm thi đua các tỉnh biên giới miền núi phía Bắc đạt trong năm 2022, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định những kết quả này đã góp phần khẳng định vị thế, vai trò của MTTQ các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn các tỉnh.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Ủy ban MTTQ 7 tỉnh trong cụm cần tiếp tục chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX và nội dung Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam theo hướng bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại năm 2023 của mỗi địa phương, trong đó cần lựa chọn một số nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid - 19, ưu tiên nguồn lực để triển khai nhằm tạo kết quả rõ nét; khắc phục tình trạng dàn trải trong triển khai nhiệm vụ, nhất là các phong trào thi đua, các cuộc vận động.
Cùng với đó, Mặt trận các cấp cần tiếp tục quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết đồng bào dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Chủ động đề xuất, phối hợp tổ chức thường xuyên các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với các tầng lớp Nhân dân theo địa bàn, khu vực, theo nhóm đối tượng để lắng nghe đầy đủ, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, phát huy dân chủ; chủ động phối hợp, giải quyết các vụ việc phức tạp nảy sinh từ cơ sở.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng đề nghị, Mặt trận các cấp cần đổi mới công tác giám sát, phản biện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; tập trung triển khai các nội dung theo Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; lựa chọn những vấn đề lớn, nổi cộm, liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân để tập trung nguồn lực thực hiện một cách đồng bộ, dứt điểm và có sản phẩm chất lượng; tăng cường giám sát theo chuyên đề, những vụ việc nổi cộm mà người dân quan tâm để đảm bảo tính chuyên sâu, thiết thực.
Đặc biệt, cần phát huy hiệu quả vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và phối hợp làm tốt công tác hòa giải từ cơ sở. Tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với điều kiện từng địa phương.