Sáng ngày 22/11, tại Hòa Bình, Cụm thi đua các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc - UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động của Cụm thi đua năm 2022. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị.
Cùng tham dự có ông Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình và lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trong Cụm thi đua: Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn.
Những con số ấn tượng
Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2022; nhiệm vụ trọng tâm của Cụm thi đua các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc năm 2023, ông Bùi Tiến Lực, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Cụm trưởng Cụm thi đua cho biết, năm 2022, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp có hiệu quả của các tổ chức thành viên, cùng với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trong Cụm thi đua đã thực hiện tốt Chương trình phối hợp thống nhất hành động, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; tích cực đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư đổi mới và sáng tạo, khắc phục những khó khăn và đạt được những kết quả nổi bật.
Các tỉnh trong Cụm thi đua đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng vững chắc Khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; chung sức, đồng lòng thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao được các tỉnh trong cụm tập trung triển khai với nhiều kết quả nổi bật trong vận động Nhân dân đồng thuận trong giải phóng mặt bằng, hiến đất, ngày công để triển khai các công trình dự án xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo hướng dẫn, tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới; tiếp tục duy trì và nhân rộng hàng nghìn khu dân cư tự quản tại các địa bàn. Đến nay, 7 tỉnh trong Cụm đã có 505 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Các hoạt động vì người nghèo và vận động ủng hộ chương trình an sinh xã hội được Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trong Cụm quan tâm triển khai thực hiện với tổng số tiền vận động xây dựng quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội đạt 250 tỷ đồng, từ nguồn quỹ trên đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa trên 2.722 căn nhà cho hộ nghèo, trị giá 47,42 tỷ đồng; kịp thời cứu trợ đột xuất, giúp đỡ hội viên về ngày công lao động, về vật chất, vốn, giống vật nuôi cây trồng nhằm giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong toàn cụm chủ trì tổ chức 242 cuộc giám sát, 168 hội nghị phản biện xã hội. Công tác giám sát, phản biện xã hội được Ủy ban MTTQ các tỉnh trong Cụm thi đua tăng cường triển khai thực hiện nền nếp, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Sau giám sát đều có báo cáo kết quả và kiến nghị cụ thể gửi các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh phối hợp tham gia các đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh.
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, những cách làm hay trong triển khai các chương trình hành động do MTTQ Việt Nam phát động; đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp hiệu quả nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Hội nghị cũng suy tôn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ sẽ là Cụm trưởng Cụm thi đua các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc năm 2023.
Đổi mới công tác giám sát, phản biện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nổi bật của Cụm thi đua các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc trong năm 2022, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, những kết quả này đã góp phần khẳng định vị thế, vai trò của MTTQ các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn các tỉnh.
Để tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong năm 2022 và triển khai chương trình hành động trong năm 2023, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, Ủy ban MTTQ Việt Nam 7 tỉnh trong cụm cần tiếp tục chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX và nội dung Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam theo hướng bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại năm 2023 của mỗi địa phương. Từ đó, lựa chọn một số nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với thực tế để việc triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân.
Cùng với đó, Mặt trận các cấp cần chủ động đề xuất, phối hợp tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với các tầng lớp nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; chủ động phối hợp, giải quyết các vụ việc phức tạp nảy sinh từ cơ sở.
Đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị Mặt trận các cấp cần đổi mới công tác giám sát, phản biện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó cần tập trung triển khai các nội dung theo Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; lựa chọn những vấn đề lớn, nổi cộm, liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân để tập trung nguồn lực thực hiện một cách đồng bộ, dứt điểm và có sản phẩm chất lượng; tăng cường giám sát theo chuyên đề, những vụ việc nổi cộm mà người dân quan tâm để đảm bảo tính chuyên sâu, thiết thực.
Đặc biệt cần phát huy hiệu quả vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và phối hợp làm tốt công tác hòa giải từ cơ sở. Tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong cụm cần quan tâm củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn, Tổ tư vấn, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư... để tạo sức mạnh tổng hợp trong tham mưu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác đặt ra; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai nhiệm vụ.