Giáo dục bằng nghệ thuật múa rối

Nguyễn Thịnh 02/08/2015 10:00

Múa rối rất thu hút trẻ em vì phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Trong múa rối có những câu chuyện được lấy từ chuyện cổ tích, chuyện ngụ ngôn hay những tuồng trò… có nhiều ý nghĩa và có tính giáo dục cao. Từ đó, có thể dùng múa rối để giáo dục trẻ em về những bài học làm người.

Giáo dục bằng nghệ thuật múa rối

Khán giả hào hứng xem vở kịch rối “Dê con và con sói”.

Ảnh: Nguyễn Thịnh

Sáng 31/7, tại Bảo tàng TP HCM đã diễn ra buổi nói chuyện chuyên đề Tìm hiểu nghệ thuật múa rối do Đoàn nghệ thuật múa rối Phương Nam và nghệ sĩ múa rối Hoàng Duẩn trình diễn. Tại đây, các em nhỏ đã được nghe nghệ sĩ Hoàng Duẩn nói về lịch sử và nghệ thuật múa rối VN. Buổi nói chuyện rất thu hút trẻ em và cả người lớn tham dự.

Bên cạnh việc cung cấp một số hiểu biết cơ bản về nghệ thuật múa rối, các nghệ sĩ cũng biểu diễn những tiết mục múa rối cho các khán giả nhí xem. Như tiểu phẩm “Mèo và chuột”, tiết mục chú hề và hai con trâu chọi nhau, vở kịch rối “Dê con và con sói”…

Những ánh mắt trong trẻo nhìn lên sân khấu chăm chú, say mê và cười hồn nhiên khi có những cảnh hài hước. Trong vở kịch rối “Dê con và con sói”, một vở kịch chuyển thể từ câu chuyện ngụ ngôn cùng tên quen thuộc với trẻ em lâu nay, khán giả nhỉ ồ lên khi thấy con sói toan tính âm mưu ăn thịt dê con… Đến cảnh con sói đóng giả dê mẹ để gõ cửa nhà dê con và suýt bắt được dê con thì khán giả nhí la ó, cảnh báo dê con. Sự sáng tạo của nghệ sĩ rối đã cộng hưởng từ các khán giả nhí khiến cho tiết mục thêm hào hứng, sôi động.

Vở kịch kết thúc, nghệ sĩ Hoàng Duẩn hỏi: “Xem xong câu chuyện này, các con rút ra bài học gì?”. Nhiều cánh tay giơ lên hăng hái xin trả lời. Một em bé nói: “Con học được bài học là không nghe lời kẻ xấu dụ dỗ”. Một em bé khác nói: “Con học được bài học là không nên nói dối”. Một em khác nói: “Con học được bài học là phải nghe lời ba mẹ”...

Nghệ sĩ Hoàng Duẩn kết thúc màn hỏi đáp: “Qua một câu chuyện mà các con rút ra được nhiều bài học khác nhau, đó là không nên nói dối, phải ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, không nên nghe theo lời người lạ dụ dỗ. Hiện nay chuyện bắt cóc trẻ em diễn ra rất nhiều, các con không nên nghe lời người lạ để tránh bị dụ dỗ, bắt cóc, các con nhé”.

Sau buổi diễn, nhiều em cho biết mình rất thích xem rối, nhất là những tiết mục rối kể những câu chuyện cổ tích hay ngụ ngôn. Nghệ sĩ Hoàng Duẩn cho biết: “Nghệ thuật múa rối rất thu hút trẻ em. Trong múa rối hiện đại có nhiều câu chuyện ngụ ngôn, chuyện cổ tích được dàn dựng thành các vở kịch rối. Trong những vở kịch này đã có những bài học giàu ý nghĩa, có tính giáo dục cho trẻ em. Khi diễn những vở kịch như thế, chỉ cần chúng ta lồng vào những gợi ý là các em sẽ nắm bắt được những ý nghĩa trong câu chuyện và tự rút ra cho mình những bài học.

Chẳng hạn như thông qua vở kịch rối “Cô bé quàng khăn đỏ”, các em sẽ biết là phải nghe lời cha mẹ, đi đến nơi về đến chốn, không la cà và nghe lời người lạ dụ dỗ; hoặc câu chuyện “Ba chú heo con xây nhà”, các em sẽ rút ra bài học đoàn kết, vì có đoàn kết thì ba chú heo mới xây được nhà mà không bị sói phá hoại và ăn thịt…”

Những câu chuyện ngụ ngôn, chuyện cố tích có tính giáo dục được trình bày qua các vở kịch múa rối luôn sinh động, hài hước, có sự giao thoa giữa nghệ sĩ với khán giả, không khô cứng nên hấp dẫn hơn. Từ đó trẻ em cũng dễ tiếp thu hơn. Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Hoàng Duẩn, do hiện nay, loại hình nghệ thuật múa rối đang bị suy thoái, tạo hình con rối còn chưa đẹp… do đó chưa đến với công chúng, nhất là với trẻ em nhiều được, rất khó cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Các nhà hát, tụ điểm dành cho múa rối biểu diễn càng ngày càng ít.

Do vậy, để múa rối phát triển hơn, tiếp cận được với trẻ em nhiều hơn, thì cần sự đầu tư nhiều hơn. Cần phải có những nhà hát riêng cho trẻ em để dành nơi cho múa rối biểu diễn. Ngoài ra, cần có chế độ đãi ngộ và đào tạo cho diễn viên múa rối tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục bằng nghệ thuật múa rối