Hiện nay 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới đều có dự án về giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Tuy nhiên, để đạt được tiến độ và mục tiêu nâng cao chất lượng GDNN, vẫn còn ngổn ngang những cái khó.
Chồng chéo các chương trình trên cùng một địa bàn
Tổng cục GDNN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa tổ chức hội nghị bàn các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung về GDNN thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 vùng Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Theo đó, nhiều rào cản trong quá trình thực hiện đã được chỉ ra. Trong đó khó khăn đầu tiên là do đối tượng, địa bàn tại 3 chương trình mục tiêu quốc gia có tính chất tương tự, khiến trên cùng một địa bàn có thể thụ hưởng kinh phí từ nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa nắm rõ về đối tượng, nội dung, hoạt động của các tiểu dự án, nội dung thành phần nên việc xây dựng, đề xuất kế hoạch thực hiện hàng năm và cả giai đoạn còn chưa sát thực tế, bảo đảm đúng đối tượng, phạm vi, nội dung thực hiện.
Trước đó, tại Hội nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung về GDNN thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Kiên Giang, những vướng mắc như trên cũng được các địa phương đề cập.
Theo báo cáo của Tổng cục GDNN, hiện nay trong các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 lĩnh vực GDNN được phê duyệt có 3 tiểu dự án. Đáng chú ý, tiểu Dự án 1: “Phát triển GDNN vùng nghèo, vùng khó khăn” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của tiểu dự án này là phát triển GDNN về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ GDNN với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống…
Tuy nhiên, ngoài việc chồng chéo về các đối tượng, địa bàn được thụ hưởng chính sách từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia nói trên, việc thực hiện một số dự án, tiểu dự án từ nguồn vốn đầu tư công phải theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Đầu tư công nên cũng mất thời gian; việc phân bổ vốn, ban hành văn bản hướng dẫn chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ của chương trình.
Sớm gỡ khó
Tổng cục GDNN đã hướng dẫn một cách đầy đủ, toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, lắng nghe, giải đáp những vướng mắc và cùng bàn về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn trong những tháng cuối năm 2022 và chuẩn bị các điều kiện thực hiện các nhiệm vụ ngay từ đầu năm 2023, bảo đảm đúng mục tiêu, chất lượng và hiệu quả.
Nhằm nâng cao chất lượng GDNN từ nay đến năm 2025, một số giải pháp đã được đề ra. Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, sẽ có một số nội dung mới hoạt động GDNN sẽ được triển khai trong giai đoạn này, như: Xây dựng các mô hình đào tạo kết nối doanh nghiệp; thí điểm xây dựng mô hình bảo đảm chất lượng cho các cơ sở GDNN; tăng cường đào tạo hoặc đào tạo lại cho người lao động; điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo yêu cầu về kỹ năng nghề trong tương lai; gắn kết chặt chẽ GDNN với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập...
Ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, mỗi chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025 đều có vai trò, sứ mệnh riêng, tuy nhiên lại có mối quan hệ hữu cơ rất chặt chẽ với nhau. Đối với các nội dung bất cập, vướng mắc trong triển khai thực hiện các nội dung về GDNN thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ đề nghị Tổng cục GDNN tổng hợp, giải đáp, tháo gỡ, làm rõ thấu đáo cụ thể từng vấn đề để tạo sự nhất quán trong triển khai thực hiện trên toàn quốc. Những vấn đề vượt thẩm quyền đề nghị phối hợp với các cơ quan liên quan để có hướng dẫn cụ thể với tinh thần nhanh nhất, khẩn trương nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở GDNN.