Với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, sự cạnh tranh giữa các trường đại học trong khu vực đang buộc các trường đại học ở Việt Nam phải tìm hướng đi mới để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, theo lãnh đạo một số trường, có một giải pháp hiệu quả hiện nay là tăng cường sự liên kết giữa các trường với nhau, cũng như liên kết với những tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đại học (ĐH) uy tín trên thế giới.
Các trường ĐH trong nước đang mở rộng liên kết để nâng cao chất lượng đào tạo.
Liên kết đào tạo với các nước
Khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN, tham gia Hiệp định thương mại TPP… một điều không thể phủ nhận là người học có nhiều cơ hội hơn trong học tập, tiếp cận được với các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài. Nắm bắt được xu thế, nhiều trường ĐH của Việt Nam đã khởi động, thay đổi tư duy để tập trung nâng cao chất lượng, tìm cách đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội. Bởi nếu các trường không chủ động nâng cao chất lượng đào tạo, rất có thể sẽ rơi vào tình trạng “ế” người học.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Ánh- Trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội: Để nâng cao chất lượng đào tạo và cạnh tranh với các trường trong khu vực ASEAN, nhà trường đang thỏa thuận liên kết đào tạo với một Tổ chức khảo thí của nước Anh ở một số ngành đào tạo như: Kế toán, Quản trị kinh doanh… Bên cạnh đó, nhà trường cũng mời các trường trong khu vực ASEAN có đào tạo những chuyên ngành tương đương cùng xây dựng lại các chương trình đào tạo, nhằm hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo khi hội nhập.
TS Vũ Phán- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông cũng hồ hởi kể: Nhiều năm trước, nhà trường mới chỉ thực hiện liên kết đào tạo với một số trường ĐH trong nước. Tuy nhiên, khi Việt Nam hội nhập AEC, nhà trường cũng lên kế hoạch liên kết đào tạo với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… để đào tạo ngoại ngữ cho người học.
Ông cũng khẳng định, hiện có rất nhiều trường trong nước thực hiện liên kết đào tạo với các trường trên thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo. Và việc lên kế hoạch liên kết đào tạo với nhiều trường trong khu vực ASEAN của ĐH Phương Đông, cũng là để có thể cạnh tranh với các trường trong nước và khu vực.
Mở rộng liên kết với doanh nghiệp
Nhu cầu nhân lực trong giai đoạn hội nhập được nhiều chuyên gia dự báo, sẽ cần số lượng lớn nhân lực thuộc ngành điện - điện tử, nông - lâm - ngư, khoa học công nghệ, xã hội… có kiến thức, tay nghề thành thạo. Để đào tào chất lượng, tạo đầu ra cho sinh viên, nhiều trường ĐH cũng liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo được nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu xã hội.
Theo đại diện trường Trường ĐH Hòa Bình, trong thời gian tới nhà trường mở một số chương trình đào tạo liên kết với doanh nghiệp như: Vietjet Air, Boeing… nhằm tăng cường hướng đào tạo thực hành cho người học và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các sinh viên ra trường, nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện cam kết của nhà trường sẽ được làm việc trong các doanh nghiệp này.
Đồng thời lãnh đạo nhà trường cũng khẳng định, khi các em được tham gia chương trình liên kết với các doanh nghiệp, sẽ tự tạo dựng được cho mình thương hiệu cá nhân. Các em sẽ có kỹ năng khi được thực hành tại doanh nghiệp, có vốn ngoại ngữ nhất định… Khi đó các em hoàn toàn có thể tự đi xin việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đây được xem là mô hình đaò tạo hiệu quả, đã được các trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân… thực hiện từ nhiều năm nay.
Nắm bắt cơ hội để nâng cao thương hiệu
Nhìn chung, hướng đi mới của các trường trong giai đoạn hội nhập đã và đang mở ra những kỳ vọng mới về đội ngũ nguồn nhân lực của Việt Nam. Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục như học tập, bồi dưỡng, trao đổi nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên và người học. Từ đó, sẽ có thêm nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục.
“Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là mối quan hệ tự nguyện, không ai bắt buộc được. Trong Luật giáo dục, trong các chiến lược về phát triển giáo dục đa phần yêu cầu các doanh nghiệp gắn kết, tham gia hệ thống đào tạo… Vì vậy, các trường phải biết nắm bắt cơ hội để nâng cao chất lượng đào tạo” - GS Nguyễn Minh Đường - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho ý kiến trước sự phát triển của mô hình liên kết đào tạo.
Ông cho rằng: Hiện nay chúng ta đào tạo chưa gắn với doanh nghiệp. Thế nên chưa lôi kéo được các doanh nghiệp tham gia. Nghĩa là các trường trong thời gian tới cần đổi mới, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội theo đúng chuẩn đầu ra. Muốn có chất lượng, phải thay đổi trước nhất là chuẩn đầu ra, căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên mức học phí, chi phí đầu tư cũng phải cao. Bởi vì nếu thầy yếu kém, cơ sở vật chất yếu kém thì không thể đạo tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đó cũng chính là khó khăn khiến cho các lãnh đạo nhà trường phải “đau đầu”, trong cả việc liên kết với doanh nghiệp cũng như liên kết đào tạo với các nước trong khu vực. Lãnh đạo Trường ĐH Hòa Bình nhận định: Hiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chương trình giảng dạy nhà trường vẫn còn nhiều hạn chế so với các trường trong khu vực, nên chưa thể thực hiện liên kết đào tạo với một số trường trong khu vực ASEAN. Trước mắt, nhà trường mới chỉ tham gia liên kết với một số doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là bước phát triển mới, có nhiều hứa hẹn. “Nhưng trong thời gian tới, để thu hút nguồn lực đầu tư từ nước ngoài, ĐH Hòa Bình cũng như các trường ĐH trong cả nước nói chung cần tiến hành nâng cao thương hiệu để được các doanh nghiệp, các trường trong khu vực biết đến nhiều hơn”.
Cùng với khó khăn trên, cũng có ý kiến cho rằng: Các nước trong khu vực ASEAN đã xây dựng một hệ thống bậc đào tạo tương đồng. Do đó, một người tốt nghiệp trình độ nào đó ở nước này hoàn toàn tương đương với trình độ tham chiếu nước khác. Trong khi, bậc học và chương trình đào tạo nghề của Việt Nam khác xa so với các trường trong khu vực ASEAN. Trước yêu cầu hội nhập, các trường Việt Nam nếu không có tiêu chuẩn kỹ năng chung, cũng sẽ gặp khó khăn khi liên kết đào tạo với các nước trong khu vực.