Mỹ có thể bắt đầu phân phối các loại vaccine ngừa Covid-19 từ ngày 10/12 tới.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Washington, ngày 26/11, ông Alex Azar, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ dân sinh Mỹ, “nếu mọi việc suôn sẻ, chúng tôi có thể sớm phân phối vaccine ngừa Covid-19 tới 64 khu vực của nước Mỹ trong vòng 24 giờ kể từ khi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép. Thông tin này cho thấy hy vọng mới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đồng thời tiếp tục hâm nóng cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine ngừa Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ dân sinh Mỹ, một trong những đối tác tư nhân cho biết sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những người cao tuổi tại các viện dưỡng lão - một trong nhóm ưu tiên hàng đầu - trong vòng 48 giờ sau khi FDA cho phép. Trước đó, báo giới Mỹ đưa tin Ủy ban tư vấn về vaccine và các sản phẩm sinh học có liên quan thuộc FDA có kế hoạch tổ chức hội nghị thảo luận về đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer và BioNTech.
“Vũ khí lợi hại” trong cuộc chiến chống đại dịch
Đáng chú ý, cùng thời điểm, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho biết Nga dự kiến triển khai một chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đại trà vào năm 2021. Hãng thông tấn TASS dẫn phát biểu của bà Golikova thông báo đội ngũ nhân viên y tế, các giáo viên và những cá nhân có nguy cơ mắc bệnh cao sẽ được ưu tiên tiếp cận với các loại vaccine ngừa Covid-19.
“Kể từ khi đăng ký, hơn 117.000 liều vaccine Sputnik-V đã sẵn sàng phục vụ người dân Nga” - bà Golikova cho biết và thêm rằng các nhà sản xuất Nga đã hoàn chỉnh lên kế hoạch điều chế hơn 2 triệu liều vaccine Sputnik-V vào thời điểm cuối năm nay.
Trong cuộc đua tìm kiếm vaccine và thuốc đặc trị Covid-19, tại thời điểm này Mỹ và Nga đạt được nhiều thành công hơn cả. Nếu như Nga là quốc gia đầu tiên công bố đã tiến hành các vòng thử nghiệm “rất chắc chắn” vaccine Sputnik-V thì Mỹ lại là nước cho biết sẽ phân phối vaccine ngừa Covid-19 sớm hơn bất cứ quốc gia nào. Trong khi đó, Mỹ đang dẫn đầu thế giới về người mắc SARS-CoV-2, còn Nga đứng thứ 5.
Việc có được những kết quả khả quan trong điều chế vaccine ngừa Covid-19 dược cho là thành tựu vượt bậc đối với ngành vi trùng học thế giới. Thay vì phải mất từ 6 năm đến 10 năm để “hoàn chỉnh” một loại vacine thì nay chỉ còn trong vòng 10 tháng. Điều đó đã đem lại hy vọng cho những người dễ bị tổn thương nhất bởi Covid-19.
Phát biểu trên tạp chí y học The Lancet về những cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối của giới chuyên gia vi trùng học, cho thấy vaccine của Hãng AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford bào chế đã tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở người cao tuổi (trên 70), đây là đối tượng dễ tử vong nhất khi mắc Covid-19.
Còn theo người đứng đầu Viện Về các bệnh truyền nhiễm Robert Koch (RKI) của Đức, ông Lothar Wieler, thì tin tức gần đây về các cuộc thử nghiệm vaccine rất đáng khích lệ. Ông Wieler nhấn mạnh, các vaccine với độ hiệu quả hơn 90% sẽ “là vũ khí lợi hại” trong cuộc chiến chống đại dịch.
Cuộc chiến ngầm giành quyền sở hữu vaccine Covid-19
Trước những tín hiệu sáng về triển vọng có vaccine phòng ngừa đại dịch Covid-19, tờ L’Express (Pháp) coi đây là liều thuốc của hy vọng đang được cả thế giới mong đợi. Tờ báo đặt câu hỏi: “Có ai đặt mua sản phẩm khi còn chưa được sản xuất và không ai dám chắc bao giờ có hàng? Câu trả lời là có, cho dù loại vaccine đó hiện vẫn còn ở trong giai đoạn nghiên cứu, vì chúng ta đã đã quá cần đến chúng rồi”.
L’Express cũng cho biết đã có nhiều quốc gia ký đơn đặt hàng trước với các nhà công nghiệp dược phẩm. Mục đích là để đón đầu khi các nghiên cứu vaccine cho ra sản phẩm có hiệu quả để sử dụng rộng rãi.
Tờ báo đưa ra những con số chóng mặt về số tiền đặt trước: Mỹ đã chi cho các phòng thí nghiệm tới 3,5 tỷ euro. Công ty Novavax được nhận 1,4 tỷ euro với cam kết vaccine phải được cung cấp cho thị trường Mỹ. Trong khi đó, tại châu Âu, Pháp, Đức, Italy và Hà Lan đã đặt trước với Công ty Astra Zeneca để có 300 triệu liều. Công ty này cũng đã nhận của Mỹ 1 tỷ euro với cam kết cung cấp 300 triệu liều.
“Những thỏa thuận giao kèo như vậy sẽ còn tiếp tục xuất hiện vì đó như là cách duy nhất để ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch, trong khi thuốc diều trị đặc hiệu có thể vài ba năm nữa mới có”- vẫn theo L’Express.
Tuy nhiên, nhiều nhà xã hội học đã lên tiếng cảnh báo: Liệu vaccine Covid-19 được điều chế ở một quốc gia này có bị quốc gia giàu có khác “mua đứt” hay không? Và như thế, người dân nước sở tại có được hưởng thành tựu nghiên cứu hay không. Lo ngại đó là có cơ sở khi mà không ít hãng điều chế dược đã nhận tài trợ, hay là ký kết giao kèo với những quốc gia giàu. Nói tóm lại, đây là cuộc chiến ngầm trong lĩnh vực thương mại, nó vượt trên những quy chuẩn y học thông thường.
Một dẫn chứng cụ thể, công ty bào chế dược phẩm lớn nhất của Mỹ là Merck-MSD ngay từ tháng 8 đã đặt mua bản quyền nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 do Viện Pasteur của Pháp nghiên cứu. “Bằng năng lực tài chính dồi dào, Merck sẽ áp dụng thành quả nghiên cứu vào thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng và sản xuất hàng triệu triệu liều. Nếu điều đó xảy ra thì vaccine trong tương lai, thành quả nghiên cứu ban đầu của người Pháp sẽ thuộc về người Mỹ nắm quyền sản xuất, thương mại và cả lời lãi” -L’Express viết và cũng chỉ hy vọng chính quyền can thiệp để “một phần sản phẩm ra đời phải được dành cho người Pháp”.
Mới đây, tạp chí Der Spiegel (Tấm gương) của Đức đăng bài viết về bài toán phân phối và tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, trong đó khẳng định rằng hơn lúc nào hết, thế giới đang chứng kiến một cuộc đua trong việc tìm kiếm và sản xuất vaccine. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có 48 loại vaccine tiềm năng đang được thử nghiệm lâm sàng. Trong số này, nhiều loại đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Tuy nhiên một khó khăn lớn chính là việc bảo quản (giữ lạnh) trong khâu vận chuyển, vì nó phải bảo đảm ở nhiệt độ âm 70 độ C, điều mà ngay cả các bệnh viện tiên tiến nhất cũng khó đáp ứng. Người ta cũng cho rằng, nếu để vận chuyển nhanh vaccine tới các châu lục thì trong vòng 1 tuần phải tổ chức được 15.000 chuyến bay (tính toán của Công ty dịch vụ Logistics DHL), chưa kể tới hệ thống trạm tiêm chủng và nhân viên y tế phải có đủ trình độ chuyên môn để tiêm vaccine.