Biết tin Giáo sư (GS) Nguyễn Lân Dũng bước đầu chiến thắng căn bệnh ung thư, tôi gọi điện chúc mừng và xin ông một cuộc trò chuyện. Ông bắt máy nhanh, rồi nhắn ngay địa chỉ để tôi đến. Thì ra, GS Nguyễn Lân Dũng không còn ở trong ngôi nhà quen thuộc trên phố Trần Thánh Tông nữa mà đã chuyển qua sống ở tầng 16 một chung cư hiện đại trên phố Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tôi đã gặp ông nhiều lần, đã ngồi trò chuyện với ông ngay ở phòng tầng 1 của nhà mặt phố Trần Thánh Tông với hàng ngàn cuốn sách bao quanh, nơi đó ông vừa làm việc vừa tiếp khách. GS Nguyễn Lân Dũng luôn cho người đối diện cảm giác ông là người cực kỳ bận rộn. Mà ông bận thật. Nếu không đi họp, thì ông đi nói chuyện ở đâu đó, trên truyền hình, hay cho sinh viên, học sinh các trường về Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Nếu không đi nói chuyện thì ông ở nhà viết sách... Bây giờ cũng vậy, trở về sau những tháng nằm viện truyền hóa chất, GS lại bắt tay vào biên soạn cuốn từ điển mới. Ông đang sống những tháng ngày hạnh phúc, để tiếp tục hành trình chia sẻ tri thức…
PV:Thưa GS Nguyễn Lân Dũng, cảm nhận của tôi khi đến căn hộ chung cư này là chỗ ông ngồi làm việc không khác nhiều lắm với không gian đã quen thuộc hồi ông còn ở nhà mặt phố Trần Thánh Tông. GS chuyển về nhà mới lâu chưa ạ?
GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi chuyển về đây hơn 1 năm rồi. Mới mang được vài trăm cuốn sách về đây thôi, vì ở chung cư diện tích có hạn. Tiếc nhất còn hàng ngàn cuốn sách vẫn ở lại nhà cũ. Có lẽ phải tính tới tặng sách cho thư viện hay Trung tâm Di sản các nhà khoa học…
Một ngày bây giờ của GS như thế nào? Nó có khác nhiều không so với hồi trước khi ông phát hiện mình bị ung thư?
- Thời gian vừa rồi, dịch bệnh Covid-19 khiến phải hạn chế đi lại, họp hành, nhưng khi cần tôi vẫn họp online với Hội các ngành sinh học Việt Nam. Còn đối với những cuộc họp quan trọng không thể dừng được ở Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ hay Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực thì tôi vẫn tham gia và đảm bảo thực hiện 5K đầy đủ. Còn lại, phần lớn thời gian tôi ở nhà, đọc sách báo, biên soạn sách.
Việc lớn nhất tôi đang cố gắng thực hiện, là hoàn thành cuốn Từ điển Công nghệ sinh học Anh - Việt. Đây là việc rất khó, nhưng tôi đã làm được một nửa, hơn 1.000 trang rồi.
Khi biết mình bị ung thư hạch bách huyết, điều đầu tiên ông nghĩ đến là gì?
- Một lần khám bệnh định kỳ ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội do con trai tôi là PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu làm Giám đốc, khi con thông báo: “Bệnh bố nặng, nguy hiểm đấy”, tôi giật mình. Tôi sống lành mạnh, không rượu bia, không hút thuốc lá. Tôi cũng rất hiếm khi sử dụng đồ hộp, đồ uống có đường. Vợ tôi (PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó Giám đốc BVTƯ Quân đội 108 - PV) gần đây cũng phải điều trị ung thư… Vậy tại sao mình và vợ đều bị ung thư?
Tôi nghĩ mãi và thấy có mỗi nhược điểm là suốt mấy chục năm qua vợ chồng tôi ăn rau và các loại hoa quả “mùa nào thức ấy” mua ngoài chợ. Mà mua ngoài chợ thì khó lòng biết loại rau nào, hoa quả nào không có thuốc trừ sâu. Nông nghiệp Việt Nam đã sử dụng và lạm dụng thuốc trừ sâu quá nhiều. Người nông dân thường trồng 2 ruộng rau, một ruộng để ăn còn một ruộng để bán. Ruộng để ăn không phun thuốc gì, rau mọc chậm, mẫu mã xấu. Ruộng để bán thì xanh mơn mởn, vì có thuốc trừ sâu. mùa nào cũng được mùa. Số liệu báo cáo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trước Quốc hội ngày 6/1/2019 cho biết, năm 2017, Việt Nam nhập khẩu đến 126.000 tấn thuốc trừ sâu. Năm 2018 số lượng có bớt đi nhưng cũng còn tới 83.000 tấn và 10 tháng đầu năm 2019 còn 76.000 tấn… Cho nên, tôi suy ra một điều, phải chống thuốc trừ sâu hóa học.
Chống bằng cách nào được, thưa GS?
- Tôi đang cố gắng để cùng với con gái, con rể và các đồng nghiệp nghiên cứu sản xuất ra loại thuốc trừ sâu vi sinh vật - loại sản phẩm tuyệt đối an toàn cho người và gia súc. Chúng tôi đã sưu tầm được các chủng vi sinh vật diệt sâu và đang cố gắng nghiên cứu phương thức sản xuất, nhưng thú thật là tốc độ tiến hành còn quá chậm.
Thoát khỏi cửa tử, tôi băn khoăn một điều, tôi và vợ tôi đều ở diện được miễn tiền hóa trị. Nhưng nếu nông dân thì sao? Tôi giật mình khi thấy tiền hóa trị không phải tiền triệu, cũng không phải trăm triệu, mà là tiền tỉ. Với người thu nhập bình thường, lao động phổ thông như nông dân, công nhân, lao động tự do, những người không có bảo hiểm y tế đủ tầm thì không hiểu sẽ lấy đâu ra đủ tiền để điều trị nếu không may mắc ung thư?
Tôi cứ suy nghĩ mãi về điều này. Có lẽ giải pháp duy nhất là làm sao để các thanh niên nông thôn tham gia bảo hiểm y tế đầy đủ. Ngoài ra, mỗi người tự giúp mình hiểu biết hơn về các biện pháp phòng tránh ung thư, để có cuộc sống lành mạnh dài lâu.
Thưa GS Nguyễn Lân Dũng, người xưa vẫn thường nói, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Tôi cũng đã may mắn có lần được trò chuyện với nhà giáo nhân dân (NGND) Nguyễn Lân, và bây giờ lại được trò chuyện cùng ông. Tôi nhận ra nhiều điều về tính “di truyền”. Một trong những điều đó là năng lực làm việc, và năng lực tự học, khả năng làm việc suốt đời. Ông có thể chia sẻ gì về điều này?
- Tôi cố gắng học bố tôi ở tinh thần làm việc suốt đời. Bố tôi năm 90 tuổi vẫn một mình biên soạn cuốn Từ điển Từ và ngữ Việt Nam dày 2.112 trang. Năm 95 tuổi mới hoàn thành, 98 tuổi thì cụ mất. Đây là cuốn từ điển thứ 9 cụ tham gia biên soạn. Năm nay tôi mới 84 tuổi, và tự nhủ phải học cha mình, kiên nhẫn làm xong cuốn Từ điển dày khoảng 2.000 trang này.
Phẩm cách nào của NGND Nguyễn Lân mà ông thấy mình có ảnh hưởng nhiều nhất?
- Ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với tôi, đó là tư cách đạo đức. Bố tôi là người rất gương mẫu. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào của các cuộc kháng chiến gian khổ, bố tôi đều tin tưởng, lạc quan và khắc phục khó khăn. Bố mẹ tôi có 8 người con. Nuôi đàn con ấy trong những năm tháng ấy đâu có đơn giản. Trong kháng chiến chống Pháp, khi đó gia đình tản cư ở Phú Thọ, mẹ tôi đã phải đón những người tản cư từ Hà Nội lên để mua những tấm áo rét. Sau đó mẹ và chị tôi gánh vào sát chân núi, bán cho đồng bào dân tộc. Bà con nghèo, không có tiền, họ đổi thóc lấy áo rét. Mẹ và chị tôi gánh thóc về, xay xát, giần sàng. Mẹ tôi bảo, tiền lãi chỉ vẻn vẹn ở chỗ cám. Bây giờ nói lại chuyện này, thật khó lòng có ai hiểu nổi. Vậy nhưng bố mẹ tôi đã đi qua những cuộc kháng chiến một cách lạc quan, và vượt qua những khó khăn vật chất để nuôi các con trưởng thành. Bố tôi cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Bây giờ, tôi đang làm được việc mà bố tôi đã làm, đó là Ủy viên Đoàn Chủ tịch của UBTƯ MTTQ Việt Nam…
Tôi học được ở bố tôi tinh thần tự học, dám nghĩ dám làm. Thực ra bố tôi chỉ học Cao đẳng Sư phạm, nhưng ông đã vượt lên, viết nhiều tác phẩm. Tôi rất vui vì mới đây có nhà xuất bản đã in lại cuốn “Những trang sử vẻ vang”. Đó là cuốn sách bố tôi viết năm 38 tuổi. Trong thời kỳ đô hộ của Pháp nhưng ông đã viết về những tấm gương anh hùng dân tộc, chống ngoại xâm như Bà Trưng, Bà Triệu, và rất nhiều tấm gương mà hầu như chưa ai biết tới… Bố tôi đã viết ở trang đầu cuốn sách, khi đó mới có 4 con: “Âu yếm mong bốn con Lân Tuất, Tề Chỉnh, Lân Dũng, Lân Cường sau này sẽ tìm thấy ở “Những trang sử vẻ vang” một nguồn sống mạnh mẽ và xứng đáng”. Tôi đọc lại câu đó cảm động lắm và tôi viết lời giới thiệu cho cuốn tái bản. Nhờ sự giáo dục và làm gương mà gần đây tổ chức Kỷ lục Việt Nam có yêu cầu chúng tôi làm bằng chứng để làm kỷ lục: Một nhà có bố và 8 con đều dạy Đại học.
Ngoài những điều có thể coi như ưu điểm nổi bật đó, thì thưa GS, liệu có một hoặc một vài nhược điểm gì từ thế hệ đi trước, cụ thể từ NGND Nguyễn Lân, mà ông thấy mình cần rút ra như một bài học?
- Trước sau tôi đều nghĩ rằng, thế hệ đi trước, trong đó có cha tôi, là thế hệ có nhiều điều chúng tôi phải học tập. Còn nhược điểm duy nhất mà tôi thấy, là các cụ sống trong thời đại… không có internet. Cho nên bố tôi làm từ điển vất vả lắm. Tôi đỡ hơn nhiều. Vì chữ nào tôi không hiểu thì tôi tìm trên mạng, miễn là mình biết ngoại ngữ. Bố tôi cũng biết nhiều ngoại ngữ, nhưng không thể tra cứu trên internet. Nếu hồi đó có, chắc bố tôi phát huy được hơn nhiều.
Đó là nhược điểm của thời đại. Còn tinh thần, thì chúng tôi phải học rất nhiều ở các thế hệ đi trước.
GS nghĩ như thế nào về câu chuyện “học thật, thi thật, nhân tài thật” được nêu ra gần đây?
- Giáo dục không phải chỉ là kiến thức, mà giáo dục là đào tạo những người sống tử tế, sống có khát vọng. Chúng tôi đâu phải học nhiều kiến thức như bây giờ. Cho nên, tôi vẫn nghĩ, dạy học sinh không phải là dạy kiến thức là đủ, mà quan trọng là cần gieo vào lòng các em sự ham học, ham tìm hiểu, khả năng học tập suốt đời. Việc nhồi nhét nhiều quá, không hay đâu. Hiện nay, chương trình, dù đã qua nhiều lần cải cách, thay đổi, nhưng theo tôi vẫn còn quá nặng. Kiến thức bây giờ lạc hậu rất nhanh, cho nên học cái gì để đủ sức tiếp thu thêm, và chủ yếu là tinh thần muốn tiếp thu thêm… Tôi vẫn mong giáo dục của ta phải tiếp tục đổi mới, theo tinh thần: Dạy các cháu thành những người sống tử tế, ham học và có khả năng học tập suốt đời.
Ông có hai con, trong đó có bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, người thành công trong sự nghiệp, đang để lại những dấu ấn trong nghề y. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng là gương mặt nghị trường nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây. Ít nhiều, điều này cũng gợi lại một hình ảnh “ông nghị” Nguyễn Lân Dũng khi làm Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII. Thưa GS, ông nói gì về con trai mình?
- Tôi có hai con, con thứ hai là Nguyễn Kim Nữ Thảo, hiện là giảng viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, nghiên cứu cùng chuyên ngành với tôi.
Còn Nguyễn Lân Hiếu là anh cả. Ít ai biết cháu Hiếu sinh ra trong hoàn cảnh nào. Khi vợ tôi có mang cháu Hiếu mới 1 tháng, cô ấy đã giấu tổ chức để được tham gia chiến dịch Quảng Trị, đến gần cuối thai kỳ mới trở ra Hà Nội sinh cháu. Như vậy, có thể nói, Nguyễn Lân Hiếu đã được rèn luyện nơi chiến trường từ trong bụng mẹ. Cháu may mắn học trường Thực nghiệm của bạn tôi là GS Hồ Ngọc Đại. Nhiều người nói khác nhau về trường này. Bây giờ tôi vẫn thi thoảng gặp gỡ các bạn bè cùng học với Hiếu ở trường Thực nghiệm, trong đó có GS Ngô Bảo Châu và nhiều bạn rất thành đạt. Để đánh giá giáo dục, phải đánh giá thông qua học sinh và thầy cô giáo. Không phải chỉ căn cứ bao nhiều người trở thành GS, PGS, TS, vì có người chỉ là doanh nhân, kỹ sư, giáo viên, nhưng đều rất thành đạt. Điều quan trọng, họ đều là những con người tử tế, yêu thầy, yêu cô, quý trọng nhau và hết lòng với cuộc sống.
Vì thế, tôi cứ băn khoăn mãi về chuyện giải thể một chương trình và sách giáo khoa đã được triển khai nhiều năm tại 48 tỉnh thành, với hơn 900.000 học sinh, để chúng ta lại đưa vào giảng dạy những chương trình và sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Tôi mong muốn sẽ gặp tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, để xin hỏi vì lý do gì chúng ta dùng những chương trình, sách giáo khoa chưa hề qua thực nghiệm bao giờ?
Cá nhân ông đánh giá như thế nào về tính cách nghị trường của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu?
- Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, theo tôi, phát biểu chưa nhiều, nhưng đã được hoan nghênh bởi vì đã nắm được vấn đề, nói được những vấn đề thiết thực. Bởi bản thân Hiếu không những là cán bộ y tế, mà còn là một giảng viên Đại học Y khoa, cho nên nhìn thấy những vấn đề cấp thiết, sát sườn với người dân cũng như nhìn ra những điều chưa hoàn chỉnh của cơ chế. Người ta cũng nhận ra những ý kiến đóng góp, phản biện của Nguyễn Lân Hiếu xuất phát từ tấm lòng. Nhưng tấm lòng chưa đủ, còn phải có trí tuệ, để những ý kiến sắc sảo.
Hậu sinh khả úy. Con hơn cha là nhà có phúc. Tôi và vợ tôi đều bị ung thư, và đều điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nơi Lân Hiếu làm giám đốc. Và đều khỏi. Phải nói, cháu đã tổ chức được một bệnh viện rất đoàn kết, hết lòng vì người bệnh. Gần đây cháu mới xuất bản cuốn “Câu chuyện từ trái tim” được bạn đọc hoan nghênh. Nhiều bài trong sách đã được đăng trong mục Góc nhìn của một tờ báo điện tử. Tôi cũng hay viết cho mục này nhưng số bài thua xa số bài của cháu. Học theo cháu, tôi cũng mới gửi nhà xuất bản cuốn ký sự “Sống giữa cuộc đời này”.
Có điều gì khiến GS lo nhất cho con trai lúc này?
- Tôi lo nhất là vấn đề sức khỏe. Vì tôi thấy Lân Hiếu quá bận. Ít ai thường xuyên phải đi làm từ lúc 5h sáng. Cũng ít ai, vừa đi họp Quốc hội vừa tranh thủ trưa chạy về Bệnh viện giải quyết công việc… Nhưng điều tôi vui, là cháu đang làm được nhiều việc cùng một lúc. Lân Hiếu vừa có một đóng góp lớn, được đánh giá cao, đó là góp phần hiện thực hóa giải pháp khám bệnh từ xa (TeleHealth). Người bệnh ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa có thể vẫn được các bác sĩ giỏi ở Thủ đô tư vấn điều trị.
Hiện nay, chương trình, dù đã qua nhiều lần cải cách, thay đổi, nhưng theo tôi vẫn còn quá nặng. Kiến thức bây giờ lạc hậu rất nhanh, cho nên học cái gì để đủ sức tiếp thu thêm, và chủ yếu là tinh thần muốn tiếp thu thêm… Tôi vẫn mong giáo dục của ta phải tiếp tục đổi mới, theo tinh thần: Dạy các cháu thành những người sống tử tế, ham học và có khả năng học tập suốt đời - GS Nguyễn Lân Dũng
Thưa GS Nguyễn Lân Dũng, một trong những câu chuyện mà dư luận rất quan tâm hiện nay là khi nào đại dịch Covid-19 kết thúc, khi nào cuộc sống trở lại bình thường. Từ góc độ của một người nghiên cứu vi sinh vật học, ông có thể nói gì về điều này?
- Tôi nghĩ rằng với sự phát triển của vaccine, nhất là khi làm chủ được việc sản xuất vaccine, đại dịch Covid-19 sẽ sớm kết thúc. Tôi tin là đại dịch sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Tôi nghe đâu đây có ý kiến từ bên ngoài cho rằng, Việt Nam buộc người dân phải góp tiền mua vaccine. Tôi thấy hoàn toàn không đúng. Tôi chưa thấy ai ép ai cả. Tất cả đều hoàn toàn tự nguyện.
Câu chuyện vaccine hiện cũng được người dân đặc biệt quan tâm. Đa số người chờ để được được tiêm, nhưng một số người bày tỏ băn khoăn về hiệu quả của các loại vaccine. Một số người thì băn khoăn, chưa tin vào chất lượng một loại vaccine đã được phép lưu hành, và thẳng thắn tuyên bố sẽ không tiêm vaccine đó?
- Đúng là có một số người đã bày tỏ băn khoăn, e ngại về vaccine của Trung Quốc. Nhưng về cơ sở khoa học để nghi ngờ, băn khoăn thì tôi thấy không có. Chúng ta cần bình tĩnh và phát biểu hết sức thận trọng...
Còn vaccine do Việt Nam sản xuất thì sao, thưa ông?
- Tôi vừa nhận được tin từ anh Hồ Nhân, một người Việt trước đây sống ở nước ngoài, một người bạn của tôi. Khi tôi đón anh từ nước ngoài về, tôi cảm động vô cùng, vì anh mang về một số tiền ngoại tệ khá lớn cùng với trí tuệ của một nhà khoa học giỏi, và anh thành lập Viện Nghiên cứu Nanogen. Khi đại dịch ập đến, anh Hồ Nhân tập trung nghiên cứu vaccine chống Covid-19. Tôi mới nhận được tin, dự án vaccine này của anh đã qua lần thử nghiệm lâm sàng thứ 3, nghĩa là có thể sắp đưa vào sản xuất và tiêm chủng rộng khắp. Anh cho biết vaccine Nanocovax hiện sản xuất với công suất 8-12 triệu liều/tháng và giá chỉ có 120 nghìn đồng/liều. Hiện anh cũng đã xây dựng những kho lạnh rất lớn, để chứa được 10 triệu liều vaccine cùng với đội ngũ xe lạnh giữ nhiệt độ 2-8 độ C. Tôi rất cảm động về một Việt kiều, không những đem tiền mà còn là mang trí tuệ về nước, kiên nhẫn xây dựng và phát triển lĩnh vực sinh học phân tử. Đúng lúc nhiệm vụ vaccine đề ra, thì người làm sinh học phân tử phải phát huy được hết tác dụng của mình. Có thể nói đó là niềm vinh dự của chúng ta khi có những kiều bào đúng như nhận định là “máu thịt của đất nước”. Điều đó cho chúng ta tự hào, Việt Nam là một trong những nước có thể chủ động sản xuất được vaccine chống Covid-19.
Chỉ có tự lực, chúng ta mới sẵn sàng có đủ liều lượng vaccine để thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất cho hơn 70% dân số, vì vaccine chống Covid-19 vừa đắt vừa khó mua.
Một số ý kiến khác lại cho rằng, trước một đại dịch rất lớn, mà phản ứng của các nhà khoa học Việt Nam có vẻ còn chậm, và rất ít sáng kiến có thể ứng dụng vào cuộc chiến chống Covid-19?
- Tôi thì lại thấy chúng ta có phản ứng rất nhanh để đưa ra các phương pháp thử cho các đối tượng, xem họ có nhiễm virus SARS-CoV hay không. Các test thử đã được các nhà khoa học Việt Nam tạo ra, mang lại hiệu quả tốt. Thứ hai là rất nhiều sáng kiến. Ngay cả 5K là sáng kiến được thế giới ca ngợi. Bên cạnh đó, chúng ta có 4 nhóm sản xuất vaccine. Chúng ta cần phải tự hào về điều đó. Nếu Nanocovax sắp tới đáp ứng đầy đủ các thử nghiệm lâm sàng và được Bộ Y tế đồng ý cho lưu hành, chúng ta có thể yên tâm với hàng trăm triệu liều vaccine sẽ được cung ứng… Và như thế, chúng ta có thể yên tâm hoàn toàn là với 5K và vaccine chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch đúng như tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.
Trân trọng cảm ơn GS!
GS, NGND Nguyễn Lân Dũng là một trong những nhà nghiên cứu sinh học hàng đầu Việt Nam.
Ông là ủy viên Ðoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; Phó Chủ tịch thường trực Hội các ngành Sinh học Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài; Chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, ÐHQG Hà Nội.