TPHCM đang từng bước hiện thực hóa chủ trương “xanh hóa phương tiện giao thông”. Bên cạnh việc thực hiện các chủ trương trên, thành phố sẽ phát triển mạng lưới trạm sạc đa dạng, rộng khắp để xe điện thực sự tiện lợi, bền vững đáng ứng nhu cầu của người dân.
Nở rộ các trạm sạc vùng ngoại ô
Số lượng xe điện ở TPHCM đã tăng đáng kể trong khoảng 3 năm qua. Từ số lượng xe bus, taxi, xe công nghệ cho tới xe cá nhân (ô tô, xe máy và xe đạp điện). Song song đó, số lượng các trạm sạc xe điện cũng phát triển khá mạnh mẽ, đặc biệt là tại khu vực ngoại ô. Tại nhiều tuyến đường ở các phường Bình Hưng Hòa, Trung Mỹ Tây, Tây Thạnh hay các xã Tân Vĩnh lộc, Xuân Thới Sơn, Hóc Môn... đều có hàng trục các trạm sạc xe điện, hầu hết dành cho xe ô tô.
Anh Nguyễn Văn Đức, 45 tuổi ngụ ở xã Hóc Môn (TPHCM) cho biết, anh chạy taxi điện dịch vụ được khoảng 3 năm nay. “Trước đây tôi chạy taxi cho hãng nhưng chỉ ăn lương cứng. Sau khi xe điện ra đời, công ty bán xe trả góp cho mình. Tôi vừa chạy vừa là chủ xe luôn. Lúc đầu cũng khó khăn vì ít trạm sạc. Ngày nào tôi cũng lên tới đường Cộng Hòa để chờ sạc khá vất vả. Tuy nhiên chừng hơn năm nay, ở mấy xã ngoại thành có rất nhiều trạm sạc nên tiện lợi lắm. Xe này ngày sạc một lần là đủ chạy rồi. Thường tôi tranh thủ ăn cơm trưa, chợp mắt một chút thì sạc luôn. Ở đây hay chạy sang bên Vĩnh Lộc, Củ Chi… cũng đều có trạm sạc cả, rất thoải mái” - anh Đức kể. Theo tài xế này, các trạm sạc ở vùng ngoại ô được thiết kế khá rộng rãi, như các bãi đỗ xe luôn. Một số trạm sạc có thêm dịch vụ rửa xe, bán đồ uống, võng nằm nghỉ ngơi nên khá thoải mái. Thậm chí nếu trời mưa thì sạc điện cũng không gián đoạn do chủ có dù che.
Đây là mô hình trạm sạc nhượng quyền dành cho các xe điện xanh SM. Theo đó, chủ trạm sạc có mặt bằng sẽ mua những trụ sạc và mở các dịch vụ tiện ích khác để thu hút tài xế đem xe tới sạc để kinh doanh. Các thông tin về trạm sạc được hiển thị trên app của tài xế nên các trạm sạc này có thể nằm ở các tuyến đường nhỏ (đủ xe ô tô di chuyển) mà không nhất thiết phải nằm ở trục đường lớn, có giá trị mặt bằng cao. Vì thế, các trạm sạc này khá tiết kiệm chi phí, giúp phát triển mạnh thời gian qua.
Trước đó, lo ngại về hệ thống trạm sạc là vấn đề đầu tiên mà nhiều người cân nhắc khi chọn xe điện và xe xăng, dầu. Tuy nhiên, khi số lượng các trạm sạc nở rộ khoảng vài năm qua, đã xóa đi nỗi lo này.
Mấu chốt ở trạm sạc
Mặc dù vậy, số lượng trạm sạc hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của phương tiện (xe bus, ô tô), nhất là khi số lượng xe điện đang tăng mạnh. Theo đó, do đặc thù của việc sạc điện khá mất thời gian so với xăng, dầu nên các trạm sạc thường phải là nơi dừng đậu của phương tiện. Ngoài những trạm sạc kinh doanh theo mô hình nhượng quyền, tại một số tuyến đường ở TPHCM cũng đã xuất hiện các trụ sạc điện nhanh dành cho phương tiện ô tô. Các trụ sạc này thường được lắp đặt ở khu vực trung tâm như phường Sài Gòn, Bến Thành, Xuân Hòa… với các tuyến đường có mặt bằng đủ lớn, giúp các phương tiện dừng đậu, đồng thời có thể tiếp nhiên liệu nếu cần thiết.
Đặc biệt, vừa qua Sở Xây dựng TPHCM đã có kế hoạch triển khai xây dựng 19 trạm sạc lớn (gồm cả bến bãi đậu) cho phương tiện ô tô với tổng nguồn vốn khoảng 400 tỉ đồng. Các trạm sạc này dự kiến đặt ở các khu vực như Văn Thánh, Chợ Lớn, Tân Phú, Hóc Môn, Củ Chi… để giúp các phương tiện có thêm lựa chọn và chủ phương tiện yên tâm hơn khi chuyển sang xe điện. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, phương tiện xe điện đều có nhiều ưu thế hơn so với xe xăng cùng phân khúc. Tuy nhiên, mấu chốt để chủ phương tiện lựa chọn chính là nơi sạc. Nếu có một mạng lưới trạm sạc đủ lớn, đủ nhiều và thuận lợi, việc sử dụng xe điện gần như là ưu tiên hàng đầu.
Nói về vấn đề này, TS Lê Xuân Hồng - Chuyên gia ngành Kỹ thuật điện tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM cho rằng, việc chuyển đổi xe bus sang điện không phải là thách thức lớn, do thành phố đã có kinh nghiệm hỗ trợ loại hình này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, hạ tầng trạm sạc là yếu tố then chốt, mấu chốt quyết định thành bại của lộ trình. Bên cạnh xe bus, các phương tiện khác cũng có đặc thù tương tự. Vì vậy, nếu hạ tầng trạm chưa sẵn sàng thì khó đẩy nhanh quá trình chuyển sang xe điện và ngược lại, khi có hệ thống trạm sạc đủ lớn thì việc chuyển đổi thực tế không gây xáo trộn nhiều trong đời sống người dân.
Trạm sạc là nền tảng chuyển đổi giao thông xanh
Theo TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TPHCM, xe điện là xu hướng tất yếu tại các đô thị lớn và việc TPHCM thúc đẩy chuyển đổi là hợp lý. Ngoài xe bus, xe ôm công nghệ, ông Thuận đề xuất thành phố nên mở rộng chuyển đổi thêm với nhóm xe công vụ, đồng thời đầu tư hạ tầng trạm sạc tương xứng.
Cũng theo TS Thuận, số lượng 19 trạm sạc mà TPHCM chuẩn bị thực hiện chỉ là bước khởi đầu và cần được nhân rộng nhiều lần trong tương lai. Hạ tầng cũng cần đảm bảo đồng bộ về kỹ thuật, có khả năng dùng chung và dễ mở rộng lâu dài, bên cạnh các chính sách ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp cùng tham gia và giảm áp lực ngân sách. Theo đó, trong bối cảnh xe điện ngày càng phổ biến, việc phát triển hạ tầng trạm sạc không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà còn là nền tảng then chốt để thành phố đạt được mục tiêu giao thông xanh, bền vững.