Dư luận cho rằng, đề xuất buộc người đi xe máy dưới 50cc phải có bằng lái A0 của Bộ GTVT chỉ là cách đưa ra quy định để thu tiền hợp pháp của người dân. Thực tế, việc cấp bằng lái xe hiện còn rất nhiều vấn đề, xảy ra không ít tiêu cực tại các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe.
Vậy thì việc học và thi bằng lái A0 có đảm bảo được yêu cầu tăng cường nhận thức của người tham gia giao thông?
Chẳng cần biết luật cũng có bằng
Theo quy định, người có nhu cầu được cấp bằng lái xe, dù là loại gì, từ A1 đến F đều phải qua các bước bắt buộc là học lý thuyết (bao gồm Luật Giao thông đường bộ, nguyên lý hoạt động của động cơ, cách sửa chữa cơ bản...), thi sát hạch trong sân và lái xe thực tế trên đường.
Quy trình này đảm bảo các trường hợp được cấp bằng lái xe đều có am hiểu về các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, biết đọc biển báo trên đường để đảm bảo ATGT, biết nguyên lý động cơ để đảm bảo không xảy ra sự cố trên đường và biết cách sửa chữa những hỏng hóc cơ bản. Việc sát hạch trong sân và đi đường trường để đảm bảo người được cấp bằng có khả năng phản ứng, xử lý những tình huống phát sinh, đảm bảo an toàn cho bản thân và các phương tiện khác lưu thông trên đường.
Song, lâu nay việc lấy bằng lái xe quá dễ nên mục đích đảm bảo ATGT đặt ra đã không đạt được. Hằng năm, số vụ TNGT, số người chết và bị thương cứ trồi sụt lên xuống, chứ không thể kéo giảm sâu các tiêu chí như lời hứa của các cơ quan chức năng và kỳ vọng của người dân. Có nhiều người sau khi lấy bằng lái ra đường còn không phân biệt nổi một chiếc biển báo. Có người cầm bằng lái xe mà thậm chí còn không biết cách lùi xe, không biết ghép xe dù là hàng ngang hay hàng dọc…
Thực tế đã chứng minh công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng lái nói chung và mô tô, xe máy nói riêng đang tồn tại nhiều lỗ hổng. Cả học và thi đều rất dễ dãi, chỉ cần đi vài vòng số 8, số 3 là có bằng. Tìm hiểu một số trung tâm đào tạo, như Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ số 1 Nghệ An (Nghệ An), Trung tâm Học lái xe Đ.T (quận Phú Nhuận, TP HCM), Trường Cao đẳng nghề số 5 (Bộ Quốc phòng) trên đường Đỗ Bá (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), Trung tâm Đào tạo lái xe Hà Nội... nếu muốn có bằng, chỉ cần trong giờ hành chính các ngày làm việc đến Trung tâm mua hồ sơ, cầm theo 4 ảnh 3x4 và CMND photo không cần công chứng là có bằng chỉ trong vài nốt nhạc.
Anh Nguyễn Văn Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội vừa lấy bằng lái A1 cho biết, thi bằng lái A1 rất dễ dàng, nhanh gọn. “Chỉ cần chụp hình thẻ và xuất trình thẻ căn cước công dân, giấy khám sức khỏe, mua tài liệu về ôn thi là xong, chẳng cần phải học Luật Giao thông đường bộ, nguyên lý động cơ... Trước ngày thi chỉ cần đi vài vòng số 8, số 3 là vào thi luôn, đợi khoảng 1 tuần là được cấp bằng...” – anh Sơn chia sẻ. Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Phùng Văn Huệ - Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe an toàn Honda cho biết, hầu như các trung tâm không đào tạo về lái xe môtô mà đang “phổ cập bằng lái mô tô, xe máy”, chạy theo số lượng để thu tiền, không phải đào tạo lái xe an toàn.
Bằng lái A0 có thực chất hơn?
Thực tế cũng cho thấy, công tác đào tạo, sát hạch bằng lái mô tô, xe máy thời gian qua đang quá lỏng lẻo, trong khi loại phương tiện này liên quan tới 70% số vụ TNGT. Về vấn đề này, Thiếu tướng, PGS.TS Trần Minh Chất đánh giá: Hiện nay tất cả hệ thống cấp bằng, thi sát hạch đang quá tải và rất lộn xộn. Hiện trạng bằng giả, không học cũng cấp bằng không hề hiếm trong thực tiễn hiện nay ở Việt Nam. Ông Chất cũng đặt vấn đề liệu “thêm” bằng lái A0 thì các trung tâm đào tào, sát hạch hiện nay vốn đã quá tải và lộn xộn như vậy, liệu có thể đảm nhiệm được chất lượng như kỳ vọng hay không?
Thêm bằng lái A0, chắc chắn các trung tâm sát hạch lái xe sẽ tiếp tục mọc lên như nấm sau mưa rào, bởi lượng người có nhu cầu tăng lên đột biến. Từ đó sẽ có câu chuyện, người học chỉ cần đến các trung tâm nộp phí là sẽ được cấp bằng ngay lập tức. Đơn cử, trong đợt tổng kiểm soát xe cơ giới toàn quốc vừa qua, gói thi “chống trượt” bằng lái xe được rao khắp mọi nơi, tràn lan trên mạng.
Hệ thống cộng tác viên “chân rết” của các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe bủa vây khắp các trường đại học mời chào sinh viên tham gia các kỳ thi sát hạch lấy bằng lái xe. Hoạt động tiếp thị gói “chống trượt” diễn ra công khai, đi vào từng ngõ ngách, phân khúc khách hàng. “Chỉ cần có chứng minh thư photo còn lại thủ tục sẽ được phía trung tâm hỗ trợ xử lý hết. Muốn “chống trượt” lý thuyết thì đóng thêm tiền...” -Thanh Hằng, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết.
Mặt khác, hiện tình trạng sử dụng GPLX giả diễn ra khắp nơi trên cả nước. Như tại Kiên Giang, qua kiểm tra, lực lượng CSGT đã phát hiện hàng trăm trường hợp sử dụng GPLX giả. Hoặc trên mạng có rất nhiều địa chỉ bán bằng công khai, chỉ cần người mua chụp ảnh kèm thông tin cá nhân gửi qua zalo, việc mua – bán GPLX giả được hoàn thành nhanh chóng. Vậy thì lấy gì đảm bảo những tấm bằng lái A0 không được làm giả từ những đường dây như vậy? Là bằng giả thì làm sao có thể “nâng cao ý thức tham gia giao thông” như mục tiêu của Bộ GTVT khi đề xuất buộc phải có bằng lái A0 đối với những người điều khiển xe máy dưới 50cc?
Quản lý tốt, tai nạn giao thông sẽ giảm
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện cả nước có hơn 40 triệu mô tô, xe máy tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước. Theo các chuyên gia giao thông, mô tô, xe máy, gồm cả xe máy điện, là phương tiện có tỷ lệ người sử dụng bị tử vong do TNGT cao nhất, so với ô tô con (gấp 4 lần), xe buýt (10 lần), tàu điện đô thị (13 lần). TNGT tăng đột biến phần lớn lỗi thuộc về người điều khiển mô tô, xe máy. Ở các thành phố lớn, xe máy có liên quan trên 60% tổng số vụ TNGT. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng 14% người điều khiển xe máy không có bằng lái, trên 70% hổng kiến thức về Luật Giao thông đường bộ và cách ứng xử an toàn trên đường.
Từ thực tế trên cho thấy, công tác đào tạo, sát hạch lái xe vẫn tồn tại những lỗ hổng lớn. Tìm hiểu sâu về nguyên nhân những vụ TNGT xảy ra thời gian qua cho thấy, hầu hết các vụ đều ít nhiều liên quan đến chất lượng đào tạo. Điều này được thể hiện qua sự yếu kém của lái xe khi xử lý, nhận diện tình huống khi tham gia giao thông. Như vậy là Bộ GTVT đang quá chú trọng đến hình thức là những tấm bằng lái xe, trong khi lại buông lỏng quản lý chất lượng cấp bằng.