Xã hội

Gìn giữ những ‘mảnh vườn’ trong phố

MAI ANH 17/03/2024 07:21

Hà Nội đang khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy Thành phố với nhiệm vụ trọng tâm là chỉnh trang đô thị. Kế hoạch cải tạo, xây mới công viên, vườn hoa trong giai đoạn 2021 - 2025 đang được các quận, huyện tích cực triển khai. Tuy nhiên, với việc cải tạo, nâng cấp vườn hoa khu vực nội đô cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đạt hiệu quả.

bai-nho-t7.jpg
Việc cải tạo vườn hoa Vạn Xuân (hay còn gọi là vườn hoa Hàng Đậu) gần đây vấp phải phản ứng của dư luận. Ảnh: Lê Khánh.

Thời gian qua, Hà Nội đã cải tạo nâng cấp nhiều công viên, vườn hoa như: Vườn hoa Diên Hồng, vườn hoa Tao Đàn, vườn hoa Cổ Tân (quận Hoàn Kiếm), vườn hoa Pasteur (quận Hai Bà Trưng)… Tuy nhiên, một số vườn hoa sau khi cải tạo có xu hướng tăng bê tông, giảm cây xanh.

Gần đây, việc cải tạo vườn hoa Vạn Xuân tại quận Ba Đình đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều khi mật độ cây xanh ít dần đi, thay vào đó là màu xám của nền xi măng. Nhiều người cho rằng việc cải tạo lại công viên là rất tốt, tạo ra môi trường mới để người dân có không gian sinh hoạt chung, tuy nhiên sử dụng quá nhiều khối bê tông khiến cho không gian trở nên cứng nhắc.

Lắng nghe và tiếp nhận ý kiến của người dân, quận Ba Đình đã cho chỉnh sửa một số hạng mục chưa phù hợp với cảnh quan kiến trúc. Ông Võ Hồng Vinh - Chủ tịch UBND phường Quán Thánh cho biết, phường đã chỉ đạo đơn vị thi công chỉnh sửa hạng mục ghế đá, bồn hoa có góc nhọn. Một số bồn hoa chưa trồng đủ cây sẽ được bổ sung các loài cây thân mềm che phủ, giúp hài hòa các hình khối đang là điểm nhấn của vườn hoa hiện nay.

Đánh giá tổng quan, theo TS. KTS Ngô Doãn Đức, việc chỉnh trang cải tạo vườn hoa, công viên đang gặp phải một vấn đề. Đó là khi sửa chữa, việc phủ lên một khối lượng bê tông lớn, làm cho vườn hoa, công viên mất đi những mảng xanh. Bên cạnh đó, bê tông hóa làm cho khả năng thấm hút nước của đất giảm đi đáng kể. Hơn thế nữa việc này sẽ làm mất đi cảnh quan tự nhiên vốn có của vườn hoa, công viên mà đây vốn là yếu tố được nhiều người dân quan tâm.

Tại quận Hai Bà Trưng, khu vực quanh hồ Thiền Quang đang được đề xuất xây dựng 5 quảng trường. Trong đó, phần diện tích bê tông dự kiến tăng lên, khiến rất nhiều người lo ngại.

Theo các chuyên gia, việc cải tạo, chỉnh trang các vườn hoa công viên cần phải được rút kinh nghiệm, không chỉ ở riêng Hà Nội mà ở tất cả các địa phương cũng cần chú trọng điều này. Việc bê tông hóa quá nhiều sẽ gây tác động đến môi trường cảnh quan của vườn hoa, công viên, không đem lại hiệu quả cao mà còn gây ra tình trạng lãng phí trong quá trình cải tạo, xây dựng.

Hiện nay, tỷ lệ cây xanh đô thị của Hà Nội mới đạt khoảng 2 m2/người, còn cách rất xa quy chuẩn tỷ lệ cây xanh đô thị tối thiểu khoảng 6-7 m2/người ở các đô thị loại 1, đô thị loại đặc biệt. Tuy nhiên việc xây mới công viên, vườn hoa ở khu vực các quận trung tâm gặp rất nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất; cho nên thành phố chủ yếu cải tạo, nâng cấp các vườn hoa, công viên hiện có. Vì thế việc công viên chuyển đổi diện tích trồng cây xanh thành… diện tích bê tông là đi ngược xu thế chung.

Tác hại của việc bê tông hóa dẫn đến hậu quả như thế nào thì ai cũng biết. Mùa hè, những khối bê tông này sẽ hấp thụ rồi tỏa nhiệt, gây khó chịu cho người đi lại. Khi mưa lớn không còn diện tích đất để thấm hút nước mưa gây ngập lụt ở nhiều đoạn đường trong thành phố.

Để việc nâng cấp, cải tạo các vườn hoa Hà Nội đạt được kết quả, theo KTS Phạm Hoàng Phương, các đơn vị tư vấn thiết kế cần quan tâm đến các tiêu chí như: hài hòa với không gian tổng thể chung toàn khu vực; có bản sắc và tính nhận diện riêng để tạo dựng điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan; có tính thẩm mỹ và hướng đến các giá trị xanh, sinh thái; có công năng sử dụng đa dạng, tối ưu sử dụng quỹ đất nội đô; bảo đảm sự tự do tiếp cận của người dân; tính tiện nghi như bố trí đầy đủ hạ tầng thiết yếu và cuối cùng là bảo đảm an toàn cho người dân, đặc biệt với các nhóm yếu thế như người khuyết tật, người già, trẻ em.

Đối với chủ đầu tư, vị chuyên gia cũng lưu ý, việc đấu thầu, lựa chọn đơn vị thi công cần lựa chọn những đơn vị chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, bảo đảm được cả yếu tố kỹ thuật, chất lượng và tiến độ theo đúng thiết kế đề ra. Đồng thời, cần chú trọng công tác quản lý giám sát đầu tư xây dựng trên cơ sở các kế hoạch, tiến độ triển khai đồng bộ và cụ thể để hạn chế được nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục đã được chỉ ra như bị đội vốn, kém chất lượng...

Việc xây dựng, cải tạo công viên, vườn hoa không chỉ để đạt mục đích tạo ra địa điểm có ích cho cộng đồng mà cần phải chú ý đến cảnh quan, môi trường, để cân bằng lợi ích hài hòa giữa thiên nhiên và con người, đem đến không gian sống xanh giữa đô thị ngày càng phát triển như Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gìn giữ những ‘mảnh vườn’ trong phố