Làng nghề may Trạch Xá (xã Hoà Lâm, huyện Ứng Hoà, Hà Nội) từ lâu nổi tiếng với may áo dài, áo lễ hội, áo cung đình. Đây cũng là nơi hội tụ nhiều thợ may tài hoa, tạo nên những tà áo dài truyền thống vừa thanh tao vừa tôn lên nét đẹp thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam.
Nghệ nhân làng may áo dài Trạch Xá.
Cha truyền con nối
Cụ Nguyễn Văn Nhiên (80 tuổi) là người gắn bó với nghề may áo dài đã mấy chục năm trong làng. Cụ kể: Nghề may áo dài của làng có từ mấy trăm về trước. Những đứa trẻ ở làng cứ lên tầm 6, 7 tuổi là được gia đình truyền dạy khâu tay đến khi nhơn nhớn là thành thục nghề, có thể tự hoàn thành được một chiếc áo truyền thống. Không chỉ nổi tiếng với áo dài, làng Trạch Xá còn có tiếng với nghề may trang phục cung đình, lễ hội.
Giờ đây để có được những bộ trang phục xưa đúng truyền thống, những người làm nghề vẫn luôn tìm hiểu thêm về hoạ tiết, kiểu cách qua các lời kể của các cụ cao niên trong làng hoặc qua sách, báo, những mẫu trang phục còn được đưa lên trang facebook cá nhân để giới thiệu.
Nghệ nhân Đỗ Văn Thường- người theo nghề may áo dài truyền thống đã hơn 20 năm chia sẻ: anh sinh ra trong một gia đình đông anh em, 9 người con thì có 3 người theo nghề may áo dài truyền thống. Lên 6 tuổi, anh được cha rèn cho cách sử dụng kim khâu và cứ sau mỗi buổi tan học về còn phụ giúp gia đình. Năm 17 tuổi, khi cầm trên tay kết quả trúng tuyển vào Đại học Ngoại ngữ, trong lòng hạnh phúc nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, anh phải tạm gác lại công việc học hành. Những năm tháng sau đó, anh Thường cùng cha lăn lộn với nghề may ở khắp mọi nơi từ Thanh Hoá, Hải Phòng cho đến Bắc Ninh để kiếm kế sinh nhai…
Cho đến năm 1992, anh Thường quyết định ra Hà Nội lập nghiệp. Với số tiền ít ỏi trong tay chỉ đủ thuê nhà, nhưng với tay nghề sẵn có, anh được nhận vào làm tại một cửa hàng bán áo dài trên phố Cầu Gỗ. Đến năm 2005, nhận thấy kinh tế thị trường đang phát triển, nhiều người ở quê không có việc, anh Thường xin nhận hàng về quê làm. Số tiền tích cóp được sau ngần ấy năm làm nghề được anh dùng để đầu tư 4 máy may dây chuyền, tạo việc làm cho 30 lao động. Kể từ đó, nghề may áo dài đã mang lại cho gia đình anh một cuộc sống ổn định và tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sống cho nhiều người dân ở đất “may áo dài” Ứng Hòa.
Gìn giữ nét văn hóa thuần Việt
Dù trải qua thăng trầm nhưng chưa bao giờ nghề may áo dài ở Trạch Xá bị pha tạp bởi xu hướng hiện đại. Sự ra đời của những chiếc áo dài cách tân đang dần chiếm lĩnh thị trường và làm phai nhạt hình ảnh chiếc áo dài truyền thống. Anh Thường cho biết, áo dài cách tân qua mỗi năm lại đổi mới theo thị hiếu của người dùng nên khó giữ được nguyên giá trị văn hóa. Còn áo dài truyền thống chỉ có một kiểu duy nhất, phần nào đó đang ít được ưa chuộng, nhưng giá trị văn hóa lại tồn tại mãi với thời gian. Chính điều này là nguồn mạch để người dân làng Trạch Xá gắn bó với nghề truyền thống.
Hiện nay, làng Trạch Xá có 90% hộ dân sinh sống bằng nghề may áo dài. Dẫu vậy trước xu hướng cạnh tranh giữa áo dài cách tân và áo dài truyền thống, anh Thường băn khoăn nhất là nghề truyền thống của cha ông sau này ngày càng thu hẹp đất sống, bởi với nghề này, người học cần tố chất tài hoa, đôi bàn tay khéo léo và sự kiên trì. Vì thế, anh Thường đang cố gắng giữ nghiệp bằng cách truyền lại cho các con và khuyến khích lớp trẻ trong làng theo học nghề.
Cũng như anh Thường, những người thợ may làng Trạch Xá đã dùng tình yêu, sự nhiệt huyết thổi hồn vào mỗi chiếc áo để khi nhắc tới áo dài, người ta sẽ nhớ ngay tới ngôi làng Trạch Xá.
Lời khẳng định “chúng tôi chỉ bỏ nghề khi không cầm nổi kim” của ông Nhiên, niềm đam mê bất tận của anh Thường hay sự nối tiếp của lớp trẻ làng Trạch Xá hôm nay - những người vẫn còn nặng lòng với từng đường kim, mũi chỉ là cơ sở để nhiều người tin rằng nghề may áo dài nơi đây sẽ không bao giờ bị mai một.