Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Gìn giữ thương hiệu thời “hậu sáp nhập”

Hoàng Thu Phố 12/07/2025 09:33

Việc sáp nhập địa giới hành chính là một chủ trương lớn, đúng đắn và cần thiết - nhằm mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy liên kết vùng, phân bổ lại nguồn lực hợp lý và tinh giản bộ máy hành chính. Tuy nhiên, trong làn sóng thay đổi địa giới ấy, có những giá trị văn hóa, những “thương hiệu đặc sản” mang ký ức tập thể đang đứng trước nguy cơ bị lu mờ nếu không được gìn giữ đúng cách…

Gần đây xuất hiện làn sóng gọi tên các đặc sản theo đơn vị hành chính mới. Trên các nền tảng trực tuyến, những cách gọi như “Phở bò Ninh Bình”, “Vải thiều Bắc Ninh”, “Bánh đậu xanh Hải Phòng”, “Kẹo dừa Vĩnh Long”... đang xuất hiện ngày càng nhiều. Những cách gọi này ban đầu chỉ là lời đùa vui, “chế” hài hước trong cộng đồng mạng, nhưng cũng đặt ra một câu hỏi nghiêm túc: Nếu một ngày, những cái tên ấy không chỉ dừng lại ở trò đùa mà được sử dụng chính thức, thì điều gì sẽ còn lại trong ký ức tập thể, trong niềm tự hào quê hương của mỗi người?

Câu hỏi này cũng xuất phát từ thực tế đáng suy ngẫm khi mới đây đã có những quyết định hành chính gây tranh cãi. Câu chuyện đổi tên Trường THPT chuyên Bắc Giang là ví dụ. Sau khi hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sáp nhập, ngôi trường có bề dày thành tích và truyền thống này được đổi tên thành “Trường THPT chuyên Bắc Ninh số 2” - một cách gọi hành chính, đánh số đơn thuần, tưởng như đơn giản nhưng lập tức vấp phải ý kiến trái chiều từ cộng đồng.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, tên gọi “Chuyên Bắc Giang” không chỉ là danh xưng mà là một phần ký ức, là biểu tượng giáo dục gắn liền với niềm tự hào của nhiều thế hệ học sinh, giáo viên, phụ huynh. Việc đổi tên có phần “máy móc” theo kiểu đánh số làm biến mất một thương hiệu đã gây dựng hàng chục năm là điều không cần thiết.

Trước phản ứng đó, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh đã phải lên tiếng, cho biết Sở đã tiếp thu ý kiến từ người dân và đang trình UBND tỉnh phương án đặt tên phù hợp hơn cho hai trường THPT chuyên. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy tiếng nói cộng đồng vẫn có sức nặng trong việc định hình những quyết định có ảnh hưởng đến văn hóa và ký ức tập thể.

Câu chuyện đổi tên trường này cũng phát đi tín hiệu cảnh báo cho các địa phương, các trường học, các doanh nghiệp,… rằng không nên chỉ căn cứ vào địa giới hành chính mới mà vội vàng thay đổi những cái tên đã gắn bó với vùng đất, thậm chí đã trở thành thương hiệu. Một sản phẩm, một ngôi trường, một món ăn, một đặc sản không phải bỗng dưng trở nên quen thuộc, nổi tiếng. Vì thế, khi đã đi vào tâm thức cộng đồng thì tên gọi của nó không còn đơn thuần là định danh, mà có thể đã là biểu tượng văn hóa, là di sản. Nói như PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), “tên đặc sản là dấu chỉ đáng tin cậy để nhận diện một vùng đất”. Vì vậy, giữ tên gọi truyền thống chính là cách giữ gìn bản sắc địa phương, lịch sử và văn hóa - những điều không nên và không thể bị thay thế bởi bất cứ quyết định hành chính nào. Bởi, tên gọi không chỉ phản ánh nơi sản sinh, mà còn là cách lưu giữ ký ức, văn hóa và những chỉ dấu địa lý.

Việc sáp nhập hành chính mở ra không gian liên kết vùng rộng lớn hơn, từ đó giúp các sản phẩm đặc sản có cơ hội lan tỏa mạnh hơn, tiếp cận thêm nhiều thị trường tiềm năng trong cùng đơn vị hành chính mới. Thế nhưng, chính trong quá trình lan rộng ấy, càng cần có cơ chế bảo vệ tên gọi gốc như một hàng rào gìn giữ giá trị, tránh để bản sắc bị hòa lẫn hoặc mai một dần theo thời gian. Việc giữ nguyên tên đặc sản gắn với làng, xã, huyện hoặc tỉnh cũ không đi ngược với tiến trình sáp nhập, mà là cách tôn trọng bản sắc địa phương trong một không gian quản lý mới rộng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gìn giữ thương hiệu thời “hậu sáp nhập”