Gió qua đường 9

Thanh Tùng 28/04/2021 14:13

Cuối tháng 4, Quảng Trị chớm phơn Tây Nam. Thứ gió được ví như “đặc sản” của vùng đất này vào buổi trưa còn buổi sáng, nó hây hẩy mơn man như ve vuốt từng ngọn cỏ, mái nhà trên chiều dài gần 100 cây số đường 9 từ Lao Bảo đến Đông Hà.

Đường 9 qua thị trấn Khe Sanh.

Những ngày này, sau 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30/4/1975 lịch sử), chúng tôi trở lại Đường 9, nơi từng diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân giải phóng với thủy quân lục chiến Mỹ và các sư đoàn chủ lực của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Quảng Trị là địa phương duy nhất của cả nước có những số 2 đầy ấn tượng: 2 đường 9 (đường 9 A, đường 9B), 2 thị xã (Quảng Trị, Đông Hà), 2 cửa biển lớn (Cửa Việt, Cửa Tùng), 2 ngày kỷ niệm giải phóng (1/5/1972 và 19/3/1975) và 2 Nghĩa trang Quốc gia với hơn 20 vạn ngôi mộ liệt sỹ.

1. Ra khỏi cuộc chiến tranh với đất đai dày đặc bom mìn, hài cốt, gần nửa thế kỷ qua Quảng Trị từng có các chủ trương quyết sách nung nấu khát vọng vượt lên, trở thành điểm sáng trong tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Lần nào lên huyện miền núi Hướng Hóa, tôi đều tìm đến trung tâm mua sắm nằm trong Khu Kinh tế - Thương mại (KTTM) đặc biệt Lao Bảo với hy vọng gặp lại cảnh mua bán nhộn nhịp của những ngày mới khai trương nhưng lần nào cũng vậy, đập vào mắt tôi là các dãy nhà lớn được đầu tư nhiều tiền của, gần như bị bỏ hoang giữa một nơi từng được mang danh là “đô thị vàng”.

Hình thành từ năm 1998 nhưng phải đến năm 2005 khu vực buôn bán sầm uất ở vùng biên giới Quảng Trị mới được bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi trở thành Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo. Đường 9 qua Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo được án ngữ bởi cổng A ở phía Tây (tiếp giáp với Lào); cổng B ở phía Đông (giao thương với nội địa).

Năm 2015, sau 15 năm hoạt động, thu hút trên 60 dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 4.000 tỷ đồng, gần 50.000 người ở các nơi đến buôn bán, làm ăn, Khu KTTM đặc biệt này giải thể do các vấn đề liên quan đến cơ chế - dù địa phương đã rót vào đây trên 2.500 tỷ đồng xây dựng hạ tầng.

Từ cổng B Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo xuôi theo đường 9 khoảng 50 km về phía Đông là các Khu công nghiệp của Quảng Trị sau bao nhiêu năm vẫn chưa được lấp đầy. Năm 2007, Quảng Trị đặt nhiều kỳ vọng vào tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (được khởi xướng bởi 6 quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông (đặc biệt là 4 quốc gia Thái Lan, Lào, Myanma, Việt Nam) bằng việc chọn tam giác Cửa Tùng, Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ là điểm cuối của chặng hành trình “1 ngày đi 3 nước, ăn cơm 3 nơi”.

Tuy nhiên cho đến nay, lợi thế Cửa Tùng, Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ ở cuối con đường 9, nối 4 quốc gia Thái Lan, Lào, Myanma, Việt Nam với mục tiêu đặt ra là thu hút hàng năm 25 triệu lượt khách qua đường 9 vẫn chưa được phát huy.

2. Đường 9 hôm nay không còn là đường 9 của thập kỷ 90, thế kỷ 20 khi tôi làm người dẫn đường đưa các cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ về thăm lại chiến trường xưa. Nó cũng không còn là con đường nghèo nàn của năm 1993 khi đoàn du lịch xuyên Á đầu tiên khởi hành từ Thái Lan buộc phải kết thúc hành trình ở cửa khẩu Lao Bảo vì một lý do rất đơn giản, xe tay lái nghịch không được phép vào nội địa Việt Nam.

Dọc đường 9 hôm nay là những thị trấn, thị tứ năng động, sầm uất, các bản làng Pa Kô, Vân Kiều rực tươi giữa núi đồi. Hơn 30 năm về trước khi dừng chân ở bản nghèo Ka Tăng của thị trấn Hướng Hóa, tôi không khỏi chạnh lòng trước những mái nhà sàn xơ xác mong manh trong rát bỏng gió Lào.

Bản làng khang trang dọc đường 9.

Tháng 4 năm nay, trở lại Ka Tăng - Khe Đá, tôi gặp bản mới khang trang với các ngôi nhà vừa kiên cố vừa có kiến trúc đẹp như ở đô thị vùng xuôi. Người Ka Tăng - Khe Đá giàu nhờ buôn bán, trồng trọt và chăn nuôi - già bản Hồ Thăng nói vậy.

Bản mới Ka Tăng cách không xa cổng A cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, nơi có Quốc môn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt tại vị trí cột mốc 605 tiếp giáp Đen Sa Vẳn của Lào. Do dịch Covid-19, lượng người và phương tiện qua lại cửa khẩu khá thưa thớt nhưng hình ảnh những người lính biên phòng mẫn cán làm nhiệm vụ ở Quốc môn Lao Bảo sừng sững khiến tôi liên tưởng đến chiếc barie cũ kỹ nhấc lên, hạ xuống của vài mươi năm trước khi đường 9 còn nghèo!

3. Sau nhiều trăn trở, có thể nói rằng Quảng Trị đang có lựa chọn bền vững là biến gió Lào nghiệt ngã trở thành nguồn năng lượng vô tận với các cánh đồng điện gió ở rừng núi phía Tây, dọc đường 9 với tổng công suất ước khoảng từ 13.000MW đến 15.000MW.

Tốc độ gió qua núi đồi, bình nguyên trải dọc đường 9 của Quảng Trị được chuyên gia khẳng định đạt từ 6 - 7 m/s, là tiềm năng lớn để Quảng Trị thực hiện khát vọng trở thành thủ phủ năng lượng sạch. Gió làm ra điện và các cánh đồng điện gió đầy lãng mạn ở vùng đất từng dày đặc bom mìn sót lại sau chiến tranh sẽ là nơi dừng chân lý tưởng của 25 triệu lượt du khách 4 quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông gồm Thái Lan, Lào, Myanma, Việt Nam trong hoạch định của những người khởi xướng tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Điện gió cũng là cơ hội để Quảng Trị hoàn thành mục tiêu nằm trong danh sách các địa phương có trình độ phát triển trung bình cao của cả nước vào năm 2025 như lời ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh này phát biểu tại cuộc Hội nghị về năng lượng được tổ chức vào tháng 3 năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gió qua đường 9