Thắp nén hương thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công lập quốc, con cháu Lạc Hồng ngàn năm vẫn hướng về cội nguồn ngày Giỗ Tổ, cùng nhau gìn giữ và phát triển đất nước từ một di sản quý báu Tổ Tiên để lại: Sức mạnh nội sinh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm
Đền Hùng năm 1946. Ngày Giỗ Tổ đầu tiên của Chính phủ và Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắp hương thành kính, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước, dâng lên ban thờ điện Kính Thiên một thanh gươm quý, một tấm bản đồ Tổ quốc thống nhất Bắc - Trung - Nam, và một lá cờ đỏ sao vàng, kính cáo rằng đất nước đang bị ngoại xâm giày xéo, cầu mong Tổ Tiên phù hộ con cháu Lạc Hồng có thêm sức mạnh đoàn kết đánh tan quân xâm lược khi vận mệnh giang sơn ngàn cân treo sợi tóc.
Báo Cứu Quốc, tiền thân Báo Đại Đoàn Kết, số ra ngày 13/4 năm ấy viết về ngày Giỗ Tổ mô tả khoảnh khắc ấy đã “làm cho mọi người tràn ngập một ý nghĩ thiêng liêng về đất nước và có lẽ ai nấy trong lòng cùng thề nguyện quyết giữ vững non sông và bảo vệ ngọn cờ”. Bài báo viết thêm “toàn cõi Việt Nam tỉnh nào cũng làm lễ rất long trọng”, và “tại Đền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ, nơi có lăng tẩm của Ngài, ngày lễ hội cũng khác mọi năm nhiều, có gian hàng của các đảng phái, trưng bày sách báo, triển lãm tranh ảnh chiến tranh và chống nạn mù chữ…”. Tờ báo còn ghi rõ tên các khẩu hiệu treo khắp ngả đường từ chân núi Nghĩa Lĩnh lên Đền Thượng, như “Việt Nam thống nhất”, “Tổ quốc muôn năm”, “Sẵn sàng tuân mệnh lệnh Hồ Chí Minh”…
Và 9 năm khốc liệt trường kỳ kháng chiến trong tình cảnh nước nhà tột độ lâm nguy bởi giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt, lời hiệu triệu sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đứng lên kháng chiến đã lập kỳ tích Điện Biên Phủ chói lọi khi quân dân của Cụ Hồ đập tan quân đội nhà nghề viễn chinh Pháp. Từ đây khơi dậy làn sóng cách mạng đấu tranh giải phóng khỏi áp bức thực dân trên toàn địa cầu, đi vào sử sách nhân loại.
Lời Bác Hồ căn dặn Đại đoàn quân Tiên phong năm 1954, khi Bác lựa chọn Đền Hùng làm nơi gặp gỡ bộ đội, là mệnh lệnh bất hủ dành cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. “Các chú có biết đây là nơi nào không? Đây chính là Đền thờ các Vua Hùng, Tổ Tiên của chúng ta, sáng lập ra nước ta. Bác cháu ta gặp nhau ở đây là rất có ý nghĩa. “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Từ thuở Thục Phán An Dương Vương bái kính bên cột đá thề, nguyện giữ lấy cơ nghiệp nhà Hùng, rồi từ khi nhà Lý định đô Thăng Long cho đến thời đại Hồ Chí Minh, đất nước trải qua hàng chục cuộc chiến chống ngoại bang nhưng chưa bao giờ cam chịu kiếp nô lệ. Một dân tộc có Tổ có Tông, chịu nhiều đau thương mất mát bởi chiến tranh, vẫn ngàn năm đoàn kết giữ gìn và dựng xây đất nước sánh tầm năm châu, nay càng thấm lời Bác dặn từ đền thiêng năm ấy.
Giữ vẹn nguyên non nước ngàn năm, hướng về cội nguồn "bọc trăm trứng" của Mẹ Âu Cơ sinh nghĩa đồng bào và phát tích sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tâm thức người Việt luôn nhớ chúng ta cùng một Tổ Tiên và chung ngày Giỗ Tổ - mà không quốc gia nào trên thế giới có được.
Kỳ diệu sức mạnh nội sinh đại đoàn kết - di sản quý báu
Cách đây 13 năm, UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Biểu tượng đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của người dân Việt Nam, là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh dân tộc Việt. Cũng là biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết - di sản quý báu nhất, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong suốt chặng đường lịch sử. Các nhà khoa học nghiên cứu văn hóa của UNESCO nhất trí rằng Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng kỳ diệu có sức sống lâu bền, lan tỏa rộng khắp cộng đồng người Việt trong nước và ở nước ngoài (hiện toàn quốc có 1.147 địa đểm có di tích thờ cúng Vua Hùng và các tướng lĩnh thời kỳ Hùng Vương, trong đó riêng tỉnh Phú Thọ có 326 địa điểm). Thậm chí di sản ấy có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.
Hằng năm có 6-8 triệu lượt người hành hương về cội nguồn trẩy hội dịp Giỗ Tổ. Chỉ trong hai ngày đầu khai hội năm nay đã có tới 5 vạn lượt người không quản mưa rét nàng Bân nối nhau lên dâng hương Đền Hùng. Và năm nào cũng có đoàn kiều bào ta từ nước ngoài về dâng hương. Sức cuốn hút mạnh mẽ cài trong tâm thức con Lạc cháu Hồng từ khắp năm châu, tình cảm da diết thấm thía bởi dòng máu từ mạch nguồn Hùng Vương.
Không gian lễ hội Đền Hùng trải khắp từ núi Nghĩa Lĩnh về đến các làng quê Đất Tổ. Kiệu cổ thôn Cổ Tích lộng lẫy rước lên điện Kính Thiên, bánh chưng Lang Liêu bày hội thi nấu gói ngay sân quảng trường, sải chải vượt sóng Lô giang quy tụ những chàng trai Đất Tổ khỏe mạnh, làn Xoan ghẹo lãng mạn đằm thắm mà kính lễ của các nghệ nhân ngân lên từ miếu Lãi Lèn, màn đâm đuống mê hoặc có cô gái bản Mường giao thoa nhịp tay khéo léo... Và đặc biệt nhất là luôn có một nguyên thủ Quốc gia trong đoàn hành lễ cùng nhân dân dâng hương ngày chính Giỗ - lễ hội được tổ chức mẫu mực bậc nhất cả nước.
Nơi bốn phương hội tụ xác tín tâm linh, đã ngàn năm từ khắp mọi miền Tổ quốc, dòng người hành hương về Đất Tổ chưa bao giờ ngừng lại, tựa dòng mạch văn hóa quyện chặt tình cảm con một nhà. Mỗi gia đình đều làm mâm cơm ngày Giỗ Tổ. Mỗi người con xa nếu không thể hành hương về cội nguồn tháng Ba đều thắp nén tâm nhang lên bàn thờ tưởng nhớ các Vua Hùng.
Một tín ngưỡng mang tầm quốc gia với tình cảm ái quốc. Tự tôn và tự hào dân tộc, có Tổ Tiên phù hộ và chứng giám là đây. Ẩn chứa sâu xa là di sản sức mạnh nội sinh đại đoàn kết. Nền tảng tự lực, tự cường có nhân dân là gốc, có văn hóa là trụ cột, cả dân tộc ắt chiến thắng. Đất nước bốn ngàn năm Tổ Tiên để lại di sản đoàn kết quý báu được con Lạc cháu Hồng giữ gìn, gia cố, phát triển vững bền.
Bên mộ tổ Vua Hùng thứ 6 trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, những cây tre khỏe khoắn vàng óng vút lên tựa sức mạnh Thánh Gióng xưa đuổi giặc. “Nước mở Văn Lang xưa/ Dòng Vua đầu viết sử/ Mười tám đời nối nhau/ Ba sông đẹp như vẽ/ Mộ cũ ở lưng đồi/ Đền thờ trên sườn núi/ Muôn dân đến phụng thờ/ Khói hương còn mãi mãi”. Ấy cũng thay lời tri ân của cháu con đứng bên mộ Tổ mà hừng hực toát lên sức mạnh đại đoàn kết dòng máu Lạc Hồng.
Từ tro tàn chiến tranh, từ nền kinh tế lạc hậu có tới 90% dân số làm nông nghiệp, đất nước hình chữ S vừa nỗ lực hàn gắn thương đau, vừa làm cách mạng đổi mới, phát triển. Thủy điện, đường cao tốc, cảng biển, đô thị hóa bừng lên diện mạo tươi sáng. Năm vừa qua, khắc phục hậu quả bão Yagi, hành quân xóa nhà tạm dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi, đã thành công kỳ tích. Và nay toàn quốc tăng tốc nhằm cán đích xóa hơn 300.000 nhà dột nát trong năm 2025. Không ai bị bỏ lại phía sau - một "slogan" thống chỉ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình tiến lên hùng cường, có di sản đại đoàn kết trao truyền qua nhiều thế hệ, có đồng thuận toàn dân, có niềm tin mãnh liệt nhất định thành công trong mọi cuộc cách mạng.
Lễ hội Đền Hùng được “gia ban quốc tế”từ đời Vua Lê Thánh Tông. Thời Nguyễn thì cho rước bài vị các Vua Hùng vào Huế thờ tại miếu Lịch đại Đế vương nhưng vẫn cấp sắc ở Đền Hùng. Thời Khải Định chính thức lấy ngày Giỗ Tổ 10/3 âm lịch. Năm 1943, Mặt trận Việt Minh đã treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên gác chuông điện Kính Thiên để tuyên truyền cách mạng, kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh đổ Nhật - Pháp để cứu nước trước đông đảo quần chúng về dự lễ hội. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cho phép công chức nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Năm 1995 được Nhà nước quy định là một trong những ngày lễ lớn. Từ năm 2007 người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ - một lần nữa Nhà nước chính thức công nhận ngày Quốc lễ, mang đậm ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.