Một khảo sát mới đây cho biết, hơn 70% trong số hơn 12.000 giáo viên nói áp lực lớn nhất từ phụ huynh, gần một nửa từng có ý định bỏ nghề vì cho rằng bị bạo lực tinh thần.
Thực tế cũng cho thấy áp lực từ cuộc sống, từ nghề nghiệp đã chi phối ứng xử của người đứng trên bục giảng. Từ đó dẫn tới việc không ít thầy cô - mặc dù có kinh nghiệm dạy học nhiều năm, nhưng vẫn gặp khó trong việc kiểm soát hành vi, cảm xúc.
Giáo dục chưa bao giờ là công việc nhẹ nhàng. Nhưng cũng chưa bao giờ những người làm nghề giáo lại đứng trước những thử thách như thời điểm hiện nay, khi nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng quá cao, thường xuyên can thiệp sâu vào việc giảng dạy, thậm chí gây áp lực về điểm số với giáo viên. Nhiều giáo viên đối mặt nguy cơ bị đe dọa hay bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội.
Dẫu thế, bên cạnh áp lực từ phụ huynh; sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận học sinh thì đáng buồn là cũng có những sự việc ảnh hưởng đến hình ảnh của người thầy, như: bạo lực với học trò, thiếu trong sáng trong nâng đỡ và đánh giá học sinh, lạm dụng chủ trương xã hội hóa… gây phẫn nộ trong dư luận như truyền thông đã phản ánh.
Trước tình trạng văn hóa ứng xử học đường chuệch choạc thời gian qua - nhìn từ phía người thầy, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, hiện việc đào tạo về đạo đức cho giáo sinh không được chú ý nhiều trong các chương trình đào tạo. Thậm chí, ngay cả đối với giáo viên đã ra trường, ngành giáo dục cũng chỉ chú ý đến việc đào tạo kiến thức, mà không có sự rèn luyện về đạo đức phẩm chất và hành vi ứng xử của giáo viên.
Giờ đây khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu lấy người học làm trung tâm; chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất của người học; trọng điểm mạnh của học sinh hơn là điểm số… có nghĩa là trong bối cảnh xã hội và các mục tiêu giáo dục hiện nay có sự thay đổi, cánh cửa trường học khác trước kia thì phải thay đổi văn hóa trường học theo hướng xây dưng mô hình trường học hạnh phúc. Giáo viên cần chuẩn bị tâm lý, kỹ năng để những sự việc bạo lực cả về thể chất, tinh thần với học sinh không xảy ra. Nếu giáo viên vẫn giữ quan niệm cũ, thói quen cũ, coi việc áp đặt học trò là quyền của người thầy thì đó là sai lầm, đã đến lúc cần thay đổi phương thức giáo dục mới. Vì thế, rất cần tăng thời gian hội nhập nghề nghiệp trong chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm, để các sinh viên có thể thực tập ngay khi ở kì I của năm thứ 2, giúp họ làm quen với môi trường giáo dục và kỹ năng xử lý các tình huống thực tế.
Cảm thông, chia sẻ với áp lực của người thầy, song nhiều người cho rằng không thể lấy lý do ấy để bào chữa cho cách xử sự chưa đúng mực của những người đứng trên bục giảng. Trước đây chúng ta không coi trọng lắm về đào đạo phẩm chất nghề nghiệp nhà giáo, thì hiện nay việc giáo viên có kỹ năng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính mình và học trò phải được coi là nguyên tắc đạo đức đầu tiên để được đứng trên bục giảng. Điều quan trọng hơn cả, mỗi giáo viên cần tự ý thức để trở thành tấm gương về đạo đức, nghề nghiệp, chuẩn mực trong ứng xử với học sinh, trước tính 2 mặt thời công nghệ 4.0.
Dự thảo Luật Nhà giáo đang tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những việc không được làm theo hướng tăng tính bảo vệ đối với nhà giáo; nhiều hành vi của nhà giáo sẽ được điều chỉnh bằng luật. Các ý kiến đóng góp cho thấy, nhiều vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo nếu dư luận không lên tiếng và giám sát thì sẽ bị "chìm xuồng". Khi giáo viên có những hành vi phản giáo dục mà không bị nhà trường, ngành giáo dục xử lý triệt để, sẽ rất dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực của xã hội.