Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các cấp chính quyền tỉnh Ninh Thuận mở các cuộc thi viết bằng tiếng Chăm, viết về quê hương đất nước. “Những bài hay, bài tốt có thể đăng trên báo bằng tiếng Chăm”…
Quang cảnh buổi làm việc.
Chiều ngày 7/10, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam GS.TS Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục dẫn đầu đoàn công tác trung ương đã đến thăm và làm việc tại Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, nhằm tìm hiểu về công tác Mặt trận cũng như tâm tư, nguyện vọng của đồng bào Chăm trong tỉnh.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Phan Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận cho biết: Với nhiều nỗ lực, cố gắng, MTTQ các cấp trong tỉnh đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong tỉnh tiếp tục được phát huy; đặc biệt là đã chủ động và tích cực tham gia đạt kết quả cao trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử.
Những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân được hệ thống Mặt trận cùng các tổ chức thành viên phản ánh kịp thời đến các cơ quan có trách nhiệm xem xét giải quyết, góp phần ổn định tình hình trong các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên tập trung tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Triển khai kế hoạch giám sát của MTTQ tỉnh năm 2016 đối với một số đơn vị, địa phương trong tỉnh về các nội dung: Giám sát chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi (trọng tâm là việc giao đất sản xuất, giao rừng khoán quản đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2010-2015); giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát công tác bảo vệ môi trường; Giám sát công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, đã tổ chức được 3 cuộc giám sát: Giám sát về thực hiện chính sách về đất sản xuất, đất rừng khoán quản đối với đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (giai đoạn 2010-2015) tại 4 xã và 4 đơn vị liên quan; giám sát công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm tại 5 cơ sở sản xuất, chế biến và 5 đơn vị liên quan.
Bên cạnh đó, Mặt trận phối hợp phát động thi đua thực hiện các chương trình liên tịch, phối hợp như: Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tham gia phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm và phòng, chống mua, bán người; tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...
Về tình hình đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Ninh Thuận có 34 dân tộc anh em sống xen kẽ.
Dân tộc Chăm có khoảng 78.000 người; Raglai trên 60.000 người; Hoa 6.000 người; K’Ho gần 4.000 người và các thành phần dân tộc khác sống tập trung ở 124 thôn, thuộc 35 xã, thị trấn trong toàn tỉnh.
Đồng bào Chăm có khoảng 16.720 hộ/ 77.868 khẩu, cư trú tập trung tại 35 thôn (làng), khu phố của 13 xã, thị trấn thuộc 06 huyện, thành phố.
Cộng đồng người Chăm có 3 Ban đại diện gồm: Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni được thành lập năm 2006, Hội đồng Chức sắc Chămlamôn và Ban đại diện Cộng đồng Hồi Giáo Islam, thành lập năm 2012.
Có khoảng trên 90.000 tín đồ theo đạo; trong đó đồng bào Chăm theo 2 tôn giáo chính là Bàlamôn có 47.265 tín đồ, có 5 đền tháp; Hồi giáo (Hồi giáo cũ - Bàni: 26.414 tín đồ, có 7 Chùa và Hồi giáo mới - Islam: 2.484 tín đồ, có 4 Thánh đường); ngoài ra có khoảng trên 1.263 người Chăm theo các tôn giáo khác như Công giáo, Tin lành…
Đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Chăm nói riêng trên địa bàn tỉnh luôn ổn định, tin tưởng và đồng thuận cao vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền; tích cực tham gia thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung trong đó có đồng bào Chăm tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, các Cuộc vận động, nhất là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" nay là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" chuyển biến mạnh về nhận thức và trách nhiệm tại cộng đồng.
Tuy nhiên, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Chăm nói riêng chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp; những năm gần đây, tình hình thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn kéo dài, giá cả nông sản không ổn định đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của bà con; con em sau khi tốt nghiệp các trường Cao đẳng và Đại học không bố trí được việc làm; an ninh nông thôn ở một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp đã gây tâm tư, lo lắng trong nhân dân và vùng đồng bào dân tộc.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh và đánh giá cao công tác Mặt trận trong thời gian qua.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân rất vui mừng khi tất cả các học sinh tiểu học người Chăm đều được học tiếng Chăm, bên cạnh đó, báo chí, truyền hình cũng có tiếng Chăm để người dân có thể tiếp cận được thông tin.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu tham dự buổi làm việc.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng mong muốn các cấp chính quyền mở các cuộc thi viết bằng tiếng Chăm, viết về quê hương đất nước, những bài hay, bài tốt có thể đăng trên báo, Thông tấn xã bằng tiếng Chăm…