Giữa 'cơn sốt' ChatGPT: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Hoàng Chiến 09/02/2023 07:00

“Cơn sốt” ChatGPT vẫn không ngừng nóng lên từng ngày. Hiện tại, rất đông người trẻ đã mua và sử dụng công cụ ChatGPT. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin cũng như sự nguy hại khi sử dụng công cụ này cũng được nhiều chuyên gia cảnh báo.

ChatGPT đang trở thành công cụ gây sốt trên khắp thế giới. Ảnh minh họa.

ChatGPT chỉ thay thế được người lười tư duy

Sau một thời gian sử dụng ChatGPT, TS Nguyễn Nga Huyền - giảng viên Khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đánh giá, ChatGPT có khả năng tự tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn, là bộ lọc tổng hợp thông tin thành văn bản trả lời chủ động cho người dùng kết quả duy nhất. Khác hẳn với các phương pháp tìm kiếm truyền thống trước đây.

Bên cạnh đó, khả năng ghi nhớ thông tin cung cấp trước đó và phân tích để đưa ra câu trả lời phù hợp của ChatGPT khá tốt. Đồng thời còn không bỏ sót các ý trong một câu hỏi.

Đối với công tác giảng dạy nói riêng, ChatGPT đưa ra câu trả lời rất rõ ràng, súc tích và mạch lạc trước một thông tin mà mình mong muốn. Dĩ nhiên để có được kết quả đó, người dùng phải biết đặt câu hỏi “đầu vào” chi tiết, cụ thể và dễ hiểu.

Về quan điểm cho rằng ChatGPT có thể thay thế giáo viên, TS Nguyễn Nga Huyền nhận định: “Đó cũng có thể là một nguy cơ tiềm tàng, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại thì hoàn toàn chưa thể. Cách trả lời, giải đáp, tổng hợp và phân tích thông tin của ChatGPT rõ ràng có những điểm mạnh riêng biệt. Tuy nhiên, điểm con người hơn ChatGPT là con người có cảm xúc, tư duy và sáng tạo riêng, biết cách đặt câu hỏi,… Và giáo viên biết cách sử dụng nó như một công cụ phục vụ cho việc giảng dạy của mình”.

Do đó, TS Nguyễn Nga Huyền nhấn mạnh, ChatGPT chỉ có thể thay thế được những người lười tư duy. Vấn đề đặt ra cho mỗi giáo viên là phải làm sao để bản thân không ngừng sáng tạo, trau dồi và cập nhật liên tục kiến thức, phương pháp giảng dạy.

Tuy nhiên, điểm đáng lo hơn là học sinh, sinh viên thì có thể “lâm nguy” và kém đi nhiều nếu lạm dụng công cụ này. Học sinh, sinh viên sẽ trở nên lười suy nghĩ, chỉ trông chờ vào các câu trả lời sẵn có từ ChatGPT. Thậm chí, việc lạm dụng có thể thui chột hoàn toàn kĩ năng tìm kiếm, phân tích, tổng hợp thông tin. Bên cạnh đó, năng lực tư duy về mặt ngôn ngữ, năng lực phản biện bị ảnh hưởng rất nhiều. Do đó, việc tận dụng ChatGPT rất cần sự tỉnh táo để vừa thử, vừa đánh giá mức độ tin cậy, và không đặt niềm tin hoàn toàn vào ứng dụng này.

Cơ hội về một cuộc cách mạng giáo dục

Đồng quan điểm, ThS Đinh Ngọc Sơn - giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng khẳng định, trí tuệ nhân tạo (AI) đang là cơ hội để tạo ra cuộc cách mạng giáo dục. Dù không còn mới, nhưng công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo ChatGPT hiện nay đang trở thành một chiến dịch lan tỏa ra thế giới rất nhanh so với rất nhiều công nghệ khác, gây nên tiếng vang và ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Dưới góc nhìn giáo dục, đó cũng chỉ là sản phẩm của trí tuệ con người.

Điểm nổi bật của ChatGPT là biết so sánh, tìm ra những quy luật và đưa ra giải pháp cho con người, giúp con người có thể tư duy được trong những khu vực phạm vi nhất định. Khu vực càng nhiều tri thức đưa lên nền tảng, càng nhiều người sử dụng thì AI càng thông minh. Nhìn ở mặt bằng chung, dù một giảng viên dù giỏi đến đâu cũng không thể có khả năng tổng hợp và phân tích dữ liệu nhanh, nhiều như AI. “Vấn đề đặt ra trước cơn sốt ChatGPT là chúng ta phải sử dụng nó như thế nào, thay đổi tư duy và phương pháp ra sao để tận dụng sức mạnh của nó” - ThS Đinh Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Sơn, mục tiêu giáo dục của các nhà trường hiện nay cần làm là nâng cấp các ứng dụng, công cụ mới và thay đổi cách đào tạo mới để phù hợp với nền giáo dục hiện đại.

Trí tuệ nhân tạo là sự kết nối kho dữ liệu cực kì lớn, do đó nhà trường phải biết cách khai thác kho dữ liệu đó, mở ra cơ hội để tiết kiệm rất nhiều công sức mà bất cứ nhà trường nào cũng có thể sử dụng. Nếu coi nó là một công cụ thì sẽ biết cách khai thác nó một cách hiệu quả.

Một trong những điểm yếu của ChatGPT hiện nay là việc phân tích và đưa các dữ liệu vào câu trả lời nhưng khó kiểm định được nguồn và mức độ tin cậy. Nhiệm vụ nhà trường là làm sao hướng dẫn cho giáo viên, học viên biết kiểm định thông tin mà công cụ này đưa ra để sử dụng chính xác dữ liệu thông tin đó.

“Tôi coi trí tuệ nhân tạo như một công đoạn phân tích thô, còn quá trình giáo dục là phải biến những sản phẩm thô của AI thành những sản phẩm giá trị, có ích và sáng tạo. Đây cũng chính là giai đoạn mới của giáo dục cũng như thách thức trong tư duy đào tạo với những người làm giáo dục” - ông Sơn nói.

Nguy cơ về bảo mật

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam) cảnh báo, việc sử dụng các tài khoản ChatGPT tại Việt Nam hiện nay đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về bảo mật và an toàn thông tin trên không gian mạng.

Theo đó, việc sử dụng chung các tài khoản ChatGPT hiện nay như nhiều người đang làm sẽ dễ dàng thấy được những câu hỏi của những người sử dụng tài khoản trước đó. ChatGPT sẽ thu thập thông tin dữ liệu và học hỏi từ bất cứ thông tin dữ liệu nào. Do đó cần hạn chế chia sẻ và hỏi các câu hỏi liên quan đến thông tin danh tính cá nhân vì chúng ta không thể biết thông tin cá nhân của mình đang được AI thu thập tới đâu.

Thứ hai, các thông tin cá nhân người dùng trên ChatGPT hiện nay cũng không rõ sẽ được gỡ ra sao và được sử dụng như thế nào. Bản thân công ty quản lý công cụ này cũng đang có rất nhiều vụ kiện tụng liên quan đến bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư. Và không biết thông tin này lấy từ đâu.

Theo ông Hiếu, hiện nay một số người mua các tài khoản ChatGPT trên mạng, tuy nhiên, khi mua các tài khoản này, số điện thoại không phải của mình nên bản thân người dùng không kiểm soát được tài khoản và có thể bị mất tài khoản hoặc bị lừa bất cứ lúc nào khi một tài khoản có thể được bán cho nhiều người cùng lúc. Do đó, cách tốt nhất là nên đợi đến khi nào công cụ này chính thức được chấp nhận tại Việt Nam.

Ông Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam) cho biết, hiện nay những người làm an ninh mạng đang có nhiều quan ngại khi một số tin tặc đang tận dụng ChatGPT để viết các tính năng phát triển những virus mã độc dùng để mã hóa thông tin, tấn công, tống tiền người sử dụng. Một số diễn đàn hacker nước ngoài cũng tận dụng công cụ này để tạo nên những email lừa đảo, nội dung và đường link lừa đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữa 'cơn sốt' ChatGPT: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ