Gỡ dần nút thắt cho bất động sản

T.Hằng 09/02/2023 07:00

Sáng 8/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị tín dụng bất động sản (BĐS) với sự có mặt của hơn 20 tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực này. Hội nghị được kỳ vọng sẽ đem lại những giải pháp gỡ khó cho thị trường BĐS khi chịu cảnh trầm lắng một thời gian dài, kéo theo những tác động xấu đến nền kinh tế.

Thị trường bất động sản đang được gỡ dần những khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.

Nợ xấu bất động sản tăng

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, không có chuyện ngành ngân hàng siết tín dụng với lĩnh vực BĐS. Thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS cao nhất trong các ngành và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các lĩnh vực.

Ông Tú cho biết, dư nợ tín dụng BĐS đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021 là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, cao nhất trong 5 năm qua. Theo ông Tú, điều đó cho thấy các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực BĐS với mức tăng trưởng cao và đang có dư nợ lớn.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết thêm, tín dụng cho BĐS năm 2022 chủ yếu tập trung vào nhu cầu tiêu dùng/tự sử dụng: Kinh doanh BĐS tăng 11,5% chiếm tỷ trọng 31,28%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 31,1% chiếm tỷ trọng 68,72%. Theo phân khúc, dư nợ cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,19%, quyền sử dụng đất chiếm 20,66%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,67%, nhà ở xã hội 0,71%, khác là 13,77%.

Về cơ cấu tín dụng BĐS, bà Giang nêu, hiện nay, tín dụng cho vay mua nhà, sửa nhà với cá nhân chiếm tỷ lệ 68%. Cơ cấu này cho thấy tín dụng BĐS đang tập trung đáp ứng nhu cầu ở của người dân, giảm rủi ro, đảm bảo sự phát triển an toàn của thị trường. Tất nhiên, vẫn có tình trạng cá nhân nhập nhèm giữa BĐS phục vụ nhu cầu ở thực và vay để đầu cơ, kinh doanh.

Đáng lưu ý, theo đại diện NHNN, nợ xấu BĐS đang có dấu hiệu tăng. Năm 2021, nợ xấu BĐS chỉ chiếm 1,67% thì năm 2022 đã tăng lên 1,81%.

Chia sẻ quan điểm tại hội nghị, bà Đỗ Thị Phương Nam - Giám đốc Phụ trách tái cấu trúc cho Tập đoàn Novaland cho biết, rủi ro trên thị trường mang tính hệ thống khi thị trường chứng khoán giảm rất mạnh; thị trường trái phiếu có những thay đổi lớn về quy định pháp luật dẫn đến một số khó khăn nhất thời... tất cả tác động đến niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường.

Cũng theo bà Nam, đối với các khoản vay trong nước, doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn, bản thân Novaland vẫn đang làm việc với các ngân hàng để tháo gỡ. Trên cơ sở đó, Novaland đề nghị NHNN xem xét cho các tập đoàn BĐS được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng. “Hiện nay, các DN BĐS rất khó khăn để trả nợ trái phiếu đến hạn. Chính vì vậy, đề nghị NHNN với vai trò lãnh đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại với tư cách là những nhà đầu tư chuyên nghiệp xem xét các giải pháp có thể giúp đỡ DN hoàn thiện nghĩa vụ với các trái chủ” – bà Nam nói.

Trong khi đó, ông Lê Trọng Khương - Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh kiêm Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land cho rằng, kênh huy động này đang gặp bế tắc. “Để giải quyết tình trạng khó khăn này, đề nghị NHNN và các bộ ngành xem xét phương án để hỗ trợ các DN phát triển tốt thì các trái chủ mới yên tâm đầu tư. Bởi trong bối cảnh hiện nay, các trái chủ đang rất lo ngại về việc các DN có tồn tại được hay không, có bán được sản phẩm không. Do đó, đề xuất NHNN nới room cho vay để DN BĐS có nguồn vốn kinh doanh và đầu tư” – ông Khương đề nghị.

Nói về cơ cấu nợ, ông Khương cho hay, với Hưng Thịnh, câu chuyện “nhảy nhóm nợ” thì chưa nhưng không phải là không nhảy. Vì vậy, trong trường hợp nếu NHNN không có chính sách quyết liệt và hỗ trợ trong việc cơ cấu lại nhóm nợ thì đến một thời điểm nào đó sẽ xảy ra vấn đề này. "Chúng tôi thấy, việc gia hạn nợ cũng là điều kiện để hỗ trợ việc giải ngân tiếp theo cho các DN" - ông Khương nói.

Câu chuyện lãi suất cao cũng được vị này nhấn mạnh. "Bản thân Hưng Thịnh Land thời gian vừa qua đã có kế hoạch xây nhà ở xã hội rất cần nguồn vốn nhưng đang gặp bế tắc. Chúng tôi đề xuất NHNN và các ngân hàng thương mại nghiên cứu về lãi suất để có một mức phù hợp hỗ trợ cho các DN tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền cho người dân" – ông Khương nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM Lê Hoàng Châu, 2023 là năm quyết định sống còn của các DN BĐS nên cần được giải quyết nút thắt về dòng tiền để đảm bảo thanh khoản. Theo ông Châu, cái khó khăn nhất của các DN BĐS việc tiếp cận với khoản tín dụng mới và việc nhảy nhóm nợ. DN có nợ xấu dù có dự án khả thi, có tài sản bảo đảm vẫn không tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới nếu NHNN không cho phép nới điều kiện vay vốn tín dụng.

Chờ các quyết sách cụ thể

Nêu quan điểm, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường cần rất nhiều chính sách khác nhau, trong đó có chính sách tín dụng. Thống đốc hy vọng Hội nghị tới đây có sự tham dự của Thủ tướng sẽ có những quyết sách cụ thể.

Theo bà Hồng, năm 2023, NHNN đã họp và thống nhất sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng vào BĐS và sẽ nghiên cứu lộ trình cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng. Năm 2023 định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14 – 15%.

Trong thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, góp phần phát triển thị trường BĐS lành mạnh, NHNN cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các ngành, lĩnh vực kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS tăng trưởng, phát triển ổn định, bền vững theo đúng các chủ trương định hướng của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN trong tiếp cận tín dụng trong đó có lĩnh vực BĐS.

Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế trong đó có lĩnh vực BĐS, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý...

Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung... đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023, trực tuyến với địa phương.

Theo Nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu NHNN Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng...

NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn tín dụng BĐS đối với các DN BĐS và người mua theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2023. Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất các biện pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và chuẩn bị tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/2/2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ dần nút thắt cho bất động sản