Gỡ 'điểm nghẽn' phát triển nhà ở xã hội

H.Hương-M.Sang 21/10/2023 07:00

Để đạt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, việc rà soát và tháo gỡ các điểm nghẽn về quy hoạch, trình tự thủ tục đầu tư, bố trí nguồn vốn ưu đãi... là điều bắt buộc phải thực hiện ngay và luôn.

Một khu nhà ở xã hội ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: Phương Lê.

Tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NOXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, đưa ra một loạt chính sách cụ thể về phát triển NOXH, nhà ở công nhân, với mục tiêu rõ ràng và giải quyết hàng loạt nút thắt lâu nay.

Nên để quy hoạch nhà ở xã hội là quy hoạch mở

Tuy nhiên theo thống kê, riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng NOXH, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công chỉ mới dừng lại ở con số 9 dự án với tổng số khoảng 18.768 căn. Trong đó, NOXH 6 dự án; nhà ở công nhân 3 dự án.

Còn tính rộng ra trong giai đoạn 2021-2025, đến thời điểm hết 30/6, cả nước đã hoàn thành 46 dự án, quy mô hơn 20.200 căn. 110 dự án với quy mô hơn 100.200 căn đã được cấp phép và đang triển khai xây dựng. 309 dự án với hơn 292.400 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho rằng, sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức và cần sự chung tay, vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp chính quyền, các hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp để có 1 triệu căn NOXH.

Theo giới chuyên gia, để đạt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH, việc rà soát điểm nghẽn về quy hoạch, trình tự thủ tục đầu tư, bố trí nguồn vốn ưu đãi… là việc không thể chậm, phải cùng nói và cùng làm.

Là một địa phương đang dồn sức xây dựng NOXH, song ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh cũng cho rằng, phát triển NOXH gặp khó khăn do liên quan công tác quy hoạch, thẩm định, giá bán...

Theo ông Dũng, nên có hình thức giao cho địa phương quyết định về giá nhà trên cơ sở quy định về xác định giá cả liên quan trên cơ sở thị trường và dựa vào khung giá do tỉnh ban hành tương tự với NOXH của các hộ gia đình đang được thực hiện hiện nay.

“Nếu giá được điều chỉnh hàng năm cũng là cơ sở để các doanh nghiệp thúc đẩy hơn nữa trong việc tham gia đầu tư phát triển NOXH, đặc biệt là nhà ở công nhân” - ông Dũng nói và cho rằng hiện nay hình nhà ở lưu chú phải thực sự quan tâm, bởi đây chính là loại hình mà các đối tượng công nhân có nhu cầu nhiều nhất. Đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu để hình thành một hệ thống về quy chuẩn, tiêu chuẩn từ khâu lựa chọn nhà đầu tư, đến quy hoạch, đến quản lý phát triển và sử dụng NOXH.

Ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, các khu quy hoạch NOXH đa số chỉ có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu với số tầng cao là 5 tầng. Như vậy khi các nhà đầu tư đầu tư họ sẽ xem xét để xin điều chỉnh quy hoạch, xây thành cao tầng như vậy mất rất nhiều thời gian. Cho nên, theo ông Nghĩa, nếu có thể đề nghị quy hoạch chung, quy hoạch phân khu ở các tỉnh nên quy hoạch mở để khi làm quy hoạch chi tiết sẽ không phải điều chỉnh.

Cần thêm hỗ trợ từ chính sách tài chính

Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ đã đề xuất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NOXH, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi. Nguồn vốn để thực hiện Chương trình từ nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại.

Theo báo cáo, các địa phương đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, hiện nay đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng. Trong đó, có 49 dự án NOXH với nhu cầu vay khoảng 24.655 tỷ đồng và 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay khoảng 1.230 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án NOXH tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83/1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.

Bàn về nguồn vốn phát triển NOXH, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, nguồn vốn phát triển NOXH đã được quan tâm hơn trong thời gian gần đây. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã cam kết tham gia xây dựng các dự án cho phân khúc này qua đó đã đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng hiện vẫn thiếu nguồn vốn tài trợ bền vững cho phân khúc nhà ở xã hội. Thực tế cho thấy, đa số các dự án NOXH tính đến thời điểm hiện nay được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn công, một số dự án do tư nhân thực hiện. Cùng với đó là việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân sách do được bố trí cho các dự án NOXH rất ít, điều kiện - thủ tục phức tạp, trong khi nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế.

Từ đó, ông Lực kiến nghị cần có giải pháp tạo lập nguồn vốn bền vững để phát triển NOXH, tránh việc áp dụng theo các gói, chương trình một vài năm như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ 'điểm nghẽn' phát triển nhà ở xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO