Tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP Hồ Chí Minh mới đây về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm... Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến chỉ đạo đối với 5 dự án trọng điểm của thành phố. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp xử lý, không “lòng vòng”, nhất là với các công trình giao thông trọng điểm.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, đến hết ngày 25/11/2022, tổng số vốn đã giải ngân là hơn 12.665 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34%, thấp hơn trung bình của cả nước là 43%. Về triển khai các dự án trọng điểm, theo ông Mãi, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ hoàn thành vào năm 2023. Tuyến đường sắt đô thị số 2, Bến Thành -Tham Lương, dự kiến khởi công xây dựng cuối năm 2022, hoàn thành vào cuối năm 2024. Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, thành phố đang hoàn tất các thủ tục để phê duyệt 2 dự án thành phần (xây lắp và bồi thường), phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng để khởi công trước ngày 30/6/2023…
Cùng với việc yêu cầu TP HCM rà soát lại các công việc từ nay đến cuối năm, chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2023, trong đó cần tập trung vào 3 quy hoạch là quy hoạch chung, quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch thành phố Thủ Đức; Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc triển khai 5 dự án trọng điểm của thành phố. Trong đó, với dự án đường Vành đai 3, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần bố trí đủ vốn cho TP HCM triển khai. Về dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thành để kết nối với đường vành đai 3 thành tuyến hoàn chỉnh, dứt khoát phải hoàn thành, thông xe vào năm 2025.
Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác xử lý các vấn đề của dự án Nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, bảo đảm đúng tiến độ. Với dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành sớm thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ngay trong tháng 12 năm nay.
Lâu nay, giao thông vẫn là điểm nghẽn của TP HCM. Thành phố với vai trò trung tâm, kết nối toàn vùng cần có hệ thống giao thông hiện đại, thông thoáng. Tuy nhiên, giao thông đã không phát triển tương ứng với kinh tế - xã hội. Tại thời điểm này, các cửa ngõ ra vào thành phố hầu hết đều quá tải.
Trong khi đó, nội thành tồn tại nhiều điểm nghẽn, gây ách tắc, ùn ứ. Thông tin từ Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết, tình hình ùn tắc giao thông có chiều hướng gia tăng với 18 điểm ùn tắc cao. Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, một số tuyến đường ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Cát Lái… và các tuyến đường cửa ngõ của thành phố lẫn nội đô luôn rơi vào tình trạng quá tải giờ cao điểm. Vào các ngày cuối tuần, các tuyến đường như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13 và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP HCM- Trung Lương... cũng ùn ứ.
Vẫn theo lãnh đạo Sở GTVT TP HCM, tình trạng ùn tắc giao thông khiến địa phương này thiệt hại khoảng 6 tỷ USD mỗi năm. Đó là con số rất lớn. Tuy nhiên, để giải quyết, thành phố lại gặp nhiều vướng mắc.
Nói như Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thì thành phố đang triển khai đề án tổ chức lại giao thông công cộng nhưng “nếu làm theo từng tuyến mà làm rời rạc như thế thì đến năm 2045 cũng chưa xong, mà có xong cũng không phát huy được”.
Chính vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu cao về việc phát triển các dự án giao thông tại TP HCM, đặc biệt là những dự án lớn không chỉ kết nối TP HCM với các địa phương, mà còn giảm áp lực giao thông đô thị. Đáng chú ý, nguồn vốn Trung ương cũng như nguồn vốn của TP HCM là dồi dào, nhưng thời gian qua chậm được đưa vào sử dụng hiệu quả, dẫn đến tình trạng bất cập của cả hệ thống, từ hàng không, đường sắt, đường thủy, mà nhất là đường bộ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, nhưng cũng chính vì thế mà cần tích cực tháo gỡ, hóa giải để đẩy nhanh tiến độ. Phía TP HCM tích cực, các bộ ngành liên quan cũng phải tích cực, cần hợp tác chặt chẽ trên tinh thần “TP HCM vì cả nước, cả nước vì TP HCM”. Nói như người đứng đầu Chính phủ là phải quyết liệt vào cuộc, không lòng vòng.
Khối lượng công việc rất lớn, nếu không khẩn trương, quyết liệt thì sẽ dẫn đến lãng phí, tiêu cực và quan trọng nhất là TP HCM cùng các tỉnh thành phía Nam sẽ bị hao giảm động lực phát triển, người dân sẽ tiếp tục phải chịu đựng cảnh ùn tắc, chen chúc trên đường.