Gỡ nút thắt năng suất lao động

Lê Bảo 26/09/2023 07:10

Mặc dù các chính sách của Nhà nước tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế đã tác động tích cực đến tăng năng suất, thế nhưng các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng lao động cao nhưng mức năng suất còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như mong muốn…

Tăng năng suất lao động vẫn là bài toán khó.

Vì sao năng suất lao động thấp?

Ông Felix Weidencaff, chuyên gia về việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong 1 thập kỷ qua, tuy nhiên, so với các nước ASEAN hiện nay thì vẫn còn khoảng cách về năng suất, thấp hơn một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia.

Lý giải nguyên nhân khiến năng suất lao động Việt Nam thấp, TS Nguyễn Lê Hoa - Trưởng phòng Nghiên cứu năng suất (Viện Năng suất Việt Nam), cho rằng, có các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trên thực tế, tại Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này.

Theo bà Hoa, thời gian qua, mặc dù cũng có nhiều chính sách thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, như đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ sáng tạo, nhưng thực tế quá trình thực thi chính sách còn chậm; các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) chưa có sự tham gia tích cực từ phía DN.

Cũng nhận diện về những thách thức trong tăng năng suất lao động của Việt Nam, ông Jonathan Pincus - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam là nước thu nhập trung bình đạt được tăng trưởng đáng ngưỡng mộ trong một thời gian, nhưng vấn đề đặt ra là liệu chúng ta có rơi vào bẫy thu nhập trung bình như các nước hay không?

Ông Pincus dẫn câu chuyện tại Thái Lan và Malaysia đạt được mức tăng trưởng năng suất ấn tượng là 5,6-16,3% mỗi năm giai đoạn 1989-1999. Tuy nhiên, tốc độ chững lại đáng kể từ sau thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á.

"Rất khó để một quốc gia có thể tăng trưởng năng suất nhanh trong một giai đoạn dài, đó chính là bẫy năng suất trung bình" - ông Pincus gọi đây là mối đe dọa lớn.

“Hiện Việt Nam đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển là rất thấp ở khu vực công, các viện nghiên cứu tư nhân cũng chưa được khuyến khích phát triển. Điều này là do các DN tư nhân xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp FDI, DN đa quốc gia, còn DN trong nước chủ yếu là DN nhỏ và vừa thì khó có thể có đủ nguồn lực cho nghiên cứu phát triển” - ông Pincus nhấn mạnh.

Giải pháp nào gỡ nút thắt?

Thực tế, dù năng suất lao động của Việt Nam trong những năm gần đây đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực, song vẫn thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến nay, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn Singapore gần 15 lần (gần 30 năm trước là hơn 29 lần), thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam cũng ở mức rất thấp, gần như ở cận dưới, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần).

Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước có trình độ phát triển hơn là khá lớn. Từ thực tế trên các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn.

“Chuyển đổi, phát triển kinh tế bền vững và chuyển đổi việc làm, tăng năng suất lao động cần đi đôi với nhau. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế và chính sách của thị trường lao động để giải quyết những thách thức” - ông Felix Weidencaff gợi mở.

Để hiện thực hóa được tăng năng suất lao động, chuyên gia ILO cho rằng, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực và tăng cường việc làm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế tri thức, công nghệ và công nghiệp 4.0, cùng với đó, thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả. Đồng thời, tăng năng suất và việc làm bền vững, đặc biệt tập trung vào các DN vừa và nhỏ…

Đồng quan điểm, chuyên gia UNDP cũng cho rằng, trong bối cảnh các DN hứng thú với đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng tái tạo, Việt Nam cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để tận dụng cơ hội đó. Cần có một cú hích lớn về khoa học và công nghệ, để nâng cấp được năng lực của mình. Việt Nam cũng có nhiều du học sinh du học ở các nước phát triển, nhiều nhân tài khoa học công nghệ cần được khuyến khích trở về các viện nghiên cứu, trường đại học ở Việt Nam để tận dụng được nguồn vốn nhân lực này.

Theo TS Nguyễn Lê Hoa - Trưởng phòng Nghiên cứu năng suất (Viện Năng suất Việt Nam), để gỡ nút thắt về năng suất lao động cần tập trung vào liên kết phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để xây dựng các chính sách đồng bộ và xuyên suốt; tạo điều kiện thúc đẩy nguồn lực và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò trong việc tăng năng suất lao động. Đặc biệt, cần tăng năng lực thực thi chính sách thúc đẩy năng suất, tập trung vào ngành đóng góp giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ nút thắt năng suất lao động