Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vào chương trình nghị sự. Sau gần 17 năm (thông qua 29/11/2005) thực hiện, luật đã tạo hành lang pháp lý để phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đóng góp quan trọng cho sự phát triển về kinh tế - xã hội.
1.Microsoft đã từng công bố một nghiên cứu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trước và sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát: 74% nhà quản lý doanh nghiệp cho rằng, đổi mới là bắt buộc và đóng vai trò quan trọng với khả năng chống chịu của doanh nghiệp.
Có tới 98% các doanh nghiệp tiên phong trong quá trình đổi mới, đều tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường. Một trong những đổi mới ấy chính là việc nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số; thực hiện các cuộc đàm phán kinh doanh, tìm kiếm đối tác và thậm chí là cả giao dịch trên nền tảng số, nhằm tiết kiệm nhân lực, vật lực.
Ở Việt Nam, chuyển đổi số được nhắc nhiều kể từ năm 2018 và tăng tốc mạnh hơn sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia vào ngày 3/6/2020. Còn nhớ phát biểu tại Diễn đàn cấp cao lần thứ ba về công nghiệp 4.0, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta cần có tầm nhìn, hành động và giải pháp đặc biệt, phù hợp, linh hoạt, tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
Vào thời điểm đó, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, chủ động chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, để tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Thủ tướng đánh giá các ý kiến đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là đổi mới sáng tạo, lấy kỷ nguyên số, chuyển đổi số, xã hội số làm động lực mới cho sự phát triển. Liên quan tới chuyển đổi số, Thủ tướng cho rằng muốn phát triển chuyển đổi số, công nghệ số thì phải có xã hội số, công dân số.
2.Mới đây, trong Phiên họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhằm sơ kết 6 tháng đầu năm 2022, Thủ tướng đánh giá tiến trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số trở thành đòi hỏi cấp thiết để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, chuyển đổi số tiếp tục là công tác trọng tâm, góp phần quan trọng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng.
Thủ tướng cũng khẳng định, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra cho chúng ta phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất.
3.Trên nền cải cách mạnh mẽ liên quan đến chuyển đổi số, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vào chương trình nghị sự. Sau gần 17 năm thực hiện, luật đã tạo hành lang pháp lý để phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đóng góp quan trọng cho sự phát triển về kinh tế - xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhiều nội dung chưa bao quát thực tiễn và sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin và truyền thông, có nội dung còn gây cản trở cho sự phát triển, nhiều nội dung quan trọng liên quan đến giao dịch điện tử ở các văn bản dưới luật chưa được luật hóa. Việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử vì thế là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Theo giải trình của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng một Việt Nam số, nếu làm không tốt, đặc biệt là nếu vi phạm những nguyên tắc căn bản của môi trường số hoặc là không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi và không tính đến bối cảnh Việt Nam thì nó có thể là vật cản cho sự phát triển số ở Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, qua 17 năm thực hiện, Luật Giao dịch điện tử đã được nhiều bộ, ngành áp dụng. Luật này tạo ra các thành tố số cơ bản để tạo cơ sở pháp lý chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số và giúp cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc chuyển đổi các giao dịch trong thế giới thực đã được luật pháp hiện hành quy định trong lĩnh vực của mình lên môi trường số mà không cần xây dựng thêm các bộ luật mới riêng cho môi trường số.
“Dù là luật phức tạp, khó nhưng lại có thuận lợi là nhiều nước đã đi trước chúng ta khá lâu, kinh tế số của họ hiện nay đã ở mức 50-60% nền kinh tế, trong khi ở Việt Nam chúng ta mới là 12%, cho nên có thể tham khảo và học hỏi được khá nhiều”, tư lệnh ngành thông tin và truyền thông nói.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu, hiện nay việc thể chế hóa và thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường mạng còn hạn chế; hoạt động liên quan tới chia sẻ dữ liệu, mở dữ liệu trong cơ quan nhà nước cũng chưa được thực hiện đồng bộ.
Vậy thì, Luật Giao dịch điện tử cần quan tâm những vấn đề nào? Và học được gì từ kinh nghiệm quốc tế, khi mà 158 nước đã có. Bây giờ đi sau thì ta học những gì nếu không "mãi mãi ta vẫn là người đến sau" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề.
4.Trở lại với cơ sở của việc sửa dự án Luật Giao dịch điện tử, có thể thấy, việc đẩy mạnh giao dịch điện tử đối với khu vực Đông Nam Á đang có dư địa lớn khi mà số người dùng internet ở khu vực này chiếm hơn 2/3 tổng dân số khu vực. Đông Nam Á cũng là khu vực có dân số trẻ với tỷ lệ cao. Từ năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này cao hơn 2% so với mức chung của thế giới.
Một trong những yếu tố thúc đẩy thương mại điện tử phát triển chính là thanh toán kỹ thuật số (Digital Payment) thì khu vực này cũng đang hình thành hệ sinh thái dịch vụ tài chính số với chuyển tiền số, tín dụng số, đầu tư số và bảo hiểm số…
Nó cho thấy một sự chuyển đổi mạnh mẽ và sự ra đời nhanh chóng của các công nghệ và dịch vụ tài chính mới, giúp cho hệ thống tài chính - ngân hàng khu vực đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn khi tăng cường khả năng tiếp cận tới người chưa có tài khoản và người có hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Còn trên thế giới các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán thẻ, thanh toán qua di dộng, thanh toán qua internet hay ví điện tử, đang trở thành xu thế thanh toán chủ đạo được người dân lựa chọn và được kỳ vọng sẽ vượt quá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Điều này có nghĩa là, cứ 2 USD thanh toán trong nền kinh tế thì gần 1 USD sẽ thực hiện qua các kênh thanh toán điện tử.
Từ thực tế thấy, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử đã rất cấp bách. Vấn đề là, học hỏi kinh nghiệm, “gạn đục khơi trong” để chúng ta xây dựng được một hành lang pháp lý đủ tốt để phát triển giao dịch điện tử và đủ mạnh. Đồng thời quản lý chặt chẽ, không cho các đối tượng xấu lợi dụng giao dịch điện tử để gian lận, từ đó góp phần làm lành mạnh hóa thị trường và phát triển kinh tế- xã hội.
Luật Giao dịch điện tử được ban hành năm 2005. Trong 17 năm triển khai thực hiện, hiện có 141 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực liên quan đến Luật, bao gồm: 26 luật, 29 nghị định, 57 thông tư, 29 quyết định các cấp và 9 điều ước quốc tế (6 hiệp định, 3 công ước). Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ ngày 29/4/2022 và đã nhận được 95 văn bản ý kiến góp ý với hơn 900 ý kiến góp ý cụ thể.