Ngày 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Cơ chế tự chủ đại học vẫn là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu, cũng như tìm ra giải pháp để tháo gỡ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Quang Vinh.
Bộ máy chồng bộ máy
Mở đầu phiên thảo luận trước ý kiến băn khoăn về mô hình tổ chức của đại học quốc gia, đại học vùng, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết: Việc thành lập các đại học quốc gia, đại học vùng được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết của Đảng. Trên thế giới, mô hình này không phải là mới và cũng đang là xu hướng phát triển nhằm hình thành các hệ thống đại học liên ngành, tạo sức mạnh tổng hợp để giải quyết những nhiệm vụ, yêu cầu mới về phát triển khoa học và công nghệ và cạnh tranh thế giới.
Theo ông Bình, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, mô hình hai Đại học quốc gia đã ổn định và mang lại kết quả nhất định cả về chuyên môn, khoa học lẫn quản lý, đi đầu trong hệ thống giáo dục đào tạo với việc có mặt trong danh sách 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới. Những vấn đề tồn tại của các đại học vùng hiện nay có nguyên nhân chủ yếu là do chính sách và cơ chế quản lý chưa phù hợp. Vì vậy, Dự thảo Luật quy định hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở này tự chủ, tự quyết định cơ chế quản lý, phát huy thế mạnh của tổ hợp các trường đại học mạnh. “Trên cơ sở kế thừa thực tiễn, bảo đảm giữ ổn định hệ thống, tránh gây xáo trộn không cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu cho giữ quy định như Dự thảo”-ông Bình cho hay.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, những vướng mắc mâu thuẫn trong tổ chức bộ máy vẫn chưa được giải quyết. Bất cập không phải tồn tại của đại học quốc gia hay đại học vùng mà chính là những bất cập trong tổ chức bộ máy của các cơ quan này. Đại học quốc gia bao gồm cả các trường đại học thành viên với bộ máy riêng dẫn đến “bộ máy chồng bộ máy”, tức là bộ máy đại học quốc gia như thế nào thì bộ máy các trường đại học thành viên cũng nguyên như thế. Từ đó gây lãng phí nguồn lực, cản trở sự phát triển trong khi đây là vấn đề mà nhiều lần chưa giải quyết được suốt 24 năm. Bộ máy chồng bộ máy đang triệt tiêu cả bộ máy, khiến chồng chéo. Nghị quyết 19 khóa XII về cải cách bộ máy và Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục cần phải được áp dụng để tinh giản biên chế. Từ đó mới giải quyết được tình trạng bộ máy chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực.
“Nếu giải quyết được vấn đề bộ máy, tài chính mỗi trường sẽ tiết kiệm được 120 tỷ đồng sau khi sắp xếp tổ chức lại. Bởi phân cấp khiến tài năng, năng lực đang bị phân tán. Do đó, nên sáp nhập các đại học thành viên trong đại học quốc gia thành đại học chuyên ngành, đa lĩnh vực. Những bất cập vướng mắc đã tồn tại quá dài, 25 năm nay. Do đó cần sửa đổi bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương và Nghị quyết 56 của Quốc hội. Việc tổ chức bộ máy 1 cấp sẽ giúp phát huy được tính hiệu quả”-ông Anh cho hay.
Cùng chung quan điểm, GS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Cần Thơ nhìn nhận, còn nhiều nội dung cần phải thay đổi trong tương lai, nhất là cơ chế tổ chức, bộ máy quản lý của đại học quốc gia và đại học vùng cần tinh gọn, hài hoà với bộ máy của các trường thành viên, tăng tính liên kết và tự chủ của các trường thành viên.
Cơ chế để tự chủ
Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm chính là quy định cơ chế bảo đảm thực hiện tự chủ thông qua việc xác định rõ về thiết chế hội đồng trường, phân định mối quan hệ giữa hội đồng trường với Hiệu trưởng, đồng thời tăng cường quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học về chuyên môn học thuật, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản.
Trước ý kiến của ĐBQH, ông Phan Thanh Bình cho biết: Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giải thích rõ khái niệm tự chủ; quy định điều kiện, yêu cầu để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản; chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ; quy định rõ khái niệm trách nhiệm giải trình và các nội dung về chất lượng, học phí, kết quả kiểm toán mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan.
Nhấn mạnh thời gian qua việc tự chủ nhưng khống chế học phí, dẫn đến một số trường khó tự chủ, ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa- Vũng Tàu) đã nhấn mạnh đến tự chủ học thuật là mục tiêu phát triển; tự chủ tài chính là động lực phát triển; tự chủ nhân sự là nền tảng phát triển của nhà trường. Và theo ông, tự chủ không có nghĩa là buông để các trường tự bơi, mà tự chủ là nhà nước có đầu tư và rút dần dần. “Vừa rồi thí điểm cho một số trường tự chủ tài chính, trường đó nâng học phí dịch vụ lên thì nhiều cử tri than phiền, giá học phí quá cao. Câu chuyện đang bàn ở đây, trước đây sợ giá cao quá nên khống chế mức trần, bây giờ bung cho lên thì cần có lộ trình tự chủ”-ông Tuấn cho hay.
Trong khi đó, ĐB Lê Quang Trí (Tây Ninh) cho rằng, để đảm bảo việc xếp hạng minh bạch, khách quan, trung thực, cần nghiên cứu, bổ sung quy định về các tổ chức xếp hạng như điều kiện thành lập, tiêu chí, tiêu chuẩn xếp hạng, trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức này. “Vì nếu các tổ chức xếp hạng này không trung thực, không khách quan thì ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các cơ sở giáo dục đại học cũng như quyết định chọn trường của sinh viên”-ông Trí phân trần.
Với tâm tư của một người thầy giáo và từng là Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, ĐB Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong văn bản có đề cập đến một số chủ sở hữu nhưng không có định nghĩa. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, chủ sở hữu tức là có vốn, có quyền thành lập, quyền đầu tư, quyền quyết định nhân sự và xử lý chế tài khi vi phạm pháp luật. “Nếu không làm rõ thì sẽ thấy rằng các trường đại học như không có chủ, rất nguy hiểm. Không thể có đại học vô chủ. Mà người chủ phải làm đúng các quyền của mình”-ĐB Nguyễn Thiện Nhân đề nghị điều chỉnh điều này, đồng thời cho rằng, trong Dự thảo Luật nêu rất rõ Hội đồng trường công lập là tổ chức đại diện cho quyền chủ sở hữu nhà nước. Nhưng chủ sở hữu nhà nước là ai thì trong Luật chưa rõ. Do đó cần phải xác định, ai là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để họ còn quản lý, giám sát.