Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) nhìn nhận: Chuyển đổi số đã được doanh nghiệp quan tâm vài năm trở lại đây. Khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì quá trình chuyển đổi số càng ngày càng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên cũng có một số rào cản cần sớm tháo gỡ.
PV:Thưa ông, trong cuộc đua hướng tới số hóa của các doanh nghiệp nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 vừa qua có sự thay đổi ra sao?
Ông Mạc Quốc Anh: Doanh nghiệp đã thấy rằng, khi chuyển đổi số sẽ có sức chống chịu tốt hơn, từ đó tận dụng những cơ hội mà nền kinh tế số mang lại để nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tăng tốc và phát triển.
Tự bản thân doanh nghiệp nhận thấy rằng trong bối cảnh công nghệ 4.0, Covid-19 thì không thể không chuyển đổi. Trước đây chỉ có 30-40% doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi số thì nay tỷ lệ này nâng lên 90%.
Điều tốt hơn nữa là chuyển đổi số ở nhiều tầng, từ thượng tầng tới trung tầng, hạ tầng. Đơn giản như, nhiều doanh nghiệp nghĩ hiện đại hóa máy móc, không làm việc chân tay nữa là đã chuyển đổi số thì nay nhận thức chuyển đổi số còn ở cấp lãnh đạo, cấp quản lý.
Họ đã đưa ra chương trình, mục tiêu cụ thể để hành động. Chính doanh nghiệp cũng hiểu rằng việc chuyển đổi số tác động đến tất cả các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp và trong cuộc đua hướng tới số hóa, chỉ những doanh nghiệp có thể thích nghi và chủ động, tích cực nhất mới có thể tồn tại và phát triển.
Theo ông, đâu là những rào cản trong quá trình chuyển đổi số?
- Các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số vào hàng loạt vấn đề như kinh doanh, mua hàng, bán hàng, quản trị nội bộ, logistics và marketing. Trong đó có sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, thanh toán điện tử, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ, kho hàng... Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số, thiết bị IoT, robot, dây chuyền tự động hóa hay hệ thống điều hành sản xuất còn rất yếu vì đây là lĩnh vực còn mới và chưa được quan tâm nghiên cứu, đầu tư đúng mức.
Nguyên nhân một phần bởi việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa còn có nhiều hạn chế khi chi phí cao, thiếu cơ sở hạ tầng, tập quán kinh doanh, trong việc tích hợp các công cụ công nghệ thông tin vào nền tảng dữ liệu cũ...
Do đó, chuyển đổi số thì con người cũng phải đồng bộ về kiến thức, phải có người vận hành. Trong khi trình độ kỹ thuật của người lao động tại doanh nghiệp hiện nay vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Và quan trọng hơn, chúng ta đang thiếu sự đồng bộ về công nghệ hạ tầng, về đối tác, các chính sách của cơ quan quản lý nhà nước.
Doanh nghiệp muốn số hóa, chuyển đổi số mà khi làm thủ tục hành chính, cơ quan nhà nước vẫn theo cách truyền thống thì không được.
Vậy, để chuyển đổi số thành công, cần có những giải pháp gì?
- Dù chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp nhưng các ứng dụng chuyển đổi số, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ phải đồng nhất, giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay khi xảy ra và sự vận hành không bị tắc nghẽn.
Nhìn rộng ra, để chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn và có sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp. Việt Nam là thị trường lớn cho áp dụng ứng dụng nền tảng số của Việt Nam. Vấn đề là các doanh nghiệp công nghệ số phải nắm bắt nhu cầu, giới thiệu được những tiện ích để họ tham gia bên cạnh sự tuyên truyền và chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Trân trọng cảm ơn ông!