Được thực thi từ ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã và đang bộc lộ nhiều cơ hội phát triển, xuất khẩu hàng hóa cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ cơ hội, các DN Việt còn đối diện với không ít thách thức. Đặc biệt đối với khu vực DN nhỏ và vừa, thách thức lớn nhất đối với họ là các rào cản kỹ thuật được đưa ra trong Hiệp định này.
Doanh nghiệp thiếu kỹ năng khi tiếp cận thị trường
Nói về EVFTA, lãnh đạo Bộ Công thương từng nhấn mạnh, ngay trong vòng 7 năm đầu tiên khi thực thi Hiệp định, việc cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam sang EU lên tới 97%. Nhờ vậy, điều kiện và năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn nhiều trong bối cảnh toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đơn phương trong các quan hệ thương mại.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công thương cũng nêu lên khuyến nghị, trong quá trình thực thi các FTA từ trước tới nay, có nhiều vấn đề mà cộng đồng DN nhỏ và vừa cần rút kinh nghiệm. Điển hình như khả năng tiếp cận, nắm bắt về khía cạnh thông tin pháp luật, nội dung cam kết trong các hiệp định cho tới quá trình thực thi...
Thực tế khi EVFTA chính thức được thực thi từ ngày 1/8/2020 đến nay, đã bộc lộ những vấn đề như Bộ Công thương đã nêu lên trước đó. Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, Việt Nam là một trong ít các quốc gia có tới 14 hiệp định thương mại tự do nhưng việc tiếp cận các hiệp định này còn tương đối hạn chế. “Nguyên nhân là các hàng rào phi thuế quan và các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu các bên còn tương đối phức tạp, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp” - ông Thân chia sẻ.
Theo vị Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, những rào cản mà các DN này phải đối mặt trong EVFTA chính là các quy định, quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn gốc xuất xứ, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa... Trong khi đó, phía các DN cũng chưa được chuẩn bị đầy đủ các kiến thức cũng như kỹ năng trong việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, bên cạnh đó, nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh cũng là một điểm nghẽn khiến cho mục tiêu hướng đến chinh phục thị trường EU của các DN nhỏ và vừa bị hạn chế.
Tìm cách tháo gỡ
Nói về thực tế hiện nay của cộng đồng DN nhỏ và vừa trước những cơ hội mà EVFTA mang lại, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng chia sẻ rằng, các DN Việt vẫn còn đang khó khăn khi tham gia vào thuế giá trị khu vực và toàn cầu do năng lực cạnh tranh hạn chế. Và nguyên nhân chính nằm ở việc, chủ yếu các DN quy mô nhỏ nên gặp vấn đề trong huy động nguồn lực, chưa có chiến lược đầu tư dài hạn và chưa dám mạo hiểm đầu tư phát triển.
Thứ hai, các doanh nghiệp nước ta còn hạn chế trong việc hợp tác để trở thành những đối tác lâu dài hướng tới mục tiêu phát triển chung. Và nguyên nhân thứ ba đó là, tầm nhìn của các DN nhỏ và vừa còn ngắn hạn, sự liên kết trong khu vực còn rời rạc làm giảm hiệu quả xuất khẩu.
Nhằm giải tỏa những điểm nghẽn nói trên giúp cộng đồng DN nhỏ và vừa có thể nắm bắt những cơ hội từ các FTA, đặc biệt là EVFTA, Chủ tịch Hiệp hội DN nhò và vừa kiến nghị các bộ Công thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và triển khai cơ chế một cửa quốc gia nhằm tạo môi trường thuận lợi thông thoáng cho DN trong hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu.
Cũng khẳng định, việc thiếu thông tin thị trường, yếu vốn... là những nguyên nhân khiến cộng đồng DN nhỏ và vừa Việt Nam khó có thể tiếp cận và nắm bắt các cơ hội từ các EVFTA, ông Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, để giải tỏa những điểm nghẽn này, Chính phủ Việt Nam cần tăng nguồn lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất cho vay ưu đãi để triển khai các dự án EVFTA. “EVFTA nên trao thêm nhiều cơ hội cho các DN nhỏ và vừa và các DN nhỏ và vừa nên sử dụng công cụ này một cách hiệu quả nhất”, vị này chia sẻ đồng thời bày tỏ quan điểm, thông qua hiệp định này sẽ cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam cho cả DN châu Âu và Việt Nam.