Gỡ rào cản kinh tế nông thôn

Hải Nhi 24/11/2020 09:00

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, để phát huy lợi thế ngành nghề nông thôn, cần phát huy năng lực lao động nông thôn, nhất là các nghệ nhân, đồng thời khơi dậy truyền thống văn hóa làng nghề...

Gốm sứ vẫn lạc quan trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 52 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Tại Hội nghị, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn hiện nay đạt 236.200 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ đồng (20,5%) so với năm 2017. Mức độ tăng trưởng xuất khẩu trong những năm qua cũng đạt khá cao, đạt bình quân khoảng 10%/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của riêng hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, tăng 0,6 tỷ USD so với năm 2017.

Đáng chú ý, dù trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19 nhưng 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gốm sứ vẫn đạt 309 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó sản phẩm mây tre cói thảm, sản phẩm thêu, dệt thủ công cũng đạt tương ứng là 250 triệu USD và 90 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Tuy nhiên, báo cáo đánh giá của Bộ NNPTNT cũng cho thấy, cơ sở hạ tầng của làng nghề còn yếu, các cơ sở sản xuất khi chuyển vào khu công nghiệp phải chịu tiền thuê đất, thuế đất bằng với các doanh nghiệp công nghiệp. Nguy cơ thiếu nguyên liệu do các vùng nguyên liệu chưa được quy hoạch bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác, do tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Mặt khác, việc tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng còn hạn chế, lãi suất vay còn cao, thời hạn vay ngắn nên không đáp ứng được yêu cầu sản xuất...

Còn theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, đến năm 2020, thu nhập bình quân của người dân vùng nông thôn đã tăng 2,5 lần so với năm 2009. Năm 2018, triển khai đề án phát triển các sản phẩm OCOP, phấn đấu đến năm 2020 có 2.400 sản phẩm ở khu vực nông thôn. Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 55, thúc đẩy phát triển 7 nhóm ngành nghề lớn trong hệ sinh thái kinh tế nông thôn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, 10 năm trở lại đây, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta đã đầu tư 30 triệu tỷ đồng để phát triển thiết chế hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất. Từ đó hoàn thiện khối lượng khổng lồ về cơ sở hạ tầng. Năm 2019, thu nhập của người dân nông thôn đạt bình quân 43 triệu đồng/năm, cao gấp 4 lần so với năm 2009.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, các ngành nghề nông thôn vẫn là lợi thế cần tận dụng, vì thông qua đây mới tạo công ăn việc làm, giữ gìn bản sắc và xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Để làm được điều đó, cần khơi dậy bàn tay khối óc của lao động nông thôn, nhất là các nghệ nhân, đồng thời khơi dậy truyền thống văn hóa làng nghề. Có thể thấy qua 2 năm ban hành Nghị định số 52, cùng với đà phát triển của đất nước, của chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP, đời sống của người dân nông thôn đã được nâng cao rõ rệt.

Tuy vậy, ông Cường cũng nêu thực tế, hiệu quả ở khu vực kinh tế nông thôn vẫn thấp, đời sống một bộ phận bà con vẫn khó khăn. Dù đã có 60% tổng số xã của cả nước đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, nhưng môi trường chưa sạch. Sản phẩm của bà con làm ra phần lớn không theo chuỗi giá trị, công ăn việc làm chưa được đảm bảo.

“Do đó, cần chỉ rõ đâu là trách nhiệm của các tỉnh phải làm, đâu là vướng mắc mà Bộ NNPTNT cần tiếp thu để báo cáo Chính phủ, đâu là rào cản ngăn sự vươn lên của các doanh nghiệp, doanh nhân, HTX và người dân trong phát triển làng nghề” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Hiện cả nước có trên 817.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn. Tổng số lao động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn trên 2,3 triệu lao động, tăng 300.000 lao động so với năm 2017 (tăng 15%). Trong đó số lao động thường xuyên chiếm 75%, lao động thời vụ chiếm 25%. Thu nhập bình quân của lao động đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng, cao gấp hơn 2 lần lao động thuần nông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ rào cản kinh tế nông thôn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO