Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thương mại điện tử và kinh tế số tăng trưởng chưa từng có tiền lệ. Ở Việt Nam, nền kinh tế số ước đạt 21 tỷ USD trong năm 2021. Đặc biệt, tăng trưởng mạnh của lĩnh vực thương mại điện tử trong đại dịch Covid-19 đã giúp quy mô nền kinh tế số ước tính tăng 31%... Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia Đông Nam Á khác, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam thuộc loại thấp.
Thêm 8 triệu người tiêu dùng mới
Google vừa công bố: Năm 2021, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam ước tính tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử (TMĐT) so với cùng kỳ năm ngoái dù thị trường du lịch trực tuyến đang thu hẹp.
Cụ thể, đóng góp đáng kể cho mức tăng của Việt Nam, được đề cập trong báo cáo, đến từ lĩnh vực TMĐT, tăng tương ứng khoảng 5 tỷ USD so với năm ngoái, tương ứng mức tăng CAGR (tốc độ tăng trưởng hàng năm kép) lên đến 53%. Tương tự, nhiều lĩnh vực khác cũng tăng trưởng đáng kể, như ngành vận tải và thực phẩm tăng 35% (trị giá 2,4 tỷ USD), lĩnh vực nội dung số (nghe nhìn trực tuyến) tăng 30%, (trị giá 3,9 tỷ USD)…
Sự tăng đáng kể của các lĩnh vực này đã bù đắp cho sự thu hẹp của lĩnh vực du lịch trực tuyến, giảm đến 45% với GMV (tổng giá trị giao dịch) chỉ còn khoảng 1,4 tỷ USD. Dự kiến vào năm 2025, toàn bộ nền kinh tế số của Việt Nam ước đạt 57 tỷ USD, với CAGR khoảng 29%.
Đáng chú ý, báo cáo cũng ước tính đến thời điểm nửa đầu 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với hơn một nửa trong số đó đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. Người tiêu dùng kỹ thuật số trước đại dịch trung bình đã sử dụng thêm 4 dịch vụ kỹ thuật số kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu…
Báo cáo của Google được công bố dựa trên nền tảng khảo sát với khoảng 9.400 người/doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 vừa qua tại Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng như với khoảng 3.000 nhà kinh doanh khắp khu vực trong tháng 8.
Cú hích cho lĩnh vực thương mại điện tử
Riêng ở lĩnh vực TMĐT, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, đại dịch bùng phát nhưng chưa có thời điểm nào TMĐT lại phát triển mạnh mẽ đến thế. Dịch Covid-19 đẩy tiến độ phát triển ứng dụng TMĐT từ người bán đến người mua nhanh hơn, rút ngắn xuống từ 1-2 năm so với kế hoạch đến năm 2025.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, từ 2016 đến nay, doanh số TMĐT tăng bình quân 25-30%/năm. Và thời gian tới sau đại dịch sẽ là một bức tranh hoàn toàn thay đổi. Dự kiến đến 2025, doanh thu từ giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng qua các phương tiện điện tử (B2C) là 35 tỷ USD, chiếm 10% doanh số bán lẻ cả nước trong một năm.
Đến năm 2025 tăng trưởng trung bình 24%/năm. Ước tính mua sắm trực tuyến năm 2020 đạt 240 USD/người/năm thì đến 2025 sẽ là 600 USD/năm.
Và đặc trưng nền kinh tế với các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ còn chiếm phần lớn. Các hộ kinh doanh này thường tồn tại dưới các dạng là các cửa hàng, cửa hiệu, shop bán hàng, quán cà phê, nhà xưởng, quán ăn...
Đại diện DN, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam đề xuất: cần có chính sách thúc đẩy TMĐT để các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hay DN nhỏ và vừa có thể tham gia nhanh nhất vào làn sóng TMĐT, vì đây là đối tượng huyết mạch đi len lỏi rất sâu vào môi trường phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dùng tại Việt Nam. Do đó cần ưu tiên hỗ trợ cho những đối tượng kinh doanh truyền thống này, để họ không bị bỏ lại trong cuộc đua về kinh tế số và TMĐT ở Việt Nam.
Mặt khác, cần có cơ chế chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, bởi đây là đòn bẩy phát triển nền kinh tế số trong đại dịch. Số liệu của Grab cho thấy có đến 45% người dùng Grab sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Tháng 8/2020, số lượng người lần đầu tiên tiếp xúc thanh toán không tiền mặt trong các dịch vụ trên Grab đã tăng tới 30%. Đây là minh chứng cho thấy tiềm năng và tốc độ phát triển của lĩnh vực kinh tế số ở Việt Nam.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, từ 2016 đến nay, doanh số TMĐT tăng bình quân 25-30%/năm. Và thời gian tới sau đại dịch sẽ là một bức tranh hoàn toàn thay đổi. Dự kiến đến 2025, doanh thu từ giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng qua các phương tiện điện tử (B2C) là 35 tỷ USD, chiếm 10% doanh số bán lẻ cả nước trong một năm. Đến năm 2025 tăng trưởng trung bình 24%/năm. Ước tính mua sắm trực tuyến năm 2020 đạt 240 USD/người/năm thì đến 2025 sẽ là 600 USD/năm.
Cùng tìm giải pháp
Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia Đông Nam Á khác được đề cập trong báo cáo, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam thuộc loại thấp nhất, có thể thấy Indonesia (49%), Singapore (35%), Malaysia (47%), Thái Lan (51%), Philippines (93%). Còn nếu so về quy mô giá trị, Việt Nam đang xếp sau Indonesia và Thái Lan, nhưng Malaysia cũng đã rút ngắn khoảng cách đáng kể.
Do vậy, giải pháp nào để thúc đẩy hoạt động kinh tế số là vấn đề đặt ra.
Thực tế cho thấy, mặc dù hoạt động kinh tế số tại Việt Nam đang phát triển mạnh, nhất là trong những lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), viễn thông, sản xuất máy tính và đồ điện tử, các dịch vụ công nghệ thông tin, nhưng vẫn còn đối diện với hạn chế như: môi trường thể chế và pháp lý còn yếu, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ. Nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt.
Các hình thức kinh doanh mới phát triển nhanh làm cho các cơ quan quản lý nhà nước khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số... Đó là những rào cản đối với phát triển kinh tế số cần sớm được tháo gỡ”.
Theo TS Tô Trọng Hùng, Khoa Kinh tế phát triển (Học viện Chính sách và Phát triển): Cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số. Thành lập cơ quan thiết chế chuyên trách, có thẩm quyền, trách nhiệm cao trong việc phát triển kinh tế số, thông thường cơ quan này thường thuộc Chính phủ với sự tham gia, phối hợp của các bộ ngành có liên quan.
Nhà nước cần ban hành các nghị định về chia sẻ dữ liệu, xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân cũng như việc xử lý, giải quyết những tranh chấp, xung đột về hoạt động kinh doanh, thương mại và dân sự trên môi trường số.
TS Hùng cũng đề cập tới việc đẩy mạnh cải cách và số hóa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp, bao gồm việc xây dựng kết cấu hạ tầng dữ liệu quốc gia, xây dựng chiến lược quản trị số. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính như đơn giản hóa, số hóa, điện tử hóa, minh bạch hóa thông tin để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Tập trung vào việc phát triển chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử, giao dịch điện tử và thương mại điện tử. Yêu cầu các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương thiết lập trang web riêng, cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho công việc và đời sống của người dân.
Còn theo TS Bùi Thanh Tuấn, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (Bộ Công an), cần cơ cấu lại mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; sàng lọc, lựa chọn và phân loại cơ cấu đầu tư theo hướng không dễ dãi trong thu hút đầu tư, hướng tới các dự án đầu tư có chất lượng.
Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nền kinh tế kỹ thuật số là xu hướng phát triển tất yếu. Trên chặng đường kỹ thuật số, Việt Nam có lẽ mới đi được chừng một phần tư chặng đường, và còn khoảng trống lớn cần lấp đầy. Vì thế, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế số để trong vòng 10 đến 20 năm tới, để Việt Nam trở thành một quốc gia sử dụng kỹ thuật số.
Giải pháp đưa ra là trước hết, chúng ta phải có BIG DATA, một dữ liệu lớn là một hồ chứa tất cả dữ kiện của từng cá nhân, đoàn thể, doanh nghiệp, những dữ kiện của các cơ quan từ phương diện giáo dục đến sức khỏe, công ăn việc làm...
Bên cạnh đó, chúng ta sử dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý đất nước. Tất cả cơ quan ban, ngành, tổ chức Nhà nước phải có hệ thống công nghệ thông tin.
Để làm chủ nền kinh tế số, bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia quản trị cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam. Đó là đầu tư vào các yếu tố "nền móng" gồm: Con người, thể chế và công nghệ.
Theo đó, để nắm bắt cơ hội mà kinh tế số mang lại cần đầu tư năng lực số trong cơ quan nhà nước, xã hội, doanh nghiệp. Nâng cấp hoàn thiện thể chế thúc đẩy yếu tố sáng tạo và tận dụng năng lực tư nhân trong việc số hóa.
Để làm chủ nền kinh tế số, bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia quản trị cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam. Đó là đầu tư vào các yếu tố "nền móng" gồm: Con người, thể chế và công nghệ. Theo đó, để nắm bắt cơ hội mà kinh tế số mang lại cần đầu tư năng lực số trong cơ quan nhà nước, xã hội, doanh nghiệp. Nâng cấp hoàn thiện thể chế thúc đẩy yếu tố sáng tạo và tận dụng năng lực tư nhân trong việc số hóa.