Giới chuyên gia nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2018 muốn tăng trưởng cao, ngoài việc cải thiện môi trường, tháo gỡ khó khăn thì cơ quan quản lý cần tiếp tục gỡ bỏ rào cản thuế phí, tạo thêm cơ hội để doanh nghiệp sáng tạo, bứt phá.
Năm 2018, doanh nghiệp vẫn đối diện nhiều thách thức.
Hiện tại, theo thống kê, có khoảng 700 nghìn DN đang hoạt động, với trên 60% DN kinh doanh không có lãi.
Chịu nhiều áp lực
Theo nhận định, diễn biến kinh tế của chúng ta trong năm 2018 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới ít nhiều còn bất định; tự do hóa thương mại đa phương gặp nhiều thách thức.
Do xu hướng bảo hộ và cách tiếp cận thương mại song phương dần phổ biến, kể cả hành động trả đũa thương mại giữa các nền kinh tế lớn sẽ tạo ra những khó khăn hơn. Chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, khoa học công nghệ thay đổi từng ngày, nếu doanh nghiệp (DN) không chịu cải thiện về công nghệ, nâng cao ý tưởng sáng tạo thì nguy cơ tụt hậu càng lớn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, DN tư nhân cần được hỗ trợ nhiều nguồn lực hơn. Đại diện Công ty TMHH MTV Đông Xuân hoạt động trong lĩnh vực dệt may có quan điểm, khi hội nhập, theo nhìn nhận, cơ hội DN được mở ra nhưng đó chỉ dành cho DN có nội lực mạnh.
Còn hiện nay phần lớn DN dệt may vẫn gặp trở ngại ở công đoạn dệt, cần lượng vốn lớn. Ngoài ra DN rất lo lắng về nhân lực để quản trị nhà máy, làm sao có được con người không chỉ vận hành trơn tru mà hàng sản xuất ra còn phải thích ứng với việc thay đổi mẫu mã liên tục.
Hiện tạị, theo thống kê, nền kinh tế đang có khoảng 700 nghìn DN đang hoạt động, với trên 60% DN kinh doanh không có lãi. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây vì có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ kinh doanh; trình độ công nghệ, trình độ quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp.
Cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác. Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu. Nhiều DN tư nhân ngừng hoạt động, giải thể và phá sản.
Bỏ thói quen kinh doanh cảm tính
Tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra cuối tuần trước do Viện Nghiên cứu và quản lý trung ương (CIEM) tổ chức, TS Lê Đăng Doanh- nguyên Viện trưởng CIEM nêu thực trạng, nhiều DN cho biết, chi phí không chính thức mà DN phải bỏ ra không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên. Năm 2018 được đánh giá là năm bước ngoặt của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, đây là cơ hội, song cũng là thách thức rất lớn đối với Việt Nam.
Để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn trong năm 2018, theo ông Doanh, chúng ta cần tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí không chính thức cho khu vực DN. Cùng với đó, cần thúc đẩy nền kinh tế thị trường và khuyến khích khu vực DN đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện CIEM phân tích, DN đang có 2 cơ hội và 1 thách thức lớn. Cơ hội thứ nhất, thông điệp của Chính phủ rõ ràng là phát triển kinh tế tư nhân lấy nó làm động lực phát triển kinh tế, điều này thể hiện rất rõ trong các Nghị quyết. Nhưng cơ hội thứ 2 DN gián tiếp có được là tạo một môi trường kinh doanh giảm được thời gian, chi phí. Cơ hội kinh doanh cho DN tư nhân cũng sẽ tăng lên nhưng thách thức lớn nhất là khi môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ gia tăng sức cạnh tranh. Khi đó, chính bản thân DN cũng bị sức ép cạnh tranh, nếu không thay đổi sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi.
“DN tư nhân phải tự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình. Nhiệm vụ của DN nói ngắn gọn là phải tự đổi mới, chớp cơ hội từ tái cơ cấu nền kinh tế. Khả năng sáng tạo các sản phẩm mới của Việt Nam đang kém xa các nước khác trên thế giới. Việt Nam muốn gia nhập vị trí cao hơn trên thế giới thì không thể mãi mãi xin xỏ các DN nước ngoài liên kết, phải quên đi thói quen kinh doanh cảm tính. Để cạnh tranh không thể có cách nào khác phải nâng cao năng lực của mình bằng hoặc hơn đối thủ. Đây là điều mà các DN tư nhân phải làm để tồn tại”- ông Hiếu nhấn mạnh.