Trong số các dự án treo của TPHCM được đưa vào diện ưu tiên cấp vốn tiếp tục thi công, TP Thủ Đức chiếm phần lớn các dự án treo kéo dài trong nhiều năm, có dự án đã “phơi sương” 20 - 30 năm chưa tìm được giải pháp tháo gỡ.
Làm rõ nguyên nhân
Đây là vấn đề nhức nhối của TP Thủ Đức, trong khi vướng mắc lớn nhất vẫn là thiếu vốn và chưa hoàn thiện cơ sở pháp lý. Nếu tính chung trên toàn địa bàn Thủ Đức, hiện có hàng trăm dự án nhà ở với hơn 1.300ha đã triển khai hàng chục năm nhưng chưa hoàn thiện để bàn giao hạ tầng. Diện tích tại các dự án treo này lớn gấp nhiều lần diện tích một số quận trung tâm TPHCM.
Theo ghi nhận của phóng viên, dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, đến nay đã kéo dài hơn 20 năm do vướng các vấn đề pháp lý khiến TP Thủ Đức chưa thể chỉ đạo quyết liệt. Ngoài ra, còn có các dự án Khu nhà ở cán bộ, công nhân viên Đại học Bách khoa TPHCM (rộng khoảng 25ha, phường Phú Hữu), Dự án Khu liên hợp Thể dục Thể thao Quốc gia Rạch Chiếc (phường An Phú) và dự án 87ha tại phường An Phú...
Bà Trần Thị Chất (trú phường Phước Bình, TP Thủ Đức) cho biết, dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc kéo dài hơn 20 năm khiến người dân không thể sửa chữa, nâng cấp nhà cửa, muốn bán nhà, đất cũng không được giải quyết. “Người dân kiến nghị nhiều lần, qua nhiều cấp nhưng đều chỉ nhận được trả lời chung chung là đang giải quyết hoặc chuyển đơn đến các đơn vị liên quan. Người dân thì vẫn phải chờ” - bà Chất nói.
Tại khu quy hoạch rộng 87ha (phường An Phú, TP Thủ Đức) được triển khai từ năm 2001 đã qua liên tiếp 13 công ty thực hiện. Dù vậy, theo đại diện chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị, hiện nay dự án cũng đang vướng mặt bằng và pháp lý nên chưa thực hiện. Trong đó, hiện trạng đường Vũ Tông Phan (phường An Phú) đang bị rào chắn và đường Nguyễn Hoàng (phường An Phú, kết nối đường Lương Định Của và Xa lộ Hà Nội) chưa được mở rộng, khiến người dân gặp khó khăn khi di chuyển vào mùa mưa.
Không chỉ các dự án khu dân cư, khu đô thị bị quy hoạch treo, TP Thủ Đức cũng chiếm phần lớn các dự án hạ tầng đô thị và hạ tầng giao thông quy hoạch treo hàng chục năm nay chưa thể tháo gỡ.
Đơn cử, dự án cầu Nam Lý (khởi công từ tháng 10/2016), là tuyến giao thông huyết mạch nối quận 9 với quận 2 (nay là TP Thủ Đức) đi qua các cảng Phú Hữu và đường vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cũng bị treo nhiều năm do vướng mắc về mặt bằng và một số hộ dân chưa đồng ý phương án bồi thường để di dời.
Chính quyền TP Thủ Đức và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố tích cực vận động các hộ dân còn lại bàn giao mặt bằng cho dự án. Đến cuối tháng 3/2023, dự án cầu Nam Lý mới được tái khởi động, tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Sắc - đại diện hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này cho biết, điều kiện các hộ dân yêu cầu là TP Thủ Đức phải theo sát đôn đốc để dự án triển khai theo đúng cam kết, xóa tình trạng ùn ứ, kẹt xe và ngập nước triền miên tại khu vực này.
Giám sát quá trình “tái khởi động”
Khi được tái khởi động, chủ đầu tư dự án cầu Nam Lý (TP Thủ Đức) cam kết sẽ hoàn thành trong 14 tháng kể từ thời điểm triển khai thi công trở lại. Theo bà Bùi Thị Hồng Hà - Phó Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, dự án có quy mô 2,69ha, ảnh hưởng hơn 50 hộ dân và 3 tổ chức khác trong diện giải tỏa, di dời phục vụ dự án. Với nỗ lực vận động những hộ dân còn lại bàn giao mặt bằng, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 83%.
Tham gia vào quá trình này, TP Thủ Đức sẽ nỗ lực để bàn giao mặt bằng song song với tiến độ thi công. Dự kiến dự án này sẽ hoàn thành trong 14 tháng (quý II/2024). Đối với các Dự án Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc; Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (phường Phước Long A và phường Phước Bình) Chung cư C8, phường Tăng Nhơn Phú cũng được lãnh đạo TPHCM và TP Thủ Đức chỉ đạo sát sao để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
UBND TP Thủ Đức cũng đã chỉ đạo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng phối hợp với các phòng, ban, đơn vị chuyên môn xác định vị trí giáp ranh đất và diện tích được điều chỉnh theo bản đồ hiện trạng, số hộ dân bị ảnh hưởng để kẩn trương xây dựng phương án bố trí tái định cư tại chỗ, tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, chủ đầu tư các dự án được yêu cầu cam kết tiến độ và thời gian hoàn thành dự án để các cơ quan, ban, ngành và người dân tham gia giám sát, kiến nghị kịp thời giải quyết các tồn đọng hoặc vướng mắc phát sinh. UBND TPHCM cũng đã đề nghị tạm ngừng kế hoạch đầu tư công trung hạn nhều dự án, trong đó có 11/17 dự án tại TP Thủ Đức.
Theo ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, chính quyền thành phố luôn mong muốn các dự án trên địa bàn thực hiện và hoàn thành sớm nhất. Với 11 dự án đang đề nghị tạm dừng ở Thủ Đức do nguồn lực còn hạn chế và thành phố muốn dồn lực cho các dự án trọng điểm. Tuy nhiên, các dự án này chỉ dừng tạm thời trong năm nay và sẽ được tiếp tục xem xét để thực hiện trong các giai đoạn trung hạn tiếp theo.