Chiều tối ngày 8/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông tin một số kết quả nổi bật trong tháng 7 vừa qua. Đặc biệt là tình hình xử lý các vi phạm liên quan đến lĩnh vực thông.
Trong tháng 7/2023, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) tiếp tục thanh tra, kiểm tra các đối tượng sử dụng tần số nhằm đảm bảo sự chấp hành các quy định pháp luật về tần số. Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện và xử phạt 17 vụ vi phạm. Đồng thời đã kiểm soát, giải quyết nhiễu cho 108 Đài vô điện bị nhiễu (chủ yếu là trạm gốc di động); xử lý tổng số 49 nguồn gây nhiễu có hại (trong đó có 36 nguồn nhiễu là thiết bị trạm lặp thông tin di động, là các thiết bị người dân không được tự ý lắp đặt, sử dụng).
Công tác đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới luôn được tiến hành một cách tích cực. Trong đó, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (đạt tỷ lệ đáp ứng 90%); Google đã gỡ 1.052 videos vi phạm trên Youtube (đạt tỷ lệ đáp ứng 91%); TikTok đã gỡ bỏ 19 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (đạt tỷ lệ đáp ứng 90%).
Liên quan đến vấn đề quản lý sản phẩm thông qua nền tảng xuyên biên giới, ngày 4/8/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo phổ biến thông tư hướng dẫn Nghị định số 71/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Trong đó có nội dung quản lý sản phẩm văn hoá trên các nền tảng xuyên biên giới.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quản lý việc phân phối những sản phẩm văn hóa xuyên biên giới. Đặc biệt đối với các sản phẩm có chứa nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào đều không được chấp nhận.