Những năm gần đây, thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đẩy mạnh phát triển Công nghiệp quốc phòng. Viện Vũ khí, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, tham gia thực hiện nhiều đề án, chương trình khoa học lớn, trọng điểm về nghiên cứu phát triển các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) thế hệ mới cho quân đội ta.
Trong khu vực hầm bắn của Viện Vũ khí, nhiều loại vũ khí, đạn dược do cán bộ của Viện nghiên cứu, chế tạo được bắn thử nghiệm. Quá trình bắn thử nghiệm đều có trang thiết bị đo lường hiện đại để đo các thông số kỹ thuật của các loại vũ khí. Đại tá, TS Nguyễn Phúc Linh, Viện trưởng Viện Vũ khí cho biết: Nghiên cứu, phát triển vũ khí, đạn dược thế hệ mới yêu cầu hàm lượng khoa học rất cao. Nhiều chi tiết khó, đặc thù của vũ khí cũng đã là những công trình nghiên cứu khoa học rất phức tạp. Đối với ngành Công nghiệp quốc phòng nước ta, hiện nay, nền công nghệ vật liệu có những hạn chế nhất định.
Trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, thiết bị đo lường, thử nghiệm và hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất mặc dù đã được đầu tư cơ bản, đáp ứng yêu cầu sản xuất các loại VKTBKT có trong trang bị và một số loại VKTBKT thế hệ mới, tuy nhiên, đối với vũ khí công nghệ cao cần phải có bước tiến nhiều hơn nữa, bởi việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí còn gặp một số trở ngại, nhất là khó tiếp cận tri thức mới về khoa học công nghệ quân sự tiên tiến, hầu hết các nước chỉ hợp tác đào tạo, chuyển giao ở mức độ giới hạn...
Theo Đại tá, TS Nguyễn Phúc Linh, có những đề tài trọng điểm do Viện thực hiện được tiến hành qua hai giai đoạn. Riêng giai đoạn nghiên cứu công nghệ kéo dài tới vài năm, áp dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại, lần đầu được phát triển tại Việt Nam, trong khi nhóm nghiên cứu phải bắt đầu từ con số 0. Để hoàn thành nhiệm vụ thì phải vận dụng tốt kiến thức chuyên môn, phát huy khả năng ngoại ngữ và công nghệ thông tin để tìm kiếm, tra cứu thông tin cần thiết, rồi tham vấn ý kiến các chuyên gia đầu ngành. Quá trình nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn cao, đòi hỏi phải luôn cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác, khoa học...
Nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung giải quyết những khó khăn, 5 năm qua, Viện Vũ khí đã triển khai thực hiện gần 100 đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ về nghiên cứu thiết kế, chế tạo VKTBKT. Đến nay, đã có gần 70 đề tài, nhiệm vụ được hội đồng khoa học công nghệ các cấp đánh giá, nghiệm thu; trong đó có 97% số đề tài đã được áp dụng vào sản xuất hoặc đủ điều kiện đưa vào sản xuất loạt.
Nhiều sản phẩm VKTBKT thế hệ mới do Viện Vũ khí nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, phát triển Công nghiệp quốc phòng và từng bước hiện đại hóa quân đội, như: Vũ khí có điều khiển; tổ hợp súng và đạn chống tăng thế hệ mới; tổ hợp súng và đạn cháy; súng và đạn nhiệt áp; modul pháo nhiều nòng có tốc độ bắn lớn trên tàu hải quân; đạn pháo cho hải quân; đạn nhiễu cho các tàu chiến; đạn pháo tăng tầm theo nguyên lý mới; hệ đạn cối mẫu mới, hệ súng và đạn cối triệt âm; các loại súng, đạn bộ binh thế hệ mới; vũ khí hỏa lực trên xe thiết giáp; phần chiến đấu lắp cho phương tiện bay không người lái; các loại khí tài quan sát, ngắm bắn hỗn hợp ngày đêm...
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, Vũ Đức Dũng được phân công về Phòng Súng pháo (Viện Vũ khí) công tác. Đây là phòng chuyên nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và vật liệu mới để thiết kế, chế tạo, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa các loại súng, pháo, cối đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị.
Trung tá Vũ Đức Dũng chia sẻ: Xác định việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là khâu đột phá để nghiên cứu thiết kế, chế tạo các loại vũ khí thế hệ mới, Đảng ủy, chỉ huy Viện Vũ khí đã xây dựng kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, nhân viên bảo đảm khoa học, hiệu quả. Viện ưu tiên xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở các lĩnh vực nghiên cứu mới; kết hợp chặt chẽ các loại hình đào tạo, như: Đào tạo thông qua thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, giám sát thiết kế và bảo đảm kỹ thuật cho sản xuất quốc phòng; đi thực tế tại các nhà máy; cử đi đào tạo ở các nước có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến để xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành... Đến nay, 100% cán bộ nghiên cứu của Viện có trình độ đại học trở lên (trên 90% là tiến sĩ, thạc sĩ). Viện phát triển nhiều nhóm nghiên cứu mạnh trên một số lĩnh vực về nghiên cứu thiết kế, chế tạo các loại vũ khí thế hệ mới.
Những năm qua, Viện Vũ khí luôn bám sát định hướng nghiên cứu của cấp trên, đề xuất các sản phẩm nghiên cứu phù hợp với phương thức tác chiến, nhu cầu trang bị của quân đội và có tính khả thi cao. Trên cơ sở đó, Viện đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu nền kết hợp với nghiên cứu ứng dụng, tăng cường sự gắn kết giữa nghiên cứu thiết kế với sản xuất; hợp tác chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài quân đội để huy động tiềm lực khoa học công nghệ phục vụ cho công tác nghiên cứu của đơn vị nhằm sớm đưa các sản phẩm vào sản xuất, trang bị cho quân đội.