Văn kiện Đại hội Đảng bao gồm những tuyên bố chính trị, chính sách phát triển đất nước thông qua đó Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện. Trong số đó, Báo cáo chính trị có tầm khái quát và bao quát lớn, có ý nghĩa chi phối các văn kiện khác. Với mục đích là đóng góp ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị, những phân tích dưới đây cần được lưu ý.
1. Về những vấn đề cốt lõi và nội hàm của chúng được thể hiện trong Dự thảo
Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XIII đưa ra rất nhiều khái niệm. Thông thường, các khái niệm được dùng trong Báo cáo chính trị có ý nghĩa đặc biệt, mang lại những thay đổi về tư duy và thay đổi trong xây dựng thể chế. Chính vì vậy, Dự thảo cần phải làm rõ những khái niệm được dùng trong đó. Dưới đây xin phân tích và góp ý ba khái niệm cốt lõi sau.
1.Tham nhũng. Tham nhũng là khái niệm xuất hiện nhiều nhất trong Dự thảo với 36 lần. Điều này cho thấy độ nóng của vấn đề này. Tuy nhiên, trong Dự thảo, nội hàm, cách tiếp cận và diễn đạt khái niệm tham nhũng cho thấy nhiều điểm cần làm rõ hơn hoặc loại bỏ chúng.
Có gì khác nhau giữa “Công tác phòng ngừa tham nhũng” và “Công tác phòng chống tham nhũng”? Dự thảo đánh giá hai hoạt động riêng biệt với các nhận định khác nhau. Có nhiều sự trùng lặp trong việc nhấn mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, Dự thảo chưa xác định giải pháp cốt lõi, có hiệu quả cho phòng, chống tham nhũng. Những tuyên bố chung, những cam kết chung về chống tham nhũng trong các nghị quyết trước đây của Đảng về chống tham nhũng cũng như trong các văn bản pháp luật được dẫn lại trong Dự thảo nhằm tái khẳng định tầm quan trọng của nó.
Tuy nhiên, điều quan trọng là Dự thảo cần chỉ ra những giải pháp để thực hiện những cam kết, những khẳng định chính trị này. Theo tôi, khâu đột phá, giải pháp đột phá trong phòng, chống tham nhũng phải được xác định trong chính nguyên nhân cốt lõi của nó.
Tham nhũng có mục đích cuối cùng là tiền, tài sản. Đấu tranh chống tham nhũng chỉ có hiệu quả khi những kẻ tham nhũng phải trả lại hết những tài sản tham nhũng và phải chịu trả giá đắt phi vật chất khác như bị bỏ tù, bị cách chức, bị tước bỏ các danh hiệu.
Tuy nhiên, những sự trả giá phi vật chất này chỉ là hỗ trợ, không có nhiều tác dụng, nhất là việc cách chức “nguyên chủ tịch” “nguyên bộ trưởng” “nguyên bí thư”. Ngồi tù 2 năm hay 5 năm để có tài sản lớn cả đời không kiếm được thì nhiều người có chức quyền sẽ lựa chọn tham nhũng.
“Hy sinh đời bố, củng cố đời con, thậm chí đời cháu” là tình trạng phổ biến. Hơn nữa, thực tế cho thấy tình trạng tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm. Việc cho phép nộp thuế đối với những tài sản không minh chứng được nguồn gốc như trong pháp luật hiện hành sẽ không giúp chống tham nhũng hiệu quả.
Mặt khác qui định này cũng không phù hợp với Công ước quốc tế về chống tham nhũng mà Việt Nam đã ký, theo đó phải truy nguyên đến tận cùng để thu hồi tài sản tham nhũng. Một điểm nữa là có vẻ như chúng ta đang quyết liệt chống những hành vi tham nhũng chiếm đoạt tài sản công, nguy hiểm hơn, có giá trị lớn hơn.
Trong lúc đó những hành vi tham nhũng chiếm đoạt tài sản của người dân diễn ra phổ biến trong lĩnh vực tư pháp, hành chính ít được coi là “tham nhũng vặt”. Giá trị tham nhũng vặt có thể là không lớn song nếu xét về tác động tiêu cực đối với xã hội chúng tệ hại không kém.
Chúng là mầm non của “đại án”, là cội nguồn của sự suy giảm niềm tin của nhân dân quá nhiều, quá trực tiếp với người dân. Chống tham nhũng trong thập kỷ tới có chú ý đến khía cạnh này không?
2.Thể chế. Thể chế là khái niệm được Dự thảo sử dụng nhiều thứ hai sau khái niệm tham nhũng nếu tìm riêng nó. Song nếu ghép cùng các cụm từ khác thì có tới 45 lần xuất hiện khái niệm thể chế trong các khái niệm ghép. Thể chế và xây dựng thể chế là vấn đề nóng.
Thể chế được sử dụng phổ biến, rất nhiều trong các văn kiện chính thức song nội hàm của nó được hiểu chưa thống nhất. Thực trạng này cũng diễn ra trong Dự thảo. Dự thảo sử dụng các khái niệm tích hợp giữa thể chế và lĩnh vực sau đây: 1) Thể chế phát triển; 2) thể chế, chính sách; 3) thể chế đa phương; 4) thể chế đa phương toàn cầu; 5) thể chế đa phương khu vực; 6) thể chế về tài chính; 7) thể chế quản lý xã hội; 8) thể chế liên kết; 9) thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thi; 10) thể chế phát triển kinh tế bền vững; 11) Thể chế trong nước; 12) thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Dự thảo đang làm cho người đọc, kể cả những người có trình độ lạc vào mê hồn trận khái niệm thể chế.
Thể chế được nghiên cứu và định nghĩa trong rất nhiều công trình của các nhà khoa học khác nhau trên thế giới, đặc biệt là trong “Thể chế (Institutions)” của Douglas North, công trình đưa ông đến giải thưởng Nobel về kinh tế.
Cốt lõi của khái niệm thể chế của Douglass North và nhiều nhà khoa học thể hiện ở những yếu tố chính: i) Hệ thống pháp luật, các quy tắc xã hội điều chỉnh các quan hệ xã hội; ii) Các chủ thể thực hiện và quản lý sự vận hành xã hội gồm nhà nước, cộng đồng cư dân, các tổ chức xã hội dân sự; iii) Các cơ chế, phương pháp quản lý và điều hành xã hội.
Thể chế có thể mang của quốc gia, của cộng đồng hay của toàn thế giới. Thể chế quốc gia tốt mang lại sự phát triển, thể chế không tốt thì sự trì trệ, kém phát triển sẽ đồng hành với quốc gia. Có pháp luật, chính sách tốt chưa hẳn là có thể chế tốt. Chính sách, pháp luật tốt ở câu chữ song việc thi hành không mang lại kết quả mong muốn thì rõ ràng thể chế đó chưa tốt.
Bên cạnh sự thiếu rõ ràng về nội hàm thể chế quốc gia, Dự thảo đã đưa ra quá nhiều loại thể chế rất khó hiểu đối với Nhân dân. Ví dụ, thể chế đa phương toàn cầu hay thể chế liên kết, thể chế quản lý. Các thể chế này là gì? Nội hàm cơ bản của nó là gì là những câu hỏi mà Dự thảo chưa giúp trả lời được.
Thể chế toàn cầu đương nhiên là đa phương thì vậy thể chế đa phương toàn cầu là gì? Tính liên kết là một nội dung trong xây dựng thể chế nên thể chế liên kết thì cần được hiểu như thế nào? Xác định đúng loại thể chế, nội hàm của nó là điều kiện xây dựng thể chế.
Việc xây dựng thể chế quốc gia bao gồm việc xác định và xây dựng nhiều thành tố cụ thể của nó ví dụ như chính sách, pháp luật về tài chính. Việc gắn khái niệm thể chế với từng lĩnh vực cụ thể như giáo dục (thể chế giáo dục, thể chế văn hóa v.v.) có thể đúng nhưng gom tất cả vào trong việc xây dựng thể chế quốc gia sẽ dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo.
Dự thảo đang định hình thể chế quốc gia trong thập kỷ 2020-2030 thì cần chỉ rõ yếu tố nào trong từng lĩnh vực cụ thể phải được chú trọng.
3. Giáo dục và đào tạo. Những đánh giá về kết quả của giáo dục và đào tạo nước nhà trong Dự thảo chưa cụ thể, nhất là những hạn chế cố hữu hiện đang cản trở sự phát triển của nó. Những đánh giá trong Dự thảo hầu như lặp lại Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII.
Chỉ cần so sánh đoạn về giáo dục, đào tạo trong Dự thảo và trong Báo cáo chính trị thì sẽ thấy tỷ lệ lặp lại. Một điểm khác biệt của Dự thảo là đưa ra khái niệm “giáo dục làm người” vốn bị công luận chỉ trích mạnh mẽ.
Tại sao Dự thảo lại sử dụng nó khi có cụm từ khác hay hơn, được nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII sử dụng: Đó là “giáo dục nhân cách”. Các giải pháp được Dự thảo định danh “đột phá” trong lĩnh vực giáo dục chưa được chỉ ra trong khi nhiều giải pháp phát triển giáo dục trong đó chưa thể hiện được kỳ vọng của xã hội, chưa chỉ ra được những gì cần làm để thực hiện đầy đủ định hướng, giải pháp của Đại hội 12 vẫn đang tồn đọng.
So với Báo cáo chính trị của Đại hội XII thì Dự thảo còn kém về độ chính xác, tính khái quát và tầm nhìn chiến lược về giáo dục và đào tạo. Dù kế thừa nhiều ý tưởng trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XII song do cách sắp xếp, sự bổ sung Dự thảo chưa phản ánh yêu cầu mới.
Dự thảo chưa làm nổi bật được xu thế phát triển của giáo dục nước nhà cũng như những giải pháp cần có để hòa vào xu thế đó. Câu hỏi đặt ra sau những tốn kém, thất bại của Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông với kết quả đầu tiên là bộ sách “Cánh Diều” lắm sạn là: Có nên tiếp tục cải cách giáo dục không và nếu tiếp tục thì nên như thế nào?
Nền giáo dục nước nhà có quá nhiều vấn đề cần Đảng lãnh đạo để giải quyết để giáo dục thực sự là quốc sách, là nền tảng phát triển đất nước.
2. Kiến nghị
Báo cáo chính trị là một văn kiện cực kỳ quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc tới nhận thức của nhân dân, cán bộ, đảng viên, tới sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, Dự thảo cần tránh lạm dụng các khái niệm khi chúng đang còn có nhiều quan điểm và nhận thức khác nhau.
Dự thảo cần được soạn thảo với văn phong chuẩn xác nhất có thể để trở thành mẫu mực cho việc xây dựng chính sách, pháp luật trong nhiệm kỳ tới.
(GS.TS Lê Hồng Hạnh - nguyên Viện trưởng Viện KHPL, Bộ Tư pháp, Hiện là Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam)