Tinh hoa Việt

GS Đỗ Đức Hiểu - 100 năm sau vẫn trẻ trung

TRẦN HINH 06/10/2024 14:54

Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Đỗ Đức Hiểu sinh ngày 16-9-1924 tại Cổ Nhuế (Hà Nội). Trong đội ngũ những người thầy đầu tiên có công xây dựng ngành Ngữ Văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng có thời kỳ được gọi là Tổng hợp, Văn khoa, Giáo sư Đỗ Đức Hiểu thuộc thế hệ thứ hai, sau thế hệ các học giả hàng đầu của ngành Ngữ văn, gồm Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Nhị...

Nhắc đến thế hệ các nhà giáo, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học xã hội nói chung và Ngữ văn nói riêng lúc bấy giờ, tại cái nôi Văn khoa - Tổng hợp, hẳn sẽ còn lâu lắm, chúng ta mới có đủ “giấy bút” để nói được hết công lao của họ. Giáo sư Đỗ Đức Hiểu cũng thuộc số những tên tuổi “đáng giá” đó.

gs-do-duc-hieu-31.jpg
Giáo sư Đỗ Đức Hiểu.

1.Tôi biết Giáo sư Đỗ Đức Hiểu có phần hơi muộn, phải đến đầu những năm 70 của thế kỷ trước, nhưng có may mắn được gần gũi, học tập, làm việc, chia sẻ tâm sự, và nhờ thế mà hiểu được ít nhiều về ông. Quả thật không khó có thể hình dung lại ông ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ, và cả đến phút cuối cùng phải vĩnh viễn xa ông. Ở khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội, ông là người “đầy cá tính”. Gần như tất cả các thế hệ đồng nghiệp và học trò của ông đều dễ dàng hình dung ra một Đỗ Đức Hiểu thế này: gầy gò, xanh xao, "đôi khi có cảm giác “thiếu sức sống”, ngồi gần nói chuyện với ai thì chỉ “thẽ thọt”, nhẹ nhàng, nhưng khi giảng bài thì giọng ông âm vang như sóng biển ngày lộng gió (ngồi ở phía cuối lớp vẫn có thể nghe được hết từng âm thanh rành rọt của ông). Sức làm việc của Giáo sư Đỗ Đức Hiểu thì thật sự phi thường. Thật khó ai có thể hình dung nổi, một người bị cắt tới hai phần ba dạ dày ngay từ tuổi thanh niên, hình hài chẳng khác nào một cây sậy, vậy mà vẫn đạp xe đều đặn hàng ngày, dù mưa hay nắng, vẫn không hề sai giờ, từ 26 phố Hàng Bài vào ký túc xá Mễ Trì, nơi đóng đô của hai khoa Văn, Sử những năm 70, khi còn là phó chủ nhiệm khoa Ngữ Văn; đêm về, lại “còng lưng” xuống những trang sách (do mắt kém, phải đeo kính cận trên 5 điôp), để cho ra đời hàng ngàn trang viết và dịch thuật, âm vang sáng tạo cho nhiều thế hệ học trò. Những năm cuối đời do bệnh tật, giữa những cơn đau, tôi biết, Giáo sư Đỗ Đức Hiểu vẫn đọc, làm việc, mặc dù, dường như đã đến lúc sức khoẻ không cho phép ông còn đủ minh mẫn để viết ra những ý tưởng sáng tạo như những vỉa trầm tích có sẵn trong đầu mình. Sự sáng tạo dù có mạnh mẽ đến mấy dường như cũng bất lực khi người ta không còn đủ sức. Ông không phải là trường hợp ngoại lệ…

Đúng ra, nếu không có sự biến thiên của cuộc đời, cứ theo vào sự lựa chọn ban đầu, lẽ ra Giáo sư Đỗ Đức Hiểu phải trở thành một luật sư, hay nếu khác hơn một chút, ông đã là một công chức hành nghề luật. Đỗ tú tài năm 1943, ông vào học ban luật, cùng thế hệ với nhà văn Nguyễn Đình Thi, lúc đó học triết. Khá lâu sau này, cả hai, cuối cùng, cũng sẽ lựa chọn con đường văn chương. Một bên, Đỗ Đức Hiểu, chọn giảng dạy và nghiên cứu; và bên kia, Nguyễn Đình Thi, chọn viết sáng tạo. Cả hai đều giống nhau là không đi đến tận cùng sự lựa chọn ban đầu của mình. Kháng chiến bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, hai ông rời Trường Pháp lên chiến khu. Với Nguyễn Đình Thi, hình như một chút “máu nghề nghiệp” ban đầu vẫn còn theo đuổi ông cho đến tận những ngày đầu tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông đã viết khá nhiều công trình nghiên cứu triết học in trên một số báo, tạp chí lúc bấy giờ. Còn Đỗ Đức Hiểu, hình như, sự lựa chọn ban đầu muốn trở thành luật sư, hay chí ít cũng là một công chức dính líu với luật, thế nhưng cuối cùng, ông không để lại bất cứ dấu vết nào như thế. Ông giống nhà hài kịch Pháp thế kỷ XVII, Molière, người mà ông dành rất nhiều tâm huyết trong bộ giáo trình Lịch sử văn học Pháp, cũng từ bỏ lựa chọn ban đầu là nghề trạng sư, để dấn thân vào con đường nghệ thuật. Với Đỗ Đức Hiểu, một chút dấu vết nghề nghiệp ban đầu có chăng chỉ còn được bộc lộ phần nào qua cách ông trình bày hay diễn thuyết một vấn đề gì mà ông cho là tâm đắc; hay khi phải bộc lộ chính kiến phản bác một vấn đề gì mà ông không bằng lòng. Lúc đó, những lý lẽ của ông thật vô cùng sắc bén. Có lẽ, tất cả còn lại chỉ là như thế. Còn thì, văn chương dường như đã là một sự “lựa chọn định mệnh” với ông.

Chính xác, từ ngay sau năm 1945, nghĩa là ngay sau khi rời giảng đường Luật, 19 Lê Thánh Tông, cho đến tận những ngày cuối đời, ông chỉ “đau đáu” với duy nhất với một con đường định sẵn - văn chương - khi là một nhà giáo gõ đầu trẻ ở Trường phổ thông trung học Phú Thọ, rồi Trường Lương Ngọc Quyến Thái Nguyên; lúc là giáo sư ở khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp, Hà Nội; và có khi trong công việc một giáo sư Tây học với đúng nghĩa: dạy tiếng Pháp tận bên Nam Kinh, Trung Quốc; và lúc khác nữa, là công chức ban Tu thư của Bộ Giáo dục Đào tạo, tổ chức biên soạn sách giáo khoa bậc phổ thông. Dù “viễn du” trong nhiều lĩnh vực khác nhau đến như thế, tất cả mọi công việc của ông vẫn đều gắn bó “duyên nợ” cho đến tận khi trút hơi thở cuối cùng, với văn chương. Có lẽ vì thế về sau này, ta sẽ thấy một Đỗ Đức Hiểu luôn “quảng bác” trong sự nghiệp nghiên cứu văn học của mình. Thật rất khó có thể xếp ông chỉ riêng vào một lĩnh vực chật hẹp nào đó. Chẳng hạn, nếu cho rằng ông là một chuyên gia có hạng về văn học phương Tây. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, bên cạnh những trang viết sắc sảo về mảng văn học này, ta còn bắt gặp không ít những trang viết tinh tế, sâu sắc của ông về văn học Việt Nam; thậm chí nhiều người cho rằng, ông phải là một chuyên gia về văn học Việt Nam mới đúng. Đành là như vậy, đã có thời kỳ, từ 1955 đến 1958, ông tham gia viết sách giáo khoa tại Ban Tu thư, Bộ giáo dục đào tạo, đồng thời cũng là thành viên của nhóm Lê Quý Đôn, những nhà Tây học và Việt Nam học cự phách một thời, gồm Vũ Đình Liên, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn..., dịch Những người khốn khổ của nhà lãng mạn Pháp thế kỷ XIX trong một thứ tiếng Việt thấm đẫm tinh thần Hugo, mà cũng rất Việt Nam. Còn nữa, đọc những trang viết của Đỗ Đức Hiểu, có lúc, người ta nhận ra trong đó kiến thức của một bậc hàn lâm, bởi lẽ, từ cách đặt vấn đề, lý giải vấn đề đến dẫn giải tư liệu, phân tích văn bản, ông không khác gì một giáo sư Pháp học thực sự; lại có khi, ông viết những trang văn réo rắt, trong trẻo như một “cậu học trò” phổ thông.

Quả thật, rất khó “định giá” phẩm chất nào ưu thế hơn phẩm chất nào? Nhà giáo, người đồng nghiệp gần gũi và hiểu ông nhất trong nhiều năm, nhà giáo ưu tú Lê Hồng Sâm, trong một bài viết ngắn sau khi ông qua đời, đã có một nhận xét rất chính xác rằng, ở ông “có lắm chất hugolien, rõ nhất là những tương phản: nhà Tây học và ông đồ, rụt rè và can đảm, tuổi già và suy nghĩ trẻ trung...”. Quả là phải rất hiểu ông mới rút ra được nhận xét tinh tế đó. Và đó chưa phải đã hết, tôi cho rằng, điều quan trọng hơn, cần phải làm rõ phẩm chất con người và công việc của ông như thế này: chính nhờ ở những đối nghịch, mà ông đồng thời cũng luôn là người không ngừng đổi mới. Đổi mới và sáng tạo là hai mặt thống nhất trong toàn bộ sự nghiệp của ông. Nếu nói đúng như các nhà triết học, sự vật chỉ có thể phát triển khi chứa đựng trong lòng nó những mặt đối lập. Soi sáng toàn bộ sự nghiệp của giáo sư Đỗ Đức Hiểu, chúng ta sẽ hiểu được rõ hơn điều đó.

gs-do-duc-hieu_1.jpg
Từ trái qua: GS Đỗ Đức Hiểu, GS Lê Hồng Sâm và tác giả Trần Hinh.

2.Có thể khẳng định, Đỗ Đức Hiểu bắt đầu đến với văn chương chính bằng sự say mê và trải nghiệm từ nền văn học dân tộc - văn học Việt Nam. Ngay từ sau 1945, rời bỏ ngôi trường Luật, ông tham gia kháng chiến bằng con đường dạy học, chủ yếu dạy tại các trường phổ thông, và chỉ về văn học Việt Nam. Mãi tận sau này, khi hòa bình lập lại, trở về Hà Nội, ông mới tham gia nhóm Lê Quý Đôn, chủ yếu nghiên cứu và biên soạn các sách giáo khoa phổ thông trung học. Muộn hơn nữa, Đỗ Đức Hiểu được cử đi dạy tiếng Pháp tại Nam Kinh, Trung Quốc. Chính nhờ có vốn tiếng Pháp thâm sâu, ông bắt đầu sự nghiệp giảng dạy văn học phương Tây, chủ yếu là văn học Pháp tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Kiến thức ngữ văn Pháp, với ông chỉ hoàn toàn bằng con đường tự học, tự đào tạo. Nhưng trong số các nhà nghiên cứu văn học Pháp ở Việt Nam, Đỗ Đức Hiểu luôn được xếp ở một trong những vị trí hàng đầu. Ông từng nhiều năm giữ cương vị chủ nhiệm bộ môn văn học Phương Tây, tại khoa Ngữ Văn, được phân công biên soạn nhiều giáo trình, chuyên luận văn học nổi tiếng lúc bấy giờ, như Lịch sử văn học phương Tây (1961, 2 tập, viết chung), Lịch sử văn học Pháp (11 tập, viết chung, 1992-1994, hợp tác với Đại học Paris 7), viết các chuyên luận Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa (1978) Văn học Công xã Paris (1978), đồng chủ biên bộ Từ điển văn học (2 tập, 1984), dịch Molière, Goethe, Stowwe, Bernadin de Saint-Pierre, A.Tolstoy, Swift, Hugo, Balzac… Là một chuyên gia hàng đầu trong nghiên cứu và giảng dạu văn học phương Tây, Đỗ Đức Hiểu còn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy văn học dân tộc. Thời kháng chiến chống Pháp, ông tham gia giảng dạy văn học Việt Nam tại các trường phổ thông ở Phú Thọ và Thái Nguyên. Thời còn làm việc ở Ban Tu thư, ông có hai công trình văn học Việt Nam được xuất bản: Văn chương Trần Tế Xương (1957, viết chung với Hoàng Ngọc Phách và Lê Thước), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (1963, tập 3). Đặc biệt nhất có lẽ là loạt công trình đổi mới văn học Việt Nam hiện đại viết những năm cuối đời: Đổi mới phê bình văn học (1993), Đổi mới đọc và bình văn (1999), Thi pháp hiện đại (2000), Thi pháp hiện đại, những vấn đề lý luận và ứng dụng (2012).

3.Phác họa một chân dung Đỗ Đức Hiểu chỉ trong vài dòng ngắn ngủi quả là hết sức khó khăn. Bởi lẽ, ông là một người “giàu cá tính”. Cả cuộc đời, trong con người ông, luôn có những “xung đột”, “đối thoại”, “tự vấn”, mạnh mẽ và yếu đuối, bình tĩnh và quyết liệt, già cả và trẻ thơ, yêu thương và giận hờn…PGS Đặng Thị Hạnh đã nhắc lại một kỷ niệm rất thú vị về giáo sư đàn anh. Bà kể:” Sau này, tôi sẽ cùng ở tổ bộ môn với anh nhiều năm, nhưng năm tháng trôi qua, từ lần gặp đầu tiên cho đến mấy chục năm sau, lúc anh ra đi, về diện mạo và tính cách, tôi thấy, hầu như anh không hề thay đổi. Năm anh khoảng 75 tuổi, một cậu học sinh trường Tổng hợp gặp lại thầy, sau nhiều năm đã tuyên bố: “thầy vẫn trẻ như xưa, bởi từ xưa thầy đã già”. Những năm cuối đời, biết thời gian sống của mình không còn nhiều, ông đã lặng lẽ tự viết “cáo phó” cho mình: “Đỗ Đức Hiểu, sinh ngày…, mất ngày…”, giao cho Nhà giáo Nhân dân Lê Hồng Sâm quyết định việc tang lễ, với một lòng thành kính. Nhiều thế hệ đồng nghiệp và học trò của ông đều có chung nhận xét, Đỗ Đức Hiểu là một mẫu người cô đơn mộng mơ và sáng tạo. Dù cô đơn, nhưng ông không tự buông bỏ bao giờ. Ông nói: “Từ tuổi nhỏ đến tuổi thanh niên, tôi được đào tạo có hệ thống ở các trường học Hà Nội; tôi tiếp xúc với lịch sử văn học Pháp từ năm mười ba, mười bốn tuổi. Thâm nhập vào tâm hồn tôi trước hết là những tư tưởng của Montaigne, Descartes “hãy nghi ngờ tất cả”, “đúng ở nơi này, sai ở nơi khác”, “biết mình biết cái gì” (Que sais-je?), “chỉ tin vào cái mình thấy, mình thực nghiệm được”. Có lúc ông nói: “Nhiều khi tôi ngạc nhiên về chính cuộc đời của mình. Như một truyền kỳ. Những cuộc phiêu lưu vô tận, một bi kịch kéo dài, tôi đánh mất bản thân mình”. Nhưng lúc khác, ông lại nói: “Tôi sung sướng đã kiên trì làm nghề dạy học hơn nửa thế kỷ nay, nguyện vọng của cha tôi và của tôi, tuy là cái nghề nghèo khổ và bị một số người coi rẻ, song bạn bè và đồng nghiệp biết quý trọng nhau, và một số sinh viên yêu quý….”. Đến với nghiên cứu thi pháp, ông biết chọn con đường thích hợp nhất với mình: vận dụng thi pháp là để ứng dụng nghiên cứu văn học Việt Nam. Yêu mến và luôn muốn dìu dắt giúp đỡ học trò, ông luôn căn dặn họ, đừng biến mình thành bản sao của các ông thầy. Hãy luôn nhớ “mình phải là mình”; phải biết mơ mộng và sáng tạo. Và phải biết “khiêm nhường” nữa. Con người chỉ là một cây sậy yếu đuối, nhưng nếu biết cách, cây sậy ấy vẫn đủ cứng rắn và vững chãi đối mặt với đời.

Những năm dài gắn bó với nghề dạy học đã hình thành ở Giáo sư - Nhà giáo Ưu tú Đỗ Đức Hiểu tình yêu con người, yêu tri thức đến kỳ lạ. Ông từng tâm sự: “Cái duy nhất, tôi còn giữ được mãi trong nửa thế kỷ qua, là nghề dạy học, là hình bóng một số sinh viên yêu mến”. Sự nghiệp cao quý này sẽ còn gắn bó với Đỗ Đức Hiểu trong suốt gần năm mươi năm, nó như thấm vào máu thịt ông, tới mức về sau này, ông đã quên hẳn mọi mối quan tâm khác, chỉ còn đau đáu với nghề dạy học, hoặc nữa, một điều gì khác tương tự như thế. Ở căn gác xép tồi tàn, 26, phố Hàng Bài, có thời kỳ bạn bè, học trò đến chơi với ông, thấy ông chẳng khác nào một người từ hành tinh khác lạc vào trái đất. Ông gần như chẳng biết gì đến sự sôi động đang diễn ra ở cuộc sống bên ngoài.

Là học trò và đồng nghiệp của ông, 100 năm sau ngày ông ra đời, 20 năm ngày ông mất, tôi chỉ có thể nhớ được như thế về ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    GS Đỗ Đức Hiểu - 100 năm sau vẫn trẻ trung