Với cá nhân tác giả bài viết này thì hành động gỡ bỏ “Flappy Bird” của Nguyễn Hà Đông là thực sự cần thiết và rất sáng suốt, để anh có thể bình tâm tiếp tục phát triển những phần mềm game mới, gặt hái những thành công mới. Tuy nhiên, cái cách mà người ta ứng xử với một tài năng trẻ không khỏi khiến ta phải suy nghĩ.
Nhà phát triển phần mềm game Nguyễn Hà Đông (SN 1985) cùng trò chơi “Flappy Bird” nổi tiếng thế giới vừa được tổ chức Guinness trao tặng danh hiệu kỷ lục “ứng dụng đầu tiên bị gỡ bỏ sau khi đứng trên top của kho ứng dụng App Store của Apple”, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu.
Được đứng tên trong danh sách kỷ lục của Guinness lẽ ra là điều đáng tự hào, song có vẻ như ngay cả Nguyễn Hà Đông và dư luận đều không lấy làm mừng với danh hiệu Guinness trên. Không vui cũng phải thôi, vì chẳng có ai lại có thể mừng về sự “chết yểu” của đứa con tinh thần của mình.
Theo thống kê không chính thức, “Flappy Bird” đem về cho nhà phát triển game trẻ tuổi Nguyễn Hà Đông khoảng 50.000 USD/ngày (tương đương hơn 1 tỷ đồng/ ngày) từ quảng cáo. Tuy nhiên, game “Flappy Bird” đã nhanh chóng bị Nguyễn Hà Đông gỡ bỏ vào ngày 10/2/2014. Ngay khi tác giả game “Flappy Bird” thông báo sẽ gỡ bỏ trò chơi này, trong vòng hơn 20 giờ, “Flappy Bird” đã nhận được 10 triệu lượt tải về. Điều này chứng tỏ trò chơi “Flappy Bird” của Nguyễn Hà Đông được yêu thích trên toàn cầu.
Song, một câu hỏi lớn được đặt ra là vì sao Nguyễn Hà Đông lại đưa ra một quyết định quá khó khăn ngay cả với những “lão làng” của ngành công nghiệp game nói riêng và công nghệ thông tin nói chung, đó là gỡ bỏ “đứa con tinh thần” khỏi mạng toàn cầu, khi nó đang dần trở nên nổi tiếng?
Tác giả bài viết cũng không “tài giỏi” hơn các đồng nghiệp khác trong việc tìm câu trả lời cho hành động có thể nói là “hy sinh to lớn” và “khó hiểu” của Nguyễn Hà Đông. Song, cũng đưa ra vài thông tin khách quan ngõ hầu giúp độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về sự việc.
Nguyễn Hà Đông đã chia sẻ trên Twitter trước khi gỡ bỏ Flappy Bird rằng “không thể chịu được nữa” và “tôi coi Flappy Bird là thành công của bản thân nhưng nó phá hủy cuộc sống giản đơn của tôi. Vậy nên giờ tôi ghét nó”. Vậy cái sự không chịu đựng nổi của Nguyễn Hà Đông là gì?
Thông tin “Flappy Bird” có thể đem về cho tác giả của game khoảng 50.000 USD/ ngày quả thực đã khiến nhiều tờ báo trong nước “đứng ngồi không yên”, nhiều phóng viên tìm tới tận nhà của Đông “túc trực” ngày đêm để “lấy tư liệu”. Vậy là cuộc sống đời thường của Nguyễn Hà Đông bị đảo lộn vì sự săn đuổi của truyền thông cả trong nước lẫn quốc tế.
Bên cạnh đó, cũng chính thông tin một người chưa tròn 30 dễ dàng kiếm hàng tỷ đồng mỗi ngày cũng đã khiến cơ quan thuế “sốt sình sịch” và rục rịch động thái truy thu thuế theo kiểu “đếm cua trong hang”. Vậy nên quyết định “im lặng” bằng cách gỡ bỏ game “Flappy Bird” của Nguyễn Hà Đông có lẽ là một giải pháp hiệu quả tức thì, giúp anh lấy lại thăng bằng để ổn định lại cuộc sống.
Quyết định gỡ bỏ “Flappy Bird” vào thời điểm trò chơi đang nằm ở vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng toàn cầu ở cả 2 nền tảng iOS và Android là một quyết định không hề dễ dàng khi một người trẻ tuổi đang ở đỉnh cao của thành công.
Tuy nhiên, với cá nhân tác giả bài viết này thì hành động gỡ bỏ “Flappy Bird” của Nguyễn Hà Đông là thực sự cần thiết và rất sáng suốt, để anh có thể bình tâm tiếp tục phát triển những phần mềm game mới, gặt hái những thành công mới. Tuy nhiên, cái cách mà người ta ứng xử với một tài năng trẻ không khỏi khiến ta phải suy nghĩ.