Mưa lớn kéo dài suốt trong đêm 9 và sáng 10/6 tại Hà Giang khiến hai người chết, thiệt hại ước tính ban đầu gần 10 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, tại tỉnh đã xảy ra lũ ống, lũ quét, gây sạt lở đất, ngập úng cục bộ ở nhiều địa phương do mưa lớn kéo dài nhiều giờ suốt từ đêm 9 và sáng 10/6.
Mưa lũ khiến hai người chết, thiệt hại ước tính ban đầu gần 10 tỷ đồng.
Cụ thể, hai người bị lũ cuốn trôi là hai bố con. Hai nạn nhân là ông bố Lý Chàn Họ (sinh năm 1997) và con là Lý Hưng Thịnh (sinh năm 2021) trú tại thôn Tân Thượng, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì.
Sau nhiều giờ tìm kiếm đến nay, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể của hai bố con.
Mưa lớn kéo dài suốt trong đêm 9 và sáng 10/6 khiến các địa phương của tỉnh thiệt hại nặng nề về tài sản của Nhà nước, nhân dân.
Tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, hàng chục ngôi nhà bị ngập nước, nhiều ngôi nhà bị đất đá sạt lở vào nhà, có ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Nhiều diện tích lúa bị thiệt hại do đất đá sạt lở.
Ngập úng khiến hàng chục hécta hoa màu của bà con thành phố Hà Giang bị ngập úng. Nhiều chuồng trại chăn nuôi gia súc bị hư hỏng, hàng chục gia cầm bị chết.
Tại các xã Thuận Hòa và Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên đã có 2 cây cầu bị lũ cuốn trôi.
Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn từ thành phố Hà Giang đi 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc bị sạt lở nghiêm trọng.
Tuyến đường từ huyện Mèo Vạc đi các xã biên giới và tuyến đường xuống sông Nho Quế, hàng trăm m3 đất đá sạt lở tràn xuống lòng đường.
Trên 130 phương tiện xe ôtô và xe máy ở thành phố Hà Giang bị ngập chìm trong nước... Tổng thiệt hại ban đầu ước tính gần 10 tỷ đồng.
Thực hiện phương châm “nước rút đến đâu, khẩn trương giúp dân vệ sinh, dọn dẹp nhanh đến đó," rạng sáng 10/6, khoảng 600 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 877 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang và lực lượng thường trực, dân quân tự vệ Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Hà Giang sử dụng phương tiện chuyên dụng dọn vệ sinh, thu gom rác thải, giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Suốt từ 3h đến trưa ngày 10/6, gần 1.000 cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Hà Giang đã dầm mình trong mưa bão, sử dụng các phương tiện như xe đặc chủng, xuồng máy, xuồng cao su cùng phương tiện khác để thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ tại điểm ngập sâu trong thành phố.
Thượng tá Phan Minh Học, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Hà Giang cùng đồng đội phá dỡ mái nhà để giải cứu thành công 4 người bị mắc kẹt trong nhà hộ dân ở thành phố Hà Giang do nước dâng cao.
Đến nay, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ đang dầm mình trong nước hỗ trợ nhân dân thành phố Hà Giang di chuyển tài sản đến chỗ an toàn.
Sau nhiều ngày mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về, dòng sông Lô hung dữ dâng nước cuộn chảy. Nhiều xã, phường trên thành phố Hà Giang bị ngập chìm trong nước lũ.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng cán bộ, chiến sỹ cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Hà Giang phân chia lực lượng, phối hợp lực lượng tại chỗ ứng cứu kịp thời tại điểm ngập úng, hỗ trợ, giúp đỡ hàng nghìn lượt người dân di chuyển qua vùng bị ngập, di dời tài sản đến nơi an toàn.
Mưa lớn vẫn không ngớt, nước lũ trên sông Lô đoạn chảy qua địa bàn thành phố Hà Giang đến trưa 10/6 vẫn ngày một dâng cao.
Hàng trăm hộ dân đang trong tình trạng di dời tài sản nếu nước sông Lô tràn vào thành phố.
Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ của Công an tỉnh Hà Giang và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang tập trung phương tiện giúp nhân dân di chuyển tài sản đến nơi ở an toàn. Đồng thời phân công cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ tại khu vực trọng yếu. Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường thực hiện nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông...
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang chỉ đạo các địa phương trong tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh.
Các địa phương chủ động có biện pháp, sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn.
Đồng thời bố trí lực lượng kiểm tra, rà soát, khơi thông dòng chảy; tổ chức canh gác, hướng dẫn giao thông, nhất là qua cầu, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; duy trì 24/24 giờ lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.