Chính phủ Hà Lan cho biết, từ ngày 9/12, nước này sẽ triển khai tăng cường kiểm soát biên giới, tập trung vào việc ngăn chặn di cư bất hợp pháp và buôn bán người, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia.
Theo Bộ trưởng Tị nạn và Di cư Hà Lan Marjolein Faber, quân cảnh hoàng gia sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát linh hoạt, không thiết lập các trạm kiểm soát cố định, trừ khi thật sự cần thiết. Điều này nhằm giảm thiểu tối đa sự gián đoạn đối với hoạt động thương mại và giao thông qua lại biên giới.
Trong một bức thư gửi Quốc hội Hà Lan, bà Faber nhấn mạnh rằng các biện pháp này không chỉ tuân thủ quy định của Liên minh châu Âu (EU), mà còn được thực hiện dựa trên thỏa thuận với các quốc gia láng giềng. Những cá nhân không đáp ứng yêu cầu nhập cảnh hoặc cư trú sẽ bị xử lý theo quy trình hợp tác giữa Hà Lan với các nước đối tác.
Quyết định của Hà Lan được đưa ra sau khi Đức triển khai kiểm tra hộ chiếu tại tất cả các cửa khẩu đường bộ từ tháng 9/2024, nhằm đối phó với tình trạng di cư bất hợp pháp, mối đe dọa khủng bố và tội phạm có tổ chức.
Với vị trí địa lý tiếp giáp Đức ở phía Đông và Bỉ ở phía Nam, Hà Lan đang tăng cường phối hợp với các quốc gia láng giềng để bảo đảm an ninh, đồng thời hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động giao thương quốc tế.
Trước đó, vào tháng 10, Chính phủ Hà Lan đã đệ trình Quốc hội nước này đạo luật về các biện pháp khẩn cấp khi có khủng hoảng tị nạn. Điểm đáng chú ý trong đó là các biện pháp tái lập kiểm soát biên giới và bãi bỏ giấy phép cư trú vĩnh viễn - vẫn thường được gọi là Thẻ xanh.
Biên giới đường bộ giữa Bỉ và Hà Lan từ hàng chục năm qua không còn kiểm soát, xe cộ đi lại thông thương. Dự luật về các biện pháp khẩn cấp khi có khủng hoảng tị nạn mà Chính phủ Hà Lan soạn thảo dự kiến bãi bỏ giấy phép cư trú vĩnh viễn - vẫn dành cho người nước ngoài vào Hà Lan hợp pháp và mong muốn định cư. Giấy phép cư trú tạm thời hiện có thời hạn 5 năm sẽ bị rút ngắn chỉ còn 3 năm.