Bùng phát trên địa bàn từ gữa tháng 7, tính đến nay toàn tỉnh Hà Nam đã có hơn 100 người mắc sốt xuất huyết (SXH) và chưa có dấu hiệu ngừng tăng. Đáng nói là nhiều trường hợp không đi ra ngoài địa phương vẫn mắc dịch...
Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nam chưa có dấu hiệu ngừng tăng.
Mới đây, tại xã Đọi Sơn (Duy Tiên), qua lấy mẫu muỗi xét nghiệm ở 30 gia đình ở thôn Đọi Tín, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh TDP tỉnh xác định có tới 24 mẫu dương tính với SXH. Hiện toàn xã cũng đã có 3 trường hợp mắc SXH đang phải phải nhập viện điều trị, trong đó có 1 trường hợp bệnh nhân ở thôn Đọi Tín chỉ ở tại địa phương vẫn mắc bệnh.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, đến ngày 2-8 toàn tỉnh có hơn 100 người mắc SXH, trong đó chủ yếu là những người đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội, bị mắc dịch, về quê điều trị. Các ca bệnh SXH có ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh.
Toàn tỉnh cũng đã ghi nhận có có 23 xã, phường, thị trấn có chùm ca bệnh SXH. Trong đó huyện Bình Lục 3 xã/thị trấn (gồm thị trấn Bình Mỹ, xã La Sơn, xã Bình Nghĩa), huyện Lý Nhân có 7 xã, huyện Duy Tiên có 5 xã, huyện Kim Bảng có 1 xã, huyện Thanh Liêm có 2 xã, TP Phủ Lý có 5 phường, xã. Đáng chú ý, có 8 địa phương người dân không đi đâu vẫn mắc SXH, gồm các xã Hợp Lý, Nhân Hưng (Lý Nhân); Châu Giang, Đọi Sơn, Mộc Nam, Mộc Bắc (Duy Tiên); Liêm Cần (Thanh Liêm); Tiên Tân (TP Phủ Lý). Kết quả giám sát điều tra véc tơ ở tỉnh cũng cho biết tại các địa phương có chùm ca bệnh chưa bắt được muỗi Aedes agypti (Véc-tơ chính) nhưng đã bắt được muỗi Aedes albopictus (Véc-tơ phụ), với chỉ số BI >20. Đây chính là loại muỗi đã gây ra ổ dịch SXH tại tỉnh Hà Nam trong năm 2016.
Thông tin từ BV Đa khoa tỉnh Hà Nam cho biết: Chỉ trong ngày 1/8 đã có 16 ca SXH nhập viện điều trị; sang ngày 2-8 có thêm 4 ca. Khoa Truyền nhiễm của BV hiện có khoảng 30 bệnh nhân SXH đang điều trị. Trong số này, có 2 bệnh nhân nặng, 1 trong số này đã phải chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để điều trị...
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH trên địa bàn, ngày 1/8, UBND tỉnh Hà Nam đã chính thức công bố dịch. UBND tỉnh giao Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch; triển khai các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh SXH; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tố chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt khi có các dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh để biến chứng, lây lan.