Theo Chỉ thị 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TP Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn xe môtô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Thông tin này lập tức nhận được nhiều luồng ý kiến, trong đó phần lớn quan điểm cho rằng, việc tiến tới giảm phát thải gây ô nhiễm là hợp lý nhưng cần có thêm các giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện.
Vành đai đầu tiên không sử dụng mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu
Theo Chỉ thị 20, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi xe cộ, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy xăng dầu – PV) lưu thông trong khu vực vành đai 1.
Từ ngày 1/1/2028, ngoài cấm mô tô, xe máy chạy xăng dầu, ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bị hạn chế trong khu vực vành đai 1 và vành đai 2. Đến năm 2030, áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi vành đai 3.
Thủ tướng giao Hà Nội lập và công bố đề án vùng phát thải thấp trong quý III/2025. Đến năm 2030, Hà Nội cần phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ kín các tuyến chính, kết nối khu vực đông dân cư và các đầu mối lớn.
Hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện năng lượng sạch cũng như các đội xe buýt điện, tàu điện được yêu cầu mở rộng.
Cùng với đó, thành phố sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp phương tiện sạch; tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số và giá trông giữ với xe chạy xăng, dầu trong khu vực trung tâm. Từ quý IV/2025, Hà Nội cũng thí điểm cấm đồ nhựa dùng một lần tại nhà hàng, khách sạn, quán ăn trong vành đai 1.
Tuyến vành đai 1 là trục chính đô thị kết nối từ đông sang tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội gồm phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Hoàng Cầu - Voi Phục với tổng chiều dài 7,2km. Nếu hoàn thành đoạn tuyến Hoàng Cầu - Voi Phục, đây sẽ là vành đai khép kính đầu tiên của Hà Nội.
Hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, trước năm 2035, xe 2 bánh dự kiến vẫn là phương tiện chiếm lĩnh thị trường xe Việt Nam, mặc dù nhu cầu tổng thể có xu hướng giảm. Con số thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (cũ) cho biết, Hà Nội hiện có trên 7.860.000 phương tiện các loại, trong đó, ô tô có trên 1.073.000 xe; xe máy, mô tô các loại là 6.602.000 xe; xe máy điện là 184.471 xe. Mỗi năm Hà Nội tăng hơn 390.000 phương tiện; mỗi tháng tăng khoảng 32.700 phương tiện; mỗi ngày tăng khoảng 1.100 phương tiện các loại. Trong khi đó, kiểm soát giao thông vẫn là giải pháp căn cơ và hữu hiệu để kiểm soát môi trường. Việc phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 cũng là đề án nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì triển khai nghiên cứu, đề xuất. Và theo Chỉ thị 20, Hà Nội chỉ còn đúng 1 năm để cấm xe máy chạy xăng trong khu vực trung tâm.
Là người dân định cư ở phố Kim Mã (Hà Nội), một tuyến phố nếu chiếu theo Chỉ thị 20 sẽ cấm xe máy chạy xăng sau một năm nữa, chị Trần Hà Phương bày tỏ sự đồng tình với yêu cầu được đưa ra trong Chỉ thị.
Cùng với lộ trình cấm xe máy chạy xăng trong vành đai 1 TP Hà Nội, Chỉ thị 20 cũng yêu cầu Hà Nội có lộ trình áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hoá thạch đến năm 2030.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng mục tiêu là cần thiết, phù hợp với xu thế bảo vệ môi trường của thế giới song rất cần một báo cáo về tác động kinh tế - xã hội của biện pháp cấm phương tiện cá nhân chạy xăng. Cùng với đó, có thể đưa ra một vài đề xuất loại xe điện, phương tiện công cộng chạy điện nào có thể thay thế tối ưu loại xe máy chạy xăng hiện nay, tác động đến đời sống người dân như thế nào? Kinh nghiệm thay thế của các nước trên thế giới ra sao? “Tôi rất ủng hộ việc bảo vệ môi trường vì đó là yêu cầu cấp bách của xã hội song để thay thế 6,5 triệu xe máy chạy xăng hiện nay cần có phương án rất cụ thể và có trợ giúp gì cho người dân?” - ông Doanh nêu quan điểm.
Giới chuyên gia phân tích, Hà Nội đang hướng đến xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại và việc giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên việc này đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể và lộ trình rõ ràng; trong đó, vấn đề quy hoạch đô thị, quy hoạch dân cư đặc biệt quan trọng.
Cần đảm bảo hạ tầng cho xe điện
Kết quả báo cáo “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện" của Ngân hàng thế giới (WB) công bố cuối năm 2024 cho biết: trước năm 2035, xe 2 bánh dự kiến vẫn là phương tiện chiếm lĩnh thị trường xe Việt Nam, mặc dù nhu cầu tổng thể có xu hướng giảm.
Theo ông Bowen Wang- chuyên gia về giao thông vận tải của WB, Việt Nam hiện là thị trường xe điện 2 bánh lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, trong đó lượng xe điện 2 bánh chiếm 12% thị phần trong tổng doanh số bán xe 2 bánh. Thị trường cung ứng xe điện 2 bánh ở Việt Nam khá đa dạng và sôi động, với nhiều nhà cung cấp cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Mức đón nhận của người tiêu dùng đối với phân khúc xe này là khá cao, đặc biệt là ở thành thị.
Song điều đáng quan tâm là khi phát triển hệ thống xe điện vào năm 2026, thì hệ thống trạm sạc xe điện phải đủ cung ứng.
Ông Shigeyuki Sakaki, chuyên gia cấp cao về giao thông vận tải của WB cho rằng, xe máy điện tiêu thụ năng lượng thấp nhưng nhiều người sử dụng ô tô điện trong thời gian tới thì mạng lưới hệ thống điện sẽ phải đáp ứng đủ nhu cầu này để thúc đẩy sự chuyển dịch xe điện. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần có lộ trình thiết thực và khả thi nhằm phục vụ mục tiêu giảm khoảng 7,2% phần đóng góp của ngành giao thông vận tải vào tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn nền kinh tế. Chuyển đổi sang xe chạy điện là một quá trình, bao quát một hệ sinh thái đa ngành vì vậy phải có sự chuẩn bị kỹ càng.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Việc cấm xe máy chạy bằng xăng trong vành đai 1, tiến tới cấm xe máy xăng lưu thông ở trong vành đai 2, vành đai 3 là ý tưởng tốt, hướng tới sự văn minh, bảo vệ môi trường song có khá nhiều dữ kiện cần được làm rõ và giải quyết thấu đáo trước khi đi vào thực hiện.
Khi người dân thấy được lợi ích của việc sử dụng xe điện cho kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe, cùng với đó là điều kiện chuyển đổi thuận lợi họ sẽ đồng thuận.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy: Muốn người dân chuyển sang xe máy điện, phải tính đến chuyện hỗ trợ tài chính, chứ không thể nói chuyển là gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế để chuyển được.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định chủ yếu đến từ hoạt động giao thông, công nghiệp và đốt phụ phẩm nông nghiệp. Tôi nghĩ việc giải quyết vấn đề ô nhiễm từ lĩnh vực giao thông là trúng và đúng. Song rất cần có chính sách rõ ràng, có lộ trình hợp lý.