Giao thông

Hà Nội đề xuất thu phí vào nội đô từ năm 2027

Lê Khánh 22/11/2023 17:00

Sáng 22/11, Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm "Hướng đến hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững".

Thu phí vào nội đô từ năm 2027

Tại buổi tọa đàm, GS.TS. Lê Hùng Lân, Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu giao thông thông minh (ITS) trên địa bàn TP Hà Nội cho rằng, lộ trình phát triển giao thông thông minh ở Hà Nội nên chia thành 3 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2024-2026 sẽ xây dựng trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS; kết nối nguồn dữ liệu; thẻ vé liên thông.

Giai đoạn 2 từ năm 2027-2030 sẽ triển khai thu phí nội đô. Cùng đó, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh; đổi mới phương thức quản lý; phát triển các ứng dụng ITS cơ bản; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS.

Giai đoạn 3 đến năm 2045 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 2, đồng thời vận hành, khai thác hiệu quả ITS thành phố; hoàn thiện cơ sở hạ tầng ITS và tăng cường các ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số.

W_z4905005052263_4fb3518d2ac06f658e15a5a535160a4b.jpg
Quang cảnh buổi toạ đàm “Hướng đến hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững”.

Góp ý đề án, đại diện World Bank cho rằng, giai đoạn 1 là quan trọng nhất cho dự án và cần phải mua sắm nhiều trang thiết bị. Sau khi được phê duyệt thì sẽ cần nghiên cứu kỹ tính khả thi, thi công, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, hồ sơ mời thầu, khi xây dựng sẽ cần thiết kế các nút thi công.

"Do đó cần tăng thời gian giai đoạn 1 lên 4-5 năm và cần thiết lập chương trình một cách chi tiết", đại diện World Bank cho hay.

Đánh giá về đề án, TS Trần Thiện Chính, Học viện Bưu chính Viễn thông cho biết, người dân là đối tượng hưởng lợi chính của toàn bộ đề án. Đề án hứa hẹn sẽ nâng cao đáng kể chất lượng cung cấp dịch vụ thông tin cho cư dân, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ đô thị cơ bản như an ninh, giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông, cấp thoát nước... đặc biệt nâng cao khả năng của người dân trong việc tham gia vào công việc quản trị thành phố, kết nối với chính quyền thành phố.

"Người dân có thể tham gia trực tiếp vào công tác quản trị đô thị, giúp giảm tải cho bộ máy chính quyền, cụ thể hóa quyền làm chủ của người dân đối với thành phố của mình. Thông qua hệ thống đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công và các dịch vụ đô thị thiết yếu khác người dân sẽ có đánh giá công bằng hơn đối với những công chức làm tốt và nhắc nhở những công chức làm chưa tốt phải tự hoàn thiện mình, giúp chính quyền các cấp qua đó có đánh giá cán bộ khách quan hơn và tự hoàn thiện bộ máy và quy trình hoạt động hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn", ông Chính khẳng định.

Thiệt hại hàng tỷ đô vì ùn tắc

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hà Nội, cho biết: Thành phố Hà Nội hiện nay có 1,1 triệu ô tô, 6,7 xe máy khoảng 8 triệu phương tiện. Dân số mỗi năm tăng thêm 200.000 người (tương đương với một huyện lớn). Số lượng ô tô tăng khoảng 10%, xe máy tăng 3%, tổng xe tăng khoảng 4%.

Theo thống kê của nhóm xây dựng Đề án, ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm là phổ biến trong thành phố.

Năm 2022 có tổng số 35 điểm ùn tắc trong giờ cao điểm, đã xử lý được 8/35 điểm. Năm 2023 có tổng số 37 điểm ùn tắc, đến nay đã xử lý được 9/37 điểm. Một số nghiên cứu cho thấy, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm.

W_pdh_3756.jpg
Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội thường xuyên diễn ra vào giờ cao điểm.

Cùng với đó, về mặt xã hội, sức khỏe người dân đô thị đang bị ảnh hưởng vì chỉ số ô nhiễm không khí gấp hơn 5 lần so với quy định, nồng độ bụi pm2.5 đang gấp khoảng 3 lần.

Về thời gian đi lại của người dân, ùn tắc giao thông chính là thủ phạm thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm, số lượng người tăng nhanh chóng đã đặt Hà Nội vào bài toán giao thông ngày càng khó giải quyết.

Do đó, GS.TS. Lê Hùng Lân, Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" khẳng định, Hà Nội cần nhanh chóng trở thành thành phố thông minh, trong đó phát triển hệ thống giao thông thông minh là một trong các trụ cột chính.

Theo GS Lân, ITS (Hệ thống giao thông thông minh) sẽ gồm 4 phần chính: Người dùng ITS, phương tiện giao thông tích hợp thiết bị thông minh, cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và trung tâm điều hành, giám sát giao thông thành phố.

Trong đó, người dùng ITS chính là người dân tham gia giao thông và người quản lý, điều hành giao thông. Người dùng không những là đối tượng thụ hưởng dịch vụ ITS mà còn là chủ thể tham gia, đóng góp thông tin cho ITS. Giao thông thông minh thành phố Hà Nội sẽ lấy người dân làm trung tâm.

Theo ông GS Lân, những thách thức với giao thông thông minh của Hà Nội tới từ chính tới từ việc tỷ lệ đất dành cho giao thông còn ít (chưa được một nửa so với yêu cầu).

"Vận tải hành khách công cộng chưa phát triển, chủ yếu dựa vào xe buýt và mới đáp ứng chưa được 20%. Phương thức giao thông xanh (đi bộ, xe đạp, xe động cơ điện…) chưa phát triển", GS Lân cho hay.

Đồng thời, công tác quản lý, điều hành thiếu kết nối, chia sẻ. Dữ liệu giao thông chưa được chú trọng thu thập. Các ứng dụng giao thông thông minh ít. Cơ sở hạ tầng như trung tâm điều khiển, thiết bị ngoại vi còn thiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội đề xuất thu phí vào nội đô từ năm 2027

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO