Sáng ngày 21/10, UBND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), đã tổ chức Lễ gắn biển, đặt tên 4 tuyến phố mới trên địa bàn, gồm: phố Nguyễn Duy Thì, phố Lưu Cơ, phố Dương Văn An thuộc phường Xuân Tảo và phố Phạm Tiến Duật thuộc phường Cổ Nhuế 2.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết, mỗi tuyến phố đặt tên đều được các cơ quan chuyên môn, Hội đồng khoa học Thành phố cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng về sự phù hợp với lịch sử, văn hóa, tiến trình phát triển của từng địa phương, đồng thời phù hợp với hạ tầng kỹ thuật của từng tuyến đường.
Việc đặt tên đường phố đã thổi hồn vào đó những giá trị văn hóa, lịch sử và giá trị truyền thống của địa phương; qua đây cũng nhằm chỉnh trang đô thị và xây dựng tuyến phố trở nên văn minh hiện đại, để từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng tổ dân phố văn hóa, cơ quan đơn vị văn hóa và phường đạt chuẩn đô thị văn minh, tiến tới xây dựng quận Bắc Từ Liêm ngày càng giàu đẹp và văn minh.
Theo đó, tuyến phố mang tên Nguyễn Duy Thì (1571 – 1651), cụ sinh ra tại làng Hợp Lễ, xã An Lãng phủ Tam Đới, gọi là làng Kẻ Láng xưa, nay là thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhân dân thường gọi cụ là “Quan Thượng Láng”. Khi mới 27 tuổi, vào năm Mậu Tuất niên hiệu Quang Hưng thứ 27 (1598) đời vua Lê Thế Tông cụ thi đỗ Đệ Nhị Giáp Tiến sĩ, được ban chức Hàn Lâm Viện Hiệu Lý. Với hơn 50 năm làm quan dưới thời Lê Trung Hưng, bằng học vấn, bản lĩnh trí tuệ, lấy dân làm gốc, cụ đã cống hiến tài năng trên các lĩnh vực như ngoại giao, quân sự, chính trị, văn hóa giáo dục của dân tộc từ cuối thế kỉ XVI và kéo dài trong suốt nửa đầu thế kỉ XVII.
Với tuyến phố mang tên Lưu Cơ, sinh thời cụ đã cùng các bậc tiền nhân như Nguyễn Bặc, Lê Hoàn, Đinh Điền, Trịnh Tú, Phạm Hạp... phò tá Đinh Bộ Lĩnh bình định 12 sứ quân, tự xưng đế là Đinh Tiên Hoàng, lập nước Đại Cồ Việt - nhà nước tập quyền độc lập, tự chủ đầu tiên của Việt Nam vào năm 968.
Bên cạnh đó, cụ đã cải tạo thành Đại La từ một toà thành chầu về phương Bắc trở thành một toà thành của nước Đại Việt xoay hẳn hướng về nam, tức là về kinh đô Hoa Lư, cũng là hướng chiến lược phát triển đất nước mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cụ cũng đã phát triển thành Đại La đủ điều kiện cho vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010. Cụ còn có công huy động sức người sức của của Giao Châu - vùng đất giàu có nhất lúc bấy giờ củng cố cho Kinh đô Hoa Lư và cho vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược năm 981.
Còn tuyến phố mang tên Dương Văn An, cụ có tên tự là Tĩnh Phủ, quê ở làng Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Về sau, cụ ra ngụ ở xã Phú Diễn, nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Cụ đỗ Tiến sĩ năm Đinh Mùi - 1547, sau đó, được triều đình nhà Mạc bổ nhiệm làm quan, giữ các chức: Lại khoa Đô cấp sự trung (tước Sùng Nham bá), Tả thị lang bộ Lại rồi Thượng thư, tước Sùng Nham hầu. Năm Tân Mão (1591), khi cụ mât được tặng tước Tuấn Quốc công.
Cuối cùng tuyến phố mang tên Phạm Tiến Duật, ông sinh ra ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, nhưng sau đó không tiếp tục với nghề giáo mà quyết định lên đường nhập ngũ. Ông sống, chiến đấu và sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng trên tuyến đường Trường Sơn. Năm 1970, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ, Phạm Tiến Duật được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Chiến tranh kết thúc, ông về làm việc tại Ban Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam; là Phó Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001 và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012.