Hà Nội muốn giảm phương tiện cá nhân: Phương tiện cộng cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân

Lê Khánh 20/07/2023 14:24

Việc hạn chế xe máy ở Hà Nội cũng như các đô thị khác trên cả nước là mục tiêu sẽ góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó thì một mạng lưới vận tải hành khách công cộng mạnh mới có thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh

Theo Sở GTVT Hà Nội: Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ diện tích đất giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 20 - 26% trong đô thị trung tâm. Trong đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3 - 4%.

Quy hoạch cũng nêu rõ tập trung ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2030 đạt khoảng 50 - 55% tổng nhu cầu đi lại.

Tuy nhiên, tính đến đầu năm 2023, tỷ lệ đất dành cho giao thông của Thủ đô mới đạt khoảng 10,35% diện tích đất xây dựng đô thị. Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP gồm 154 tuyến, đáp ứng khoảng khoảng 18,5% nhu cầu đi lại.

Hà nội hiện đang có gần 8 triệu phương tiện.

Theo thống kê, số lượng phương tiện tại Thủ đô hiện tại là hơn 7,9 triệu xe. Trong đó, có 1,1 triệu xe ô tô, có 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện. Tốc độ tăng trưởng bình quân của phương tiện trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10%/năm đối với ô tô, trên 3%/năm đối với xe máy. Chưa kể, tham gia giao thông tại Hà Nội còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khách nhau.

Đa phần, người dân vẫn giữ thói quen đi lại bằng xe cá nhân nên tốc độ gia tăng phương tiện của Thủ Đô vẫn rất cao. Hệ quả tất yếu là quá tải về hạ tầng, UTGT xảy ra ở nhiều nơi từ nội đô đến ngoại thành, ô nhiễm không khí ở mức đáng lo ngại.

Theo đó, để kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường tháng 4/2017, HĐND TP đã thông qua nghị quyết “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Đến ngày, 13/6/2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3195/QĐ - UBND phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội” với 33 mục tiêu trọng tâm. Trong đó, UBND TP tiếp tục giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì nghiên cứu, lập Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.

Cùng đó, Sở GTVT Hà Nội cũng được giao chủ trì, nghiêm cứu lập Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

Cả hai đề án sẽ được nghiên cứu xây dựng trong giai đoạn 2023 - 2025 thể hiện quyết tâm của TP trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Cần phát triển phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu của người dân

Để giảm tải tình trạng ùn tắc, thời gian qua, mạng lưới vận tải công cộng đa phương thức trên địa bàn thành phố đã được hình thành, gồm: tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang được đầu tư xây dựng, 153 tuyến buýt, trong đó có 9 tuyến buýt điện và 10 tuyến sử dụng năng lượng sạch CNG.

Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, 512/579 xã, phường, thị trấn, kết nối 7 tỉnh thành lân cận như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc… Tỷ lệ bao phủ của vận tải công cộng ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Hiện Hà Nội đang tập trung toàn lực phát triển hạ tầng giao thông và đầu tư mạnh mẽ cho vận tải hành khách công cộng. Các chuyên gia dự báo nếu đến năm 2030 có thể đưa vào hoạt động 3 - 4 tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến bus, 35.000 xe taxi, 15 - 20 tuyến mini bus, 8.000 - 10.000 xe đạp công cộng, TP sẽ có đủ điều kiện để hạn chế xe máy trong một số khu vực nội đô trung tâm.

Đường sắt đô thị thu hút được đông đảo người dân sử dụng.

Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho hay, theo khảo sát tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hiện có trên 50% lượng khách sử dụng vé tháng, coi đường sắt đô thị là phương tiện di chuyển chính hằng ngày. Thói quen đi bộ cũng đã hình thành trong đông đảo hành khách, thậm chí có người chấp nhận đi bộ đến trên 1 km để tới nhà ga.

Chuyên gia giao thông Lê Trung Hiếu cho rằng: “ Để nhanh chóng giảm thiều tình trạng ùn tắc giao thông, Hà Nội cần dốc sức đầu tư cho mạng lưới đường sắt đô thị, càng sớm hoàn thiện cả 10 đoạn tuyến càng tốt. Trong đó nên ưu tiên tập trung cho các tuyến kết nối nội đô lịch sử với sân bay và các trục phát triển kinh tế, đông dân cư như cửa ngõ phía Tây, phía Nam Thủ đô”.

Có thể thấy rằng, đường sắt đô thị với ưu điểm nổi bật là loại hình vận tải hành khách nhanh, khối lượng lớn sẽ đóng vai trò chính trong việc thay thế xe cá nhân.

Để giảm tình trạng ùn tắc giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho hay, thời gian tới, sẽ tăng cường duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông hợp lý; Phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông và xử lý vi phạm ATGT; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội muốn giảm phương tiện cá nhân: Phương tiện cộng cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO