Để giảm thiểu ùn tắc trên địa bàn TP Hà Nội, Sở GTVT TP sẽ điều chỉnh kích thước vỉa hè, dải phân cách tại các vị trí đủ điều kiện trên 7 tuyến đường.
Sở GTVT vừa trình UBND TP Hà Nội thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường. Việc cải tạo sẽ mở rộng không gian lưu thông, giảm ùn tắc trên nhiều tuyến đường.
Theo Sở GTVT Hà Nội, dự án cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường để giảm thiểu ùn tắc giao thông (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư dự kiến gần 225 tỷ đồng, nguồn từ ngân sách UBND TP Hà Nội. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 188 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án năm 2024 - 2027.
Cụ thể: sẽ điều chỉnh kích thước vỉa hè, dải phân cách, tổ chức giao thông tại một số nút giao trên 7 tuyến đường: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến. Đây đều là những tuyến đường có mật độ phương tiện giao thông đặc biệt cao, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Đặc biệt các tuyến đường Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu nằm trên trục tuyến buýt nhanh BRT, là trục giao thông xuyên tâm, do tập trung phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông.
Thường xuyên qua đường Lê Văn Lương, anh Phạm Văn Công trú tại Vạn Phúc, Hà Đông cho hay, buổi sáng, tuyến đường này tắc từ 7h sáng đến 8h30. Buổi chiều, tuyến đường tắc từ 17h đến 19h. Có những ngày mưa, phải mất hàng giờ đồng hồ anh mới có thể di chuyển từ cầu vượt Láng Hạ tới hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến.
"Tôi nghĩ việc mở rộng tuyến đường trên là phương án phù hợp để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông", anh Công cho hay.
Tương tự, chị Chu Thị Lan Anh trú tại Mộ Lao, Hà Đông cho hay, hầu hết cứ vào giờ cao điểm tuyến đường Tố Hữu lại xảy ra ùn tắc giao thông khiến việc di chuyển gặp nhiều vất vả. "Để tránh ùn tắc, tôi thường xuyên phải đi làm về sớm hoặc muộn hơn giờ cao điểm để tránh xảy ra ùn tắc", chị Lan Anh chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc giải bài toán ùn tắc giao thông trên các tuyến đường Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến sẽ nâng cao khả năng thông hành của trục đường hướng tâm. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyên gia giao thông, T.S Vũ Hoàng Chung cho rằng, việc điều chỉnh kích thước vỉa hè, dải phân cách sẽ cải thiện hạ tầng là giải pháp đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc trên tuyến đường này.
"Với một tuyến đường xuyên tâm nhưng chỉ có 2 làn xe hỗn hợp không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày một tăng của người dân. Trên tuyến đường được Sở GTVT nêu trên, vỉa hè còn rất rộng.
Vỉa hè có chỗ lên tới 7m đang được sử dụng với nhiều mục đích như trông xe, bày bán hàng hóa... rất lãng phí. Hoàn toàn có thể nghiên cứu, xén vỉa hè, mở rộng thêm 1 làn đường hỗn hợp để phương tiện lưu thông thuận lợi hơn", chuyên gia Vũ Hoàng Chung phân tích.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng, tại 2 nút giao Hoàng Đạo Thúy - Lê Văn Lương và Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương cũng cần có những điều chỉnh như xén hè, mở lối rẽ phải liên tục.
Thực tế, tại nhiều tuyến đường ở Hà Nội đã thiết kế làn đường rẽ phải liên tục cho phương tiện. Việc xén hè mở làn rẽ phải liên tục trên đường Lê Văn Lương sang những tuyến đường khác sẽ tạo điều kiện cho phương tiện muốn rẽ lưu thông mà không bị phương tiện đi thẳng lấn làn hay phải dừng đèn đỏ. Như vậy, giao thông tại các nút giao sẽ được diễn ra liên tục, thuận lợi, giảm thiểu tình trạng ùn tắc.