Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 62 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 trường hợp tử vong. Đáng nói, những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tại khu vực miền Bắc, đặc biệt là tại TP Hà Nội đang có chiều hướng gia tăng nhanh.
Những dấu hiệu bất thường
Theo thống kê của Bộ Y tế, ca mắc sốt xuất huyết và ca tử vong do sốt xuất huyết trên cả nước giảm. Tuy nhiên, số liệu của CDC Hà Nội tuần qua cho thấy, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm gần 1.000 ca mắc sốt xuất huyết và 71 ổ dịch mới tại 20 quận, huyện.
Các chuyên gia y tế cho biết, thông thường, số ca sốt xuất huyết sẽ tăng mạnh vào tháng 10 và 11, nhưng năm nay đã bắt đầu gia tăng từ tháng 6. Đây là điều bất thường, dự kiến đỉnh dịch sẽ đến sớm hơn, rơi vào tháng 9, tháng 10. So với cùng kỳ năm 2022, sốt xuất huyết ở Hà Nội đã tăng hơn 4 lần, 30/30 quận, huyện có ca bệnh.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có hơn 4.500 ca mắc sốt xuất huyết; trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 1.270 ca. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 472/579 xã, phường, thị trấn.
Số liệu cũng cho thấy, số ca mắc và ổ dịch tập trung nhiều nhất ở những vùng ven, huyện ngoại thành của thành phố, trong khi những năm trước, sốt xuất huyết tập trung đông ở khu vực nội thành.
CDC Hà Nội cho biết, những nơi có chỉ số BI (chỉ số bọ gậy) từ 20 trở lên được xếp vào vùng nguy cơ cao bùng phát dịch. Kết quả kiểm tra một số ổ dịch trong tuần qua ghi nhận chỉ số BI vượt ngưỡng nguy cơ. Một số nơi có chỉ số BI vượt ngưỡng như: Ổ dịch thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì là 35; ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy lên đến 50...
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục tăng nhanh, trong đó, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.
Trước tình hình trên, nhiều quận huyện tại thành phố đã phát động triển khai chiến dịch cao điểm phòng chống dịch, đồng thời kêu gọi người dân không chủ quan với dịch sốt xuất huyết.
Không chủ quan với dịch
Theo ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thời tiết năm nay có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều nơi vượt ngưỡng dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.
Trong khi đó, thời điểm này là lúc sinh viên các trường đại học, cao đẳng từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học làm gia tăng số lượng đối tượng cảm nhiễm với bệnh.
Bên cạnh đó, tình trạng bùng phát các ổ dịch phức tạp còn do một số nơi vẫn chủ quan, lơ là trong phòng chống. Nhiều địa phương cho biết, trước đây hoá chất diệt muỗi do CDC Hà Nội cung ứng, nay đã chuyển về các quận, huyện đấu thầu mua sắm. Vì vậy, còn gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua hoá chất.
Trước đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, TP trên cả nước về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Cục Y tế dự phòng đã đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.
Tổ chức triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng...