Tại Hà Nội, chỉ trong 1 tuần đã ghi nhận thêm hơn 2.000 người mắc sốt xuất huyết, cao nhất từ đầu năm đến nay. Các chuyên gia y tế cảnh báo, ai cũng có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết.
Nguy cơ diễn biến nặng
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân N.T.T. (32 tuổi, sống tại Hoài Đức, Hà Nội) sau 4 ngày mắc sốt xuất huyết Dengue, truyền dịch tại nhà 3 ngày không khỏi.
Thời điểm nhập viện, bác sĩ xác định bệnh nhân bị tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều, gây chèn ép, khó thở, suy hô hấp.
Xét nghiệm máu của bệnh nhân T. có tình trạng cô đặc máu, tăng Hematocrit và giảm tiểu cầu, men gan tăng rất cao. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thể nặng.
Tương tự, một bệnh nhân 76 tuổi (ở Hoài Đức, Hà Nội) có bệnh nền tăng huyết áp, viêm gan B, nhập viện vì sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 5 có đại tiện phân đen số lượng nhiều.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nhợt nhạt, mất máu, tiểu cầu giảm thấp, hồng cầu giảm. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng, được truyền 10 đơn vị máu, gồm khối hồng cầu, huyết tương tươi và khối tiểu cầu, đồng thời được nội soi dạ dày kẹp cầm máu ổ chảy máu ở dạ dày.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bất kỳ ai khi mắc sốt xuất huyết cũng có nguy cơ diễn biến nặng, tuy nhiên tình trạng diễn biến có thể khác nhau. Ở trẻ nhỏ, thường gặp tình trạng sốc nhiều hơn, ít biến chứng chảy máu nghiêm trọng. Trong khi người già và người có bệnh nền, có thể gặp biến chứng chảy máu nghiêm trọng hơn.
"Ví dụ người loét dạ dày hành tá tràng, xơ gan có giãn tĩnh mạch thực quản, khi mắc sốt xuất huyết nếu xảy ra xuất huyết ở những vị trí này thì việc xử lý sẽ rất khó khăn.
Còn với bệnh nhân tăng huyết áp, nếu huyết áp tụt về mức bình thường như người khác đã là tình trạng sốc nặng đối với họ. Nếu thầy thuốc nhận định giá trị huyết áp không đúng có thể dẫn đến xử trí không phù hợp", bác sĩ thông tin thêm.
Tổng số ca bệnh vượt mốc 10.000
Tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.010 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện (tăng gấp đôi so với tuần cuối của tháng 8/2023).
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Phú Xuyên (163 ca), Hoàng Mai (136 ca), Cầu Giấy (134 ca), Hà Đông (132 ca), Đống Đa (125 ca), Đan Phượng (122 ca), Thanh Oai (119 ca), Thanh Trì (104 ca). Cũng trong tuần này, Hà Nội ghi nhận thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết tại 15 quận, huyện.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần 4 lần; số ca tử vong tương đương.
Bệnh nhân ghi nhận từ đầu năm đến nay phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 533/579 xã, phường, thị trấn. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân là: Thạch Thất (833 ca), Hoàng Mai (827 ca), Thanh Trì (727 ca), Hà Đông (607 ca), Phú Xuyên (603 ca), Đống Đa (577 ca), Cầu Giấy (558 ca), Nam Từ Liêm (523 ca).
Thời gian qua, trước diễn biến gia tăng ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội, Bộ Y tế đã điều chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ Hà Nội trong công tác chuyên môn.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 81.808 ca mắc sốt xuất huyết, 23 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (203.709/107) số mắc giảm 59,8%, tử vong giảm 84 trường hợp.
Dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết thời gian tới, Cục Y tế dự phòng cho hay, theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền.
Bộ Y tế đánh giá, đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc sốt xuất huyết tại nhiều địa phương tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.