Hai bức tranh quý của họa sĩ Trịnh Phòng

Hoàng Quảng Uyên 17/01/2016 10:33

Du khách lên thăm khu di tích lịch sử Pác Bó được xem bức tranh “Bác Hồ về nước” và bức tranh “Bác Hồ làm việc bên suối Lênin”, treo trang trọng trong nhà trưng bày, ghi tên tác giả là H.T. Từ 2 chữ viết tắt này không thể luận ra đó là tên họa sĩ Trịnh Phòng. Hay đó là bút danh của họa sĩ? 

Hai bức tranh quý của họa sĩ Trịnh Phòng

Bức tranh "Bác Hồ làm việc bên suốt Leenin" của họa sĩ Trịnh Phòng.

Từ nghi vấn này tôi đã đi tìm họa sĩ Trịnh Phòng. Gặp ông, tôi thông báo: “Ở Bảo tàng Pác Bó có treo hai bức tranh đó nhưng ghi tên tác giả là H.T”. Họa sĩ Trịnh Phòng vô cùng ngạc nhiên: “Sao lại thế?”. Tôi cùng ông bắt đầu “đi tìm” tên tác giả 2 bức tranh đó.

Tháng 1-2009, họa sĩ Trịnh Phòng gửi thư cho Tỉnh ủy, tỉnh Cao Bằng: “Từ năm 1966 đến năm 1969 tôi đã được Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức đi tham quan thực tế ở Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Sau hai đợt đi thực tế tôi đã hoàn thành tác phẩm “Bác Hồ về nước” - năm 1941. Tranh đã được tỉnh Cao Bằng và Bảo tàng Pác Bó công nhận, trưng bày đáp ứng yêu cầu của khách tham quan… Năm 1979 có chiến sự biên giới, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường, cán bộ NXB Văn hóa, lên biên giới công tác, có đến Bảo tàng Pác Bó, anh còn trông thấy bức tranh “Bác Hồ về nước” rớt nằm trên mặt đất, anh cầm lên xem rồi đặt lên một chỗ nghiêm chỉnh. Đến nay tranh này được nhà văn Hoàng Quảng Uyên viết bài giới thiệu trên báo Công an nhân dân số ngày 7/12/2008. Đọc bài báo, tôi mới biết số phận tác phẩm hiện nay như bị thất lạc. Còn tôi vẫn yên tâm tác phẩm được bảo tồn…” (trích thư họa sĩ Trịnh Phòng gửi nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thị Nương ngày 6/1/2009).

Hai bức tranh quý của họa sĩ Trịnh Phòng - 1

Bức tranh "Bác Hồ về nước" của họa sĩ Trịnh Phòng.

Như vậy là bức tranh “Bác Hồ về nước” của họa sĩ Trịnh Phòng được trưng bày ở Pác Bó 10 năm (1969 - 1979), sau đó bức tranh không được trưng bày nữa mà thay vào là bức tranh mới do họa sĩ H.T vẽ. Tôi ngỏ ý mời họa sĩ Trịnh Phòng vẽ lại 2 bức tranh đó để trưng bày ở Bảo tàng Pác Bó. Ông vui vẻ nhận lời đầy tâm huyết.

Ông viết thư cho tôi: “Nhân thư này, tôi viết thêm mấy dòng nghĩ là Hoàng Quảng Uyên đã biết rồi vẫn tốt: khi cho chế bản vào đĩa DVD chú ý khâu chỉnh sửa màu của tác phẩm, khắc phục một vài thiếu sót của bản tranh đã in trên sách. Bản in ảnh đen trắng là bản gốc đã chụp tranh còn bản in màu trên sách đã qua khâu chế bản rồi lại qua nhà in nên có phần yếu. Riêng nét mặt trên trán đồng chí Lê Quảng Ba có một vết bẩn như nốt ruồi do nhà in không theo dõi khi in (chạy máy) có một số sách đã in bị vết đó đành phải chịu để như thế. Tôi tin rằng bản tranh vẽ thứ hai do tác giả vẽ sẽ khắc phục những điểm cần sửa và bổ sung như nét đặc điểm của ông Cáp sẽ vẽ cho trẻ như thời gian ông về theo Bác Hồ như góp ý của Hoàng Quảng Uyên” (Thư họa viết ngày 21/8/2009).

Tôi nói 2 bức tranh treo ở Bảo tàng Pác Bó “hình như” được phóng tác từ 2 bức tranh của họa sĩ Trịnh Phòng? Về việc này, họa sĩ Trịnh Phòng nêu quan điểm: “Bức tranh “Bác Hồ về nước” bày ở Bảo tàng Pác Bó đề là phóng tác? Tôi chưa được xem bức tranh đó, nhưng tôi đặt câu hỏi: Đã phóng tác theo ý tưởng nào? Đã có dựa vào ý đồ, bố cục của tác phẩm “Bác Hồ về nước” của họa sĩ Trịnh Phòng? Nếu dựa theo bố cục, nhân vật đó thì cần phải đề tên tác giả tranh nguyên bản và tên người họa sĩ phóng tác kèm theo. Tôi xin có ý kiến đề xuất: Kiểm tra xem tác phẩm “Bác Hồ về nước” năm 1941 hiện nay còn hay bị mất. Nếu tác phẩm không còn nữa, mong đồng chí cho tôi biết để tôi dành thời gian thực hiện lại tác phẩm đó. Tôi nghĩ là cần thiết phải phục dựng lại khi tác giả bức tranh đó còn có thể làm được (tôi vẫn còn lưu bản ảnh đen trắng chụp bức tranh này năm 1969) cần phải lưu giữ tác phẩm này bởi tác phẩm đã được xây dựng công phu, phản ảnh được thần thái, tình cảm của Bác Hồ khi Bác cùng đoàn cán bộ cách mạng về nước xây dựng căn cứ cách mạng…” (Thư gửi nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng).

Tháng 6/2011, tôi đã vào TP dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước theo lời mời của UBND TP HCM, tôi có mời họa sĩ Trịnh Phòng cùng đi dự. Họa sĩ rất vui. Ông hỏi tôi về Pác Bó, về bức tranh “Bác Hồ về nước” và bức tranh “Bác Hồ làm việc bên suối Lênin”. Ông đau đáu về việc muốn phục dựng lại 2 bức tranh đó (mặc dù lúc đó ông đã 90 tuổi). Tôi an ủi ông: “Chắc là tỉnh Cao Bằng nhiều việc quá nên chưa có thời gian để trả lời! Thể nào cũng sẽ nhờ đến họa sĩ”- ông cười gượng và… chờ đợi!

Họa sĩ Trịnh Phòng chờ đợi mãi… rồi quên! Tháng 8/2015, tôi gọi điện cho ông. Người họa sĩ già ở tuổi 95 sức khỏe đã sút nhiều lắm riêng nhiệt huyết “phục dựng” lại 2 bức tranh “Bác Hồ về nước” và “Bác Hồ làm việc bên bờ suối Lênin” vẫn còn nguyên, ông bảo tôi: “Với tình hình sức khỏe như bây giờ tôi vẫn còn có thể vẽ được hoặc chỉ đạo con cháu vẽ theo chỉ dẫn của tôi. Vấn đề không chỉ là bản quyền tác giả mà là tấm lòng của người họa sĩ với Bác Hồ với cách mạng”.

Tôi lắng lòng với lời tâm sự của người họa sĩ già. Tôi nghĩ họa sĩ Trịnh Phòng là người có nhiều tác phẩm xuất sắc về Bác Hồ. Tấm lòng của họa sĩ với Pác Bó - Cao Bằng thật đáng quí. Đã đến lúc cần “trả lại tên” cho họa sĩ Trịnh Phòng trên 2 bức tranh làm việc “Bác Hồ về nước” và “Bác Hồ làm việc bên suối Lênin”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai bức tranh quý của họa sĩ Trịnh Phòng