Theo phản ánh của các hộ dân, mức độ ô nhiễm thường diễn ra theo từng đợt trong năm. Nước trong hệ thống có màu đen kịt và bốc mùi hôi thối, rất khó chịu.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là hệ thống gồm các kênh, đập, trạm bơm nhằm phục vụ cho việc tưới tiêu, thoát úng được giới hạn bởi sông Hồng ở phía Tây, sông Đuống ở phía Bắc, sông Thái Bình ở phía Đông và sông Luộc ở phía Nam. Hệ thống này cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Trong đó, Hải Dương là hạ nguồn của hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.
Nhiều năm qua, người dân ở quanh khu vực thủy lợi Bắc Hưng Hải thường xuyên phản ánh tình trạng ô nhiễm tại đây. Các cơ quan chức năng cũng đã triển khai một số giải pháp để khắc phục nhưng đến nay, tình trạng trên vẫn còn phổ biến, chưa được xử lý dứt điểm.
Qua tìm hiểu được biết, tình trạng ô nhiễm môi trường tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ở tỉnh Hải Dương chủ yếu diễn ra vào mùa khô, thời điểm cần điều tiết nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tình trạng ô nhiễm tập trung chủ yếu tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, TP Hải Dương.
Theo phản ánh của các hộ dân, mức độ ô nhiễm thường diễn ra theo từng đợt trong năm. Nước trong hệ thống có màu đen kịt và bốc mùi hôi thối, rất khó chịu. Họ lo ngại khi sử dụng nguồn nước này để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là những địa phương đang phát triển các dự án trồng rau màu với quy mô lớn. tình trạng này còn diễn ra vào mấy tháng của mùa hè, khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, khiến mùi hôi thối từ nguồn nước ô nhiễm càng trở nên ngột ngạt, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đời sống thường ngày của người dân.
Tháng 9/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo về tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Theo đó, nguồn gây ô nhiễm chính tại đây là do nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung (chiếm gần 60%). Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp mà còn khiến người dân bức xúc, nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương.
Để giải quyết vấn đề trên, tỉnh Hải Dương đã triển khai đồng loạt các giải pháp. Đồng thời giao các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương theo dõi diễn biến, sớm phát hiện khi nguồn nước bị ô nhiễm để chủ động điều chỉnh hoạt động khai thác, sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, tránh ảnh hưởng cho người dân. Đồng thời tổ chức phối hợp giữa các lực lượng tiến hành kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm các cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, xả thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Riêng đối với hệ thống kênh T2 ở TP Hải Dương, địa phương đang triển khai các biện pháp nhằm xử lý, cải thiện chất lượng nước. Theo đó, phương án được lựa chọn là xử lý bằng hóa chất kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh vật Sagi Bio2, song song với thả bè thủy sinh. Tuy nhiên đến nay, tình trạng ô nhiễm tại kênh T2 vẫn còn tồn tại. Cơ quan chức năng của TP Hải Dương đang hoàn thiện thiết kế cơ sở dự án xây dựng đường ống thu gom, tách riêng nước thải đô thị về trạm xử lý nước thải khu vực phía tây của thành phố trước khi xả ra sông Sặt. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đô thị động lực theo đúng quy hoạch góp phần xử lý tốt nguồn nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư.
Theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có ít điểm xả thải gây ô nhiễm vào hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải. Việc ô nhiễm nguồn nước trong thời gian dài là do Hải Dương nằm ở khu vực cuối nguồn, nguồn nước ô nhiễm từ các cụm công nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố khác đổ về nên rất khó kiểm soát. Hiện, các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống này, đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.