Năm 2025, tỉnh Hải Dương phấn đấu có thêm ít nhất 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao và 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; hoàn thành các mục tiêu được tỉnh đề ra trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Hải Dương phấn đấu có 129 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 76 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 5 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Hải Dương, trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh đã huy động tổng nguồn vốn cho chương trình là 49.178 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước đạt trên 2.613 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn lồng ghép đạt trên 1 nghìn tỷ đồng, vốn tín dụng đạt 45.275 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp và huy động đóng góp từ cộng đồng dân cư.
Tính đến ngày 30/12/2024, toàn tỉnh có 100% các xã đạt chuẩn NTM, 65/151 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 19/151 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 12/12 huyện, thành phố, thị xã được công nhân hoàn thành nhiệm vụ và đạt chuẩn NTM. Hải Dương là tỉnh thứ 5 trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Hữu Đáng - Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương khẳng định, những kết quả đạt được trong xây dựng NTM ở tỉnh Hải Dương là nhờ sự quan tâm, vào cuộc chỉ đạo quyết liệt đặc biệt là của người đứng đầu từ tỉnh đến các địa phương, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội và sự đồng thuận của nhân dân.
Các địa phương đã phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đặc biệt, việc lấy ý kiến hài lòng của người dân khi xét, công nhận đạt chuẩn NTM đã tạo ra hiệu ứng tốt trong xã hội, giúp chính quyền các cấp có cơ sở khi quyết định công nhân đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM ở các địa phương. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp đưa ra giải pháp, cam kết tiến độ xử lý để đảm bảo xây dựng NTM bền vững.
Cùng với đó, các xã trong tỉnh đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương về điều kiện tự nhiên, nhân lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với xây dựng NTM, đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế cùng chung tay xây dựng NTM. Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, nhiều địa phương đã có nhiều sáng tạo trong việc lồng ghép hiệu quả giữa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa xã hội, môi trường theo quy hoạch và đề án xây dựng NTM của toàn tỉnh.
Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM tại các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc đến tận cơ sở thôn, xóm để phát hiện những khó khăn, vướng mắc từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời tại các địa phương.
Để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Hải Dương tiếp tục xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, thực hiện, đánh giá kết quả, phát huy tối đa lợi thế của địa phương trong triển khai xây dựng NTM ở tỉnh góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Hải Dương cũng đề nghị Trung ương tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh quy định mức đạt chuẩn đối với các chỉ tiêu, tiêu chí cho phù hợp với điều kiện địa phương, có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các địa phương xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Tỉnh tiếp tục phát động các phong trào thi đua nhằm huy động các nguồn lực và người dân tham gia thực hiện; có chính sách khen thưởng, phát huy nhiều cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao trong xây dựng NTM thời gian tới.