Trong hai ngày 9 - 10/8, TAND huyện An Dương (TP Hải Phòng) đưa vụ án tổ chức, sử dụng trái phép chất ma tuý tại quán karaoke Thiên Đường ra xét xử. Vụ án có tới 21 bị cáo nên HĐXX đã phải sử dụng trụ sở UBND xã Hồng Thái để tổ chức xét xử lưu động.
Biến quán karaoke thành “động lắc”
Theo cáo trạng của Viện KSND huyện An Dương, quán massage, karaoke Thiên Đường (tại khu chung cư Xóm Mới, xã Hồng Thái, huyện An Dương) thuộc quyền sở hữu nhóm 6 người gồm Lê Quang Tuấn (Tuấn “lùn”), Trần Anh Tuấn (Tuấn “thiết kế”) cùng 41 tuổi, Nguyễn Thành Việt (36 tuổi) cùng ở tại thị trấn An Dương, huyện An Dương; Tống Mạnh Linh, Nguyễn Đình Ngọc (cùng ở tại xã An Đồng, huyện An Dương) và Nguyễn Anh Đức (trú tại phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng).
Theo thoả thuận, Nguyễn Thành Việt đứng tên đăng ký kinh doanh, có trách nhiệm “lo” các “thủ tục hành chính”. Lê Quang Tuấn (Tuấn “lùn”) có trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động quán. Trần Anh Tuấn (Tuấn “thiết kế”) có trách nhiệm gặp thu ngân để đối chiếu thu chi, kiểm tra bán hàng hàng ngày, trả lương nhân viên...
Ba “chủ sở hữu” quán karaoke còn lại gồm Tống Mạnh Linh, Nguyễn Đình Ngọc và Nguyễn Anh Đức được xác định là những người làm việc tại một cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn có trách nhiệm “bảo đảm an ninh” và “ngoại giao” để quán hát không bị kiểm tra hành chính.
Từ tháng 8/2020, nhóm đứng tên sở hữu, điều hành quán karaoke thuê Nguyễn Quang Trường (25 tuổi, trú tại huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) trực tiếp thu ngân của khách hát có sử dụng ma tuý tại các phòng hát.
Theo quy định từ Tuấn “lùn”, khi có khách quen đang hát karaoke trong phòng hát mà muốn chuyển sang vừa hát karaoke vừa “bay lắc”, sử dụng ma tuý thì Trường không phải báo lại Tuấn “lùn”. Đối với những khách “lạ”, khách “mới” muốn “bay lắc” tại quán hát karaoke thì Trường phải báo lại để Tuấn “lùn” quyết định có cho khách mới này “bay lắc” hay không. Tuấn “lùn” cũng quy định, mỗi khi khách hát trong phòng chuyển sang “bay lắc” cùng ma tuý thì nhân viên trực tầng phải tính tiền theo giá “bay lắc”, không để “thất thu” nguồn tiền này.
Để đối phó với cơ quan chức năng, những phòng hát karaoke có khách sử dụng ma tuý sẽ được ghi lại trên các hoá đơn tính tiền là “giờ hát***” với giá 600.000 đồng/giờ.
Ngoài ra, để tăng thêm độ “hút dân chơi” đến với quán, nhóm chủ sở hữu cũng cho phép “má mì” Đỗ Thị Hiền (trú tại TP Hải Phòng) cung cấp nhân viên nữ cho quán hát. Hàng ngày, Hiền cùng từ 18 – 20 nhân viên nữ ăn, ở tại quán. Khi khách hát sử dụng ma tuý có nhu cầu “bay lắc” cùng nhân viên nữ, Hiền sẽ điều động những nhân viên nữ vào phòng hát phục vụ “khách chơi”. Các nhân viên nữ phục vụ khách chơi “bay lắc” sẽ được khách thanh toán mức 200.000 đồng/giờ.
Cả chục “dân chơi” bị bắt quả tang đang “bay, lắc”
Hồi 1h ngày 7/3/2021, thời điểm Hải Phòng đang bị ảnh hưởng dịch Covid-19, các quán karaoke được yêu cầu tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, Tổ công tác Công an huyện An Dương phối hợp cùng Công an xã Hồng Thái tiến hành kiểm tra quán karaoke đã phát hiện tại tầng 3 của “ổ bay lắc” đang có tới 32 khách chơi cùng nữ nhân viên đang “bay lắc” tại 3 phòng hát karaoke. Lực lượng Công an huyện An Dương đã đưa những “dân chơi” này cùng 10 quản lý, nhân viên quán karaoke Thiên Đường về trụ sở cơ quan công an làm rõ.
Tại thời điểm kiểm tra, Công an huyện An Dương cũng thu giữ được nhiều vật chứng là chất ma tuý tại 3 phòng hát karaoke. Do những đối tượng có hành vi mua, bán ma tuý với những đối tượng cung cấp ma tuý qua mạng xã hội. Bởi vậy, quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ được những đối tượng có hành vi bán ma tuý cho những khách chơi tại quán karaoke Thiên Đường.
Cơ quan CSĐT Công an huyện An Dương cũng chứng minh được từ tháng 9/2020 đến khi vụ án được phát giác, hành vi cho các “dân chơi” sử dụng phòng hát karaoke làm “bãi đáp bay lắc, sử dụng trái phép chất ma tuý” đã “làm lợi” cho các chủ sở hữu quán karaoke Thiên Đường hơn 411 triệu đồng.
Căn cứ vào tài liệu đã được làm rõ tại quá trình điều tra, truy tố, TAND huyện An Dương đã xét xử hai chủ quán karaoke Lê Quang Tuấn (Tuấn “lùn”), Trần Anh Tuấn (Tuấn “thiết kế”) cùng ba nhân viên quán hát gồm Nguyễn Văn Long, Đỗ Thị Hiền, Nguyễn Quang Trường về tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý”.
Nhóm 15 “dân chơi” gồm Đặng Quang Thịnh, Phạm Hữu Ngọc, Lưu Đình Tuấn, Lê Văn Tân, Đoàn Ngọc Dũng, Bùi Thành Duyên, Trần Văn Nam, Trần Đình Tiến, Đoàn Ngọc Quyết, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Văn Tú, Bùi Văn Đức, Lại Thế Giang, Lê Tuấn Anh, Nguyễn Canh Tân và Lê Thị Phương Oanh bị xét xử về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”.
Sau 2 ngày xét xử, chiều ngày 10/8, HĐXX sơ thẩm hình sự, TAND huyện An Dương đã tuyên phạt tổng cộng 168 năm 6 tháng tù cho 21 bị cáo. Trong đó, nhóm 6 bị cáo bi xét xử về tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý”, mỗi bị cáo bị tuyên phạt mức án từ 8 đến 8 năm 6 tháng tù. Nhóm 21 bị cáo bị xét xử về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” bị tuyên phạt mức án từ 7 năm đến 9 năm tù. Một số bị cáo bị xét xử tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” bị tuyên mức án cao hơn mức án nhóm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” do nhóm này đã có hành vi cho hai nữ tiếp viên của quán karaoke mới hơn 17 tuổi sử dụng chất ma tuý.
Trong vụ án còn có đối tượng Nguyễn Văn Khang, nhân viên của quán hát karaoke có hành vi của tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” cho các dân chơi. Tuy nhiên, tại thời điểm bị phát hiện, bắt giữ, Nguyễn Văn Khang mới có 14 tuổi, 9 tháng 16 ngày, là đối tượng vị thành niên khi phạm tội nên được cơ quan tiến hành tố tụng tách ra, xử lý hành chính.
Theo đánh giá của TAND huyện An Dương, ngoài hình phạt tù, theo quy định của pháp luật, những bị cáo trong vụ án còn phải chịu hình phạt bổ sung bằng tiềnvới mức phạt từ 50 - 200 triệu đồng/bị cáo, tuỳ theo mức độ, hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trong vụ án này, hai trong số các chủ sở hữu quán karaoke Thiên Đường đã tự nguyện nộp lại 130 triệu đồng, tiền thu lợi bất chính từ việc cho các “dân chơi bay lắc” tại quán; Cơ quan tiến hành tố tụng cũng tuyên tịch thu toàn bộ thiết bị âm thanh tại 3 phòng hát phục vụ “bay lắc” tại quán; những “dân chơi’ sử dụng ma tuý không có dấu hiệu vụ lợi. Từ 3 đánh giá trên, HĐXX không tuyên hình phạt bổ sung, phạt tiền đối với 21 bị cáo như pháp luật cho phép.
Theo bản án của TAND huyện An Dương, trong vụ án còn gần chục đối tượng có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, hiện đã bỏ trốn, đang được Công an huyện An Dương ra quyết định truy nã. Ngoài ra, trong vụ án này còn có nhóm nữ nhân viên có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý, được Công an huyện An Dương ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Bản án của TAND huyện An Dương cũng xác định, đối với ba “chủ sở hữu” quán karaoke là Tống Mạnh Linh, Nguyễn Đình Ngọc và Nguyễn Anh Đức, những cán bộ tại một cơ quan trên địa bàn có lời khai phủ nhận việc chủ trương cho khách hát karaoke được sử dụng chất gây nghiện tại quán hát đã được VKSND huyện An Dương có văn bản kiến nghị cơ quan chủ quản có biện pháp chấn chính hoạt động góp vốn, thành lập doanh nghiệp nên HĐXX không kiến nghị đến cơ quan chủ quản của ba cán bộ này. Tuy nhiên, trong nhận định của Bản án, HĐXX cũng yêu cầu các “đồng sở hữu” quán karaoke Thiên Đường có trách nhiệm, nghĩa vụ nộp lại phần thu lợi bất chính từ việc những nhân viên quán hát có hành vi cho “dân chơi bay lắc” tại quán karaoke.