Trong khi sân khấu TP HCM năm nay được cho là mất mùa kịch Tết thì thị trường hài Xuân phía Bắc vẫn khá nhộn nhịp. Nhưng phía sau các chương trình hài Tết năm nay, là một cuộc đua ngầm của các “ông trùm”.
Hậu trường một phim hài Tết Bính Thân.
Mới và mới
Hài là mảnh đất màu mỡ vì vậy tình trạng “người người làm hài, nhà nhà làm hài” khiến thị trường hài trở nên sôi động, đồng thời cũng đẩy các đơn vị tham gia vào cuộc đua khá quyết liệt. Riêng miền Bắc hàng năm đã có đến hơn chục đơn vị sản xuất đĩa hài. Chính vì thế, tìm ý tưởng mới, khai thác đề tài mới, chọn diễn viên mới… luôn là những bài toán khó của hài Tết đón Xuân.
Đạo diễn Bình Trọng (Hãng phim Bình Minh, năm nay sản xuất “Đại gia chân đất”, “Làng ế vợ”) chia sẻ: “Hài của ta hay thì khán giả cũng xem, dở cũng xem vì nó mang lại tiếng cười vui vẻ, nhẹ nhàng, càng nhiều càng vui, chả bao giờ khán giả quay lưng với hài cả”. Tuy nhiên, ngay từ trong quá trình sản xuất, những người làm hài cũng đã phải tính toán đến việc làm sao cho sản phẩm của mình có điểm khác biệt với làng hài.
Còn đạo diễn Phạm Đông Hồng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nghe nhìn Thăng Long) trung thành với dòng hài dân gian và cho rằng phim của mình là “đặc sản” nhưng tìm cái mới lạ trong những điều tưởng như quen thuộc là vấn đề sống còn, bắt buộc phải có. Năm nay, đạo diễn Phạm Đông Hồng làm “Chôm nhờ 3” và “Trở lại”. Trong đó, “điểm mới” là sự xuất hiện của nữ DJ Trang Moon rất hot và diễn viên Hiệp “Gà”.
Đạo diễn Bình Trọng cũng tiếp tục phát triển thương hiệu “Đại gia chân đất” của mình nhiều năm qua, và sản xuất tiếp “Làng ế vợ” phần 2 với mỗi tập là một câu chuyện, một cách kể chuyện khác nhau để thu hút khán giả.
Trong khi đó, diễn viên Vượng “Râu” lại đặt ra 16 “nguyên tắc vàng” trong đó có các điểm: “Tuyệt đối không dùng những diễn viên đã nhàu nát (lên hình nhiều); chỉ được phép cho người khác lấy của mình - không được phép lấy của người khác; không chịu sự lệ thuộc của sức ép tiền bạc; mỗi năm thay 80% ca sĩ ; luôn lo kịch bản trước 3 năm để không mang tính chất chộp giật thời vụ...
Đó là lí do năm nay Vượng “Râu” không cho ra mắt các sản phẩm hài như trong mười năm qua mà đầu tư vào làm “Tết vạn lộc” với các chủ đề khác nhau ở các năm. Anh đã tính sẵn năm nay chủ đề là “Tết vạn lộc - Cười để yêu thương”, sang năm sẽ là “Tết vạn lộc - Xuân ba miền”, sang năm tiếp nữa sẽ là “Tết vạn lộc - Xuân vùng cao”…
Cuộc đua lên… mạng
Thị trường đĩa hài Tết ngày càng phức tạp hơn nữa vì tình trạng băng đĩa lậu tràn lan khiến những nhà sản xuất đau đầu. Đạo diễn Phạm Đông Hồng kể vui có năm ông còn được một đầu nậu băng đĩa gửi tặng quà kèm bức thư với lời lẽ hết sức “chân tình” rằng: “Cảm ơn bác, nhờ bác mà chúng em ăn Tết to”.
Đạo diễn Bình Trọng cho biết: “Năm nào cũng thế, tôi căn cứ vào thị trường, vào số lượng đĩa mà nhà phân phối, các đại lí băng đĩa đặt hàng trước để sản xuất đĩa. Thường thì chỉ một buổi sáng là phát hành hết số lượng đĩa. Bởi thời buổi bây giờ, thị trường băng đĩa có một đặc thù là nếu không bán hết thì ngay sau 24h đĩa lậu đã bán tràn lan, các mạng xã hội người ta đã up đầy lên”.
Anh cũng thẳng thắn bày tỏ: “Tôi thì luôn muốn mang sản phẩm chính hãng đến tận tay khán giả nhưng thị trường đĩa cũng có rất nhiều phân khúc. Có những khán giả chỉ trung thành với đĩa chính hãng do Bình Minh phim sản xuất vì họ biết đó là sản phẩm thật, chất lượng tốt, đáng đồng tiền bát gạo họ bỏ ra. Song, với rất nhiều người, đặc biệt là đồng bào dân tộc, người lao động nghèo, họ không có tiền để mua một bộ đĩa thật mà vẫn có nhu cầu xem thì họ chỉ cần mua đĩa giả, chất lượng kém, lòe nhòe nhưng vẫn xem được nội dung là được. Điều đó mình buộc phải chấp nhận thôi”.
Vì vậy, nếu chỉ trông chờ vào việc bán đĩa thì hãng nào cũng sẽ bị lỗ vốn. Đó là lí do khiến mỗi nhà sản xuất phải tự tìm kiếm thêm các nguồn thu, như lồng ghép quảng cáo, bán trực tiếp cho các đài truyền hình địa phương phát sóng… Một hình thức phân phối khác mang lại nguồn thu, đó là phát hành trên YouTube. Đây là một thị trường tiềm năng, đang được các nhà sản xuất, các nghệ sĩ khai thác.
Năm nay, đạo diễn Phạm Đông Hồng đã cho phát hành trên YouTube các sản phẩm “Chôn nhời” và “Trở lại” cùng với ngày phát hành đĩa (16/1). Công ty cổ cần Truyền hình- truyền thông HVB năm ra cũng làm “Thông gia đón Tết” mời nghệ sĩ Hán Văn Tình và Quang “Tèo” thủ vai. Mặc dù HVB cho biết phim được phát hành hơn 10.000 bản đĩa DVD, nhưng cũng không bỏ qua sự hợp tác với các kênh Mytivi, Clip.vn, YouTube.com…
Đưa hài Tết lên mạng xã hội đang trở thành một cuộc đua mới của các đạo diễn hài Tết, nhằm cạnh tranh với đĩa lậu, và phục vụ một bộ phận công chúng có lối sống hiện đại. “Cách làm này vừa đảm bảo số đông vẫn xem được phim hài với chất lượng tốt nhất, vừa thu được lợi nhuận một cách hiệu quả”, đạo diễn Đông Hồng chia sẻ.
Đạo diễn Bình Trọng cũng cho biết do những năm trước phim của anh được/bị cộng đồng mạng đưa lên internet quá nhiều, thậm chí còn bị cắt dán làm “biến dạng” phim lung tung nên khi nhận được lời mời hợp tác đưa phim lên YouTube anh đã đồng ý ngay. Theo anh, lợi nhuận không quan trọng bằng việc khán giả sẽ được tiếp xúc với một bộ phim hoàn chỉnh với nội dung đầy đủ, hình ảnh đẹp, sắc nét, âm thanh tốt.
Kết quả, chỉ 8 ngày sau khi một tập “Làng ế vợ” được đưa lên, có đến trên 11 triệu lượt xem một tập và tập 2 thì có khoảng trên 5 triệu lượt xem. Tính cả hai tập khoảng hơn 16 triệu lượt...
Chưa bàn đến chất lượng của các đĩa hài, thậm chí không ít tiếng cười gượng, cười tục, cười nhạt, một vấn đề khác khiến khán giả cảm thấy khó chịu khi thưởng thức đĩa hài Tết đó là… quảng cáo chen vào, thậm chí quảng cáo rất dài. Lý giải điều này, đạo diễn Bình Trọng cho biết: “Tiền bán đĩa của tôi chỉ đủ trả tiền cơm cho đoàn thực hiện phim và tiền thù lao cho một số diễn viên thôi. Số khán giả mua đĩa chính hãng quá ít, nếu chỉ trông chờ vào bán đĩa thì chỉ có bán nhà mà làm phim thôi. Mỗi khán giả xem phim chỉ cần ủng hộ mua một chiếc đĩa thôi thì lúc đó tôi mới sòng phẳng làm phim không chèn quảng cáo được”. |